Đà Nẵng cuối tuần
Ký ức bên cầu...
Kể từ năm 1965 đến nay, sáu mươi năm đã trôi qua. Từ một chú bé, tôi đã thành ông lão ngoài tuổi bảy mươi. Đà Nẵng đổi thay phát triển từng ngày, chỉ riêng đoạn đường hai bên cầu Nguyễn Văn Trỗi ngày nay, với riêng tôi cũng đã lắm chuyện để kể, nhất là chuyện từ thời chiến tranh đến ngày hòa bình, mà các thế hệ sau này, có em cũng sẽ coi như chuyện cổ tích.
Chiếc cầu do hãng Effel nổi tiếng thi công, nối liền hai bờ đông-tây sông Hàn. Ảnh: Tư liệu |
Hồi ấy, lần đầu qua sông Hàn là qua phía ngã cầu De Lattre (cầu Nguyễn Văn Trỗi ngày nay). Cũng có thể đi phà, theo ghe qua sông. Nhưng đó là chuyện khác. Ở đây chỉ nói đến cây cầu nối Đà Nẵng sang phía đông sông Hàn và Non Nước, lúc ấy như độc đạo…
1. Năm 1951, Pháp cho xây dựng cây cầu bằng thép bắc qua sông Hàn, đặt tên cầu De Lattre. Chiếc cầu do hãng Effel nổi tiếng thi công, nối liền hai bờ đông-tây sông Hàn. Đó là sau này tôi mới biết. Chứ hồi học lớp đệ Thất (lớp 6 ngày nay) thì chỉ nghe trên sách vở là cầu Trịnh Minh Thế. Nhưng dân gian thì vẫn gọi là cầu Đờ Lát…
Khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng vào mùa hè năm 1965, họ biến cầu Đờ Lát trước đó từng dùng chung cho cả xe lửa và ô-tô, thành chiếc cầu cho ô-tô chở lính và bom đạn từ cảng Tiên Sa, Sơn Trà sang sân bay Đà Nẵng và ngược lại, trước khi xây thêm một cầu dã chiến bên cạnh. Xe chỉ chạy một chiều. Tất nhiên người dân chạy các loại xe máy và đi xe đò cũng đi chung, người buôn bán, hàng rong qua lại vẫn đi ghe đò ngang vượt sông Hàn phía hạ lưu.
Dưới sông lúc đó luôn nhộn nhịp tàu thủy quân sự, ca nô gắn máy xuôi ngược ra vào phía cửa biển. Đoạn trong cùng, sát cầu Đờ Lát là hàng chục máy đào, mày hút cát hoạt động ngày đêm, mở ra một bến cảng gần chân cầu. Cát đổ lên lấp cả một khu ruộng vùng Nại Hiên và dân cư sát bờ phía tây, dọc đường Võ Tánh (nay là Núi Thành). Nhiều năm sau, tôi vẫn nhìn thấy giữa bãi cát ấy vẫn còn một ngôi nhà gạch bỏ hoang bị cát lấp đến tận cửa sổ…
Giữa cái nắng chang chang của mùa hè miền Trung, những người lính Mỹ qua lại trên cầu không chịu nổi cái nóng. Họ lại xuống xe hóng chút gió ít ỏi bên ngoài. Tôi không biết ai đã nảy ra sáng kiến đến bán cho lính Mỹ ấy các loại dép cao su làm bằng lốp xe cũ và các loại nước ngọt, nhiều nhất là Coca Cola do quân Mỹ vừa nhập qua lúc đó! Bọn học trò chúng tôi đang nghỉ hè nhanh chóng nhập vào đội quân này…
