Đà Nẵng cuối tuần

Thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận

16:53, 21/12/2024 (GMT+7)

Từ thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận, được thử thách, tôi luyện trong quân đội, trong chặng đường 45 năm trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, dù trong hoàn cảnh nào, chiến đấu hay trong công tác, chúng tôi đều quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, luôn lấy đó làm động lực để gặt hái nhiều thành công. Chúng tôi luôn cho rằng, sự trưởng thành ngày hôm nay là nhờ những ngày tháng công tác và chiến đấu trong quân đội.

Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11-7-1969. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11-7-1969. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

"Muốn viết lịch sử, phải làm nên lịch sử"

Đầu tháng 9-1971, trước khí thế hào hùng của cả non sông, do yêu cầu của chiến trường, chúng tôi những sinh viên đại học - được xác định là lực lượng dự trữ chiến lược của đất nước, thấy mình đã đến lúc phải “xếp bút nghiên” lên đường ra trận thông qua những lá đơn xin nhập ngũ.

Trước ngày nhập ngũ, lãnh đạo khoa có buổi gặp mặt dặn dò, động viên. Trong lời căn dặn của thầy trưởng khoa lúc ấy, tôi nhớ mãi câu: "Muốn viết lịch sử, trước hết, phải làm nên lịch sử". Đây là tuyên ngôn về sử học đối với chúng tôi, nó không chỉ theo tôi trong thời gian ở quân ngũ mà cả cuộc đời.

Ngày 6-9-1971 là ngày giao, nhận quân, cũng là ngày để lại dấu ấn mang tính bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi. Sáng hôm đó, tại khu Thượng Đình, lãnh đạo Ban Giám hiệu, Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức lễ giao quân một cách long trọng. Phát biểu dặn dò chúng tôi trước lúc nhập ngũ, thay mặt lãnh đạo nhà trường, Hiệu trưởng khả kính GS Ngụy Như KonTum nói về trách nhiệm, nghĩa vụ và vinh dự của thanh niên khi Tổ quốc cần.

Sau đó, anh Thái Khắc Sơn, sinh viên K14 (khoa Toán), đại diện cho toàn thể tân binh đọc quyết tâm thư và hứa với lãnh đạo nhà trường sẽ phát huy truyền thống của trường, cố gắng khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Ngày hôm đó, hơn 3.500 sinh viên tất cả các trường đại học toàn miền Bắc nhập ngũ. Phần lớn họ được huấn luyện ở Sư đoàn 325, một sư đoàn ra đời từ vùng đất Bình Trị Thiên khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vùng trung du tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ (nay là tỉnh Bắc Giang), từ Tân Yên, Yên Thế đến Mai Xiu đông nghịt lính mới từ sinh viên năm thứ hai đến năm thứ tư, có cả hàng chục giảng viên, phó tiến sĩ.

Trong bộ quân phục màu xanh lá cây, với một số người còn rộng thùng thình, câu thơ của Vũ Cao mà chúng tôi thường đọc với niềm tự hào, kiêu hãnh: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”. Sau này, nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Thế Tường nói về tâm trạng của những sinh viên chúng tôi nhập ngũ ngày ấy: "Một chút tự trọng, một chút tự ái, một chút kiêu hãnh và quyết tâm, chúng tôi gác bút nghiên, khoác ba lô ra chiến trường, hình thành đội quân sinh viên, góp phần cùng cả dân tộc có ngày ca khúc khải hoàn!".

Viết nên bản hùng ca bất tử

Chuyển từ môi trường học tập sang môi trường quân ngũ, từ việc nhỏ đến lớn đều phải theo mệnh lệnh, quả thật khó khăn. Vất vả nhất là hằng đêm báo động 1-2 lần, hành quân bộ, mang balô là 15-20 viên gạch để rèn luyện. Ở Tân Yên (Hà Bắc, nay là Bắc Giang), chúng tôi bước vào huấn luyện chiến đấu, làm nhiệm vụ của người lính, từ học chính trị, tập điều lệnh, bắn súng bài một, bài hai và tập đánh mục tiêu công sự. Sau gần 3 tháng huấn luyện, cuối tháng 11-1971, chúng tôi được chuyển về các quân binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đến các chiến trường và cả làm nhiệm vụ quốc tế.

