Đà Nẵng cuối tuần
Ngư dân "đi thưa, về trình"
Câu chuyện “đi thưa, về trình”, tuân thủ pháp luật khi đánh bắt thủy sản được những ngư dân làng chài Nam Thọ xưa (nay là vùng đất Thọ Quang) nhắc nhau trong những chuyến vươn khơi bám biển. Trên biển hôm nay, họ hiểu rằng, việc ra khơi không còn đơn thuần là lên tàu rồi nổ máy đi bủa lưới tìm cá tôm một cách tùy tiện vì lợi ích cá nhân mà cần đặt dưới sự quản lý bài bản, khoa học, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững.
Thành phố nỗ lực tuyên truyền pháp luật để ngư dân vươn khơi có trách nhiệm. Ảnh: XUÂN SƠN |
Vươn khơi có trách nhiệm
“Tàu cá ra vào bến phải khai báo, có giám sát hành trình, cập nhật nhật ký khai thác, đánh bắt thủy sản theo quy định pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài… Đó là những điều kiện mà những ngư dân đã và đang tuân thủ, hay nói cách khác, tất cả tàu cá và ngư dân cần nghiêm túc chấp hành “đi thưa, về trình” nếu muốn xóa “thẻ vàng” IUU”, ngư dân Nguyễn Phương Bình, Tổ trưởng Tổ đội tàu đánh bắt xa bờ Thắng Lợi (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhấn mạnh các quy định về chống khai thác bất hợp pháp trước giờ nổ máy tàu vươn khơi.
Vùng khơi mà hai con tàu treo cờ Tổ quốc, với công suất 825 CV và 865 CV của ông Bình chuẩn bị vươn tới là ngư trường Hoàng Sa. Một chiếc mang số hiệu ĐNA 910195 TS, chiếc còn lại là ĐNA 91982 TS, tất cả đều gắn thiết bị giám sát hành trình, trong đó có một chiếc ông Bình được thành phố hỗ trợ. Chỉ vào chiếc điện thoại, ông nói, việc khai báo thông tin về tàu cá cập, rời cảng và truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện qua ứng dụng “CDT VN” và được phổ biến tới ngư dân, dần thay cho giấy tờ truyền thống.
Câu chuyện “đi thưa, về trình”, tuân thủ pháp luật khi đánh bắt thủy sản được ông Bình và những ngư dân làng chài Nam Thọ xưa (nay là vùng đất Thọ Quang) nhắc nhau trong những chuyến vươn khơi bám biển. Trên biển hôm nay, họ hiểu rằng, việc ra khơi không còn đơn thuần là lên tàu rồi nổ máy đi bủa lưới tìm cá tôm một cách tùy tiện vì lợi ích cá nhân mà cần đặt dưới sự quản lý bài bản, khoa học, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững. Đây cũng là những thông tin mà họ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương… phổ biến trong các đợt tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.
Với cá nhân ông Bình, trên vai trò thành viên Trung đội dân quân biển phường Thọ Quang, tinh thần tuân thủ này còn được bồi đắp trong những chuyến vươn khơi gặp gỡ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển. “Tổ tiên tôi là từ vùng biển An Bàng tại Hội An (Quảng Nam), những thế hệ trong gia đình đã tiếp nối nhau nối nghiệp biển. Để ngư dân vươn khơi như hôm nay, không thể không cảm ơn sự hỗ trợ của thành phố, địa phương và các đơn vị liên quan. Trong đó có công tác tuyên truyền các quy định, hỗ trợ trang thiết bị, bảo hiểm…”, ông Bình chia sẻ.
Nỗ lực tuyên truyền pháp luật
Ngư dân Lê Văn Cu (tổ 101, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được quận và phường hỗ trợ vay số vốn 90 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để có kinh phí làm hồ sơ đăng ký, đăng kiểm tàu cá ra khơi. Song hành với đó, ông Văn Cu và những ngư dân trên địa bàn phường được cung cấp các thông tin rõ ràng về hoạt động đánh bắt thủy sản đúng quy định, qua đó tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc xảy ra trên biển.
Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông chia sẻ, đây là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất thành phố với tổng số 600 phương tiện tàu cá, trong đó có 239 tàu đánh bắt xa bờ (công suất 400 CV trở lên) và 361 tàu bắt vùng lộng. Với quy mô này, phường đã và đang đẩy mạnh công tác xử lý các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) trên địa bàn, đồng thời phối hợp Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, Chi cục Thủy sản tổ chức 2 buổi tuyên truyền pháp luật với hơn 250 ngư dân/lượt tham dự.
Nội dung tuyên truyền liên quan triển khai Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các nội dung liên quan chống khai thác IUU cho các phương tiện hoạt động khai thác… Bên cạnh đó, phường phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền về môi trường cho ngư dân; ban hành kế hoạch về cao điểm tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, giám sát tàu cá từ 12m trở lên vi phạm IUU trên địa bàn; rà soát và tuyên truyền vận động các phương tiện có nguy cơ vi phạm IUU…
Hình thức kết hợp tuyên truyền pháp luật với tập trung nguồn lực hỗ trợ ngư dân vươn khơi là định hướng của thành phố và các địa phương nhằm nỗ lực xóa “thẻ vàng” IUU. Tại quận Thanh Khê mới đây, UBND quận phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức lớp tập huấn dành cho ngư dân để phổ biến các quy định về hoạt động khai thác đối với các phương tiện tàu cá từ 6m đến dưới 12m trên địa bàn. Tại đây, UBND quận Thanh Khê đã trao 33 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên cho các chủ tàu; đồng thời cho các chủ tàu ký cam kết thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Theo ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê, đây là một trong những hoạt động tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của chủ tàu, ngư dân trong việc chấp hành các quy định của Luật Thủy sản 2017. “Song hành với tuyên truyền, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân tận tình, chi tiết trong việc hoàn thiện thủ tục ba loại giấy tờ hợp lệ để vươn khơi, đó là giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên. Điều này tiết kiệm thời gian cho ngư dân, tạo sự thuận lợi cho ngư dân hoạt động hợp pháp trên biển.
Trên hành trình vươn khơi của ngư dân, nỗ lực tuyên truyền của các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp tại thành phố Đà Nẵng được tập trung đẩy mạnh nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU, làm việc với EC lần thứ 5.
XUÂN SƠN