Đà Nẵng cuối tuần
Khởi đầu cho hành trình mới
Sau khi tốt nghiệp ngành Cử nhân ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Dương Thị Diễm My (SN 1998) trở thành một trong số 357 ứng viên toàn cầu nhận học bổng toàn phần thạc sĩ ngành “Khởi nghiệp, phát triển bền vững và thay đổi xã hội” (Entrepreneurship, Sustainability, and Social Change) tại Đại học Linnaeus do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Trên hành trình mới nơi xứ người, cô gái trẻ nỗ lực học tập và ấp ủ ước mơ thực hiện một dự án khởi nghiệp vì cộng đồng tại quê nhà.
Dương Thị Diễm My tại Đại học Linnaeus (Thụy Điển). Ảnh: NVCC |
“Tôi không có nền tảng giáo dục đại học về chuyên ngành kinh tế nhưng lại đam mê khởi nghiệp”, My chia sẻ về quyết định của bản thân khi quyết định rẽ hướng sang chương trình thạc sĩ về kinh tế. Mấy năm trước, chúng tôi có dịp gặp My tại một số chương trình khởi nghiệp ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Thời điểm trước Covid-19, cô sinh viên quê huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) là người sáng lập dự án khởi nghiệp nhỏ mang tên Adei House - mô hình du lịch cộng đồng gắn với ẩm thực Chăm được triển khai tại Mỹ Sơn. Với ý tưởng sáng tạo, kết hợp văn hóa bản địa cộng công nghệ trong du lịch và sự hỗ trợ từ Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), Adei House được nhiều cố vấn, đơn vị đầu tư đánh giá có tiềm năng phát triển.
Dẫu vậy, do những yếu tố khách quan, tác động Covid-19, dự án này không thể đi xa hơn. “Adei House hình thành từ niềm đam mê của tôi đối với ngành du lịch và bản sắc văn hóa, đặc biệt là việc giới thiệu những giá trị của văn hóa Chăm đến bạn bè quốc tế. Dù dự án chưa phát triển như mong đợi, tôi vẫn thấy mình học được nhiều kinh nghiệm giá trị từ những ngày tháng vận hành Adei House, đặc biệt là cách xây dựng một mô hình kinh doanh”, My chia sẻ.
Điểm dừng với Adei House là bước ngoặt, khởi đầu cho hành trình mới của cô gái Quảng Nam tại trời Âu. Tròn 4 tháng trước, My là một trong số 357 ứng viên toàn cầu (trong đó có 11 người Việt Nam) chính thức chạm tay vào giấc mơ du học tại Đại học Linnaeus với học bổng toàn phần thạc sĩ ngành “Khởi nghiệp, phát triển bền vững và thay đổi xã hội” do Chính phủ Thụy Điển tài trợ.
My cho biết Thụy Điển có môi trường lý tưởng cho người yêu khởi nghiệp, bảo vệ môi trường và hướng tới xã hội. Tại đây, mọi ý tưởng đều có cơ hội phát triển thành hành động, đặc biệt là các mô hình bền vững. My nhận ra, một doanh nghiệp không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn phải tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng và môi trường.
Được biết ngành học “Khởi nghiệp, phát triển bền vững và thay đổi xã hội” là chương trình giáo dục mở. Sinh viên theo học sẽ trải qua những bài học về khởi nghiệp và phát triển bền vững đi cùng tình huống thực tế, qua đó có thể áp dụng kiến thức vào các tình huống xã hội để đưa ra giải pháp phù hợp. Các môn học không chỉ dừng lại ở khái niệm khởi nghiệp thông thường mà đề cập đến rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về phát triển các mô hình kinh doanh bền vững.
Một trải nghiệm đáng nhớ của My là được tham gia dự án nghiên cứu nhỏ về cách phát triển doanh nghiệp tại các khu vực nông thôn ở Việt Nam cùng những người bạn quốc tế. Dự án giúp My có cái nhìn sâu sắc hơn về những vấn đề mà người dân nông thôn phải đối mặt và cách các mô hình khởi nghiệp có thể giúp họ vượt qua khó khăn đó.
Trên xứ người, My không quên giới thiệu hình ảnh Tổ quốc Việt Nam với chiếc áo dài và lá cờ đỏ sao vàng khi có dịp. Đồng thời trở thành cầu nối, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thêm động lực cho những bạn trẻ trong nước có nguyện vọng tìm kiếm học bổng từ Chính phủ Thụy Điển, thông qua những buổi trao đổi trực tuyến. “Mục tiêu dài hạn của tôi vẫn là quay về Việt Nam để thực hiện các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Tôi nghĩ, giáo dục là chìa khóa để phát triển xã hội, mang đến sự thay đổi tích cực về nhiều mặt”, My cho biết. Trong mục tiêu đó, My ấp ủ ý tưởng thành lập trung tâm dạy tiếng Anh cho người lớn có thu nhập thấp, dạy các kỹ năng mềm cho trẻ em, đặc biệt trẻ em chậm phát triển.
LÂM VIÊN