Tôi nhớ không lầm thì mỗi đôi dép đế cao su làm thủ công từ lốp xe ô-tô mua 1 USD từ phía chợ Cồn, mang đến bán lại cho lính Mỹ giá 2 USD. Lính Mỹ nói, mang loại dép này mát hơn là giày da ống cao của họ. Mỗi lon Coca Cola mua vào và bán ra cũng cỡ giá đó. Và ngày nào cũng có những cô cậu học trò và những phụ nữ ở các khu phố chợ lân cận chen lấn nhau mời gọi khi những chiếc GMC dừng lại ở đầu cầu, nối đuôi nhau từ ngã tư Quân Đoàn đến trạm gác sát cầu. Nhiều lính Mỹ không mang tiền, có khi còn đổi mấy lon thịt hộp hoặc các loại thuốc lá…
Thời điểm ấy, cả Đà Nẵng nhộn nhịp với cảnh xe cộ, lính Mỹ và người buôn bán dạo, tạo ra khung cảnh náo nhiệt mà trước đó chưa từng xảy ra. Cho đến hè năm 1966, lúc lên chơi phía Hòa Khánh, Hòa Sơn tôi cũng thấy cảnh buôn bán đó trên những nỗng cát gần các đồn lính Mỹ. Lần này thì ít thấy dép râu, mà đa số là nước ngọt và cả trái cây tươi được bày bán trên các bàn ghế nhẹ…
2. Tôi có đứa bạn học chung lớp ở trong kiệt Mã Vôi phía đường Hoàng Diệu rủ đi bán dép râu, chỉ mấy ngày hai đứa đã kiếm được chục USD, về đổi ra tiền Việt mua sách vở và ăn hàng vặt.
Thú vị là hai đứa tôi cũng tập nói được mấy câu tiếng Mỹ bồi, không biết đúng sai, nhưng mấy ông lính Mỹ cũng hiểu, học nói thêm được mấy chữ thank you, money, good luck… Nhưng thích hơn là biết được nhiều hơn những gì mình từng biết về thành phố mới. Nào là từ nhà tôi đi lên đường Võ Tánh nay là Núi Thành, sẽ tới ngã tư Quân Đoàn, từ ngã tư đi thẳng là lên phía Đò Xu và Cẩm Lệ, tuy là đường phố mà rợp bóng tre. Đi từ ngã tư qua cầu Đờ Lát thì sang biển, vô phía núi Ngũ Hành Sơn để thẳng đến Hội An ở phía nam… Tầm mắt một đứa trẻ học lớp đệ Thất dần được mở ra khỏi con đường Hoàng Diệu, Hùng Vương, Nguyễn Thị Giang mà tôi từng ngày ôm vở đi cùng bè bạn đến trường…
Năm ấy ông cụ tôi vừa mua được chiếc xe máy hiệu Goebel của Đức cũng thường chạy lên khu vực này để coi cảnh lính Mỹ vừa đổ quân sang, và cảnh hút cát dưới sông, như nhiều người dân khác. Một lần ông bắt gặp tôi đang đi bán dép râu. Cha tôi gọi tôi ngồi sau chiếc Goebel chở về nhà và nện cho một trận nên thân. Ông cấm tiệt tôi không được lai vãng đến khu vực này từ đó…
Trước khi bị cha cấm, đã có lần bọn nhóc chúng tôi rủ nhau đi bộ qua bên kia cầu cho biết. Ở đây là một khung cảnh hoàn toàn khác. Hai đầu cầu là các trạm gác do lính Mỹ gác để điều tiết các chiều xe qua lại và cả kiểm soát người dân đi xe máy qua cầu. Xe máy buộc phải xuống dắt bộ, tắt máy trước khi trình thẻ căn cước cho người lính kiểm tra. Giấy tờ khác phải có ảnh. Tất cả phải đi bộ giữa hai hàng cọc sắt ấp chiến lược, theo hàng một. Tôi và đứa bạn muốn qua phải chờ một chiếc xe khách chạy ngã Non Nước hoặc Sơn Trà dừng lại để leo lên. Vì chỉ đi đến ngã ba Non Nước nên buộc phải đứng ngoài cùng và trả tiền một nửa giá. Được cho đi xe hơi một đoạn cũng rất vui vì được ngắm cả dòng sông sâu