Thử thách khốc liệt đầu tiên đối với thế hệ lính sinh viên là khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai vào năm 1972, thả ngư lôi phong tỏa Cảng Hải Phòng, sử dụng thành quả mới nhất về khoa học là tia laze để ném bom bắn phá miền Bắc. Trong cuộc chiếu đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, binh nhất Huỳnh Văn Thái, cựu sinh viên năm hai Đại học Nông nghiệp I cùng 7 đồng đội hy sinh ở Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 16-4-1972. Tiếp đó, trong chiến dịch 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng ngàn sinh viên các trường đại học đã ngã xuống, góp phần viết nên bản hùng ca bất tử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở trung đoàn pháo phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng được 10 tháng, cuối tháng 9-1972, tiểu đoàn của tôi được lệnh vào chiến trường B3 (Tây Nguyên). Đây là thời kỳ ở chiến trường Tây Nguyên, bộ đội vật lộn với bao khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt là đói, năm 1973 tiêu chuẩn ăn của bộ đội là gạo với 0,25kg/người/ngày, đến cuối năm được nâng lên 0,4kg/người/ngày). Đồng hành với thiếu đói là bệnh tật (sốt rét rừng) hoành hành.

Sau Hiệp định Pari năm 1973, Mỹ ngụy bắt tay vào thực hiện kế hoạch tràn ngập lãnh thổ trên toàn miền Nam, mà chúng gọi là chiến dịch Lý Thường Kiệt để lấn chiếm vùng giải phóng. Ở Tây Nguyên, cuộc chiến đấu chống lấn chiếm ở vùng Tây Bắc thị xã Kon Tum, đường 19 nối dài phía Tây thị xã Pleiku diễn ra rất ác liệt. Đơn vị tôi là đơn vị kỹ thuật, để lại một bộ phận nhỏ bảo dưỡng vũ khí, khí tài, còn đa số tham gia vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm phục vụ phía trước. Trong thời kỳ này, tôi vinh dự cùng một số đồng đội được kết nạp vào Đảng khi chưa tròn hai tuổi quân.

Chiến đấu và trưởng thành

Năm 1974, đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ hành lang giao thông vận tải ở vùng Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Đầu năm 1975, thật vinh dự, tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với hai chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đơn vị chúng tôi trong đội hình binh chủng hợp thành đánh Đức Lập (9-3-1975), sau đó đánh Buôn Mê Thuột, và tiến về giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ngày 2 và 3-4-1975.

Đóng quân ở Cam Ranh một tuần, chúng tôi hành quân theo đường rừng xuyên qua khu căn cứ Bác Ái, Ninh Thuận (vì lúc đó Phan Rang - Tháp Chàm chưa giải phóng) ngược lên Đà Lạt rồi về Gia Nghĩa (Đắk Nông bây giờ), xuôi Phước Long, Tây Ninh để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26 đến 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn trên cánh quân phía tây, từ Đồng Dù, theo đường 22 về Hóc Môn, Ngã tư Bảy Hiền, sân bay Tân Sơn Nhất. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi vinh dự được trở về trường, tiếp tục học tập và công tác.

Những ngày tháng công tác và chiến đấu trong quân đội không những rèn luyện cho chúng tôi ý chí, bản lĩnh, mà còn nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng khoa học. Từ trong sâu thẳm của lý trí và tình cảm, chúng tôi tâm niệm rằng, phải luôn cố gắng, phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, mà trực tiếp là các liệt sĩ, từng là sinh viên cùng lớp: Lê Văn Doan, Phan Sĩ Tài, Nguyễn Xuân Toản, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tâm, cùng hàng triệu đồng bào, đồng chí đã ngã xuống để dân tộc được độc lập, tự do. Thành công chúng tôi có được hôm nay là nhờ sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, đồng đội, đó là điều không bao giờ được lãng quên!

TRƯƠNG MINH DỤC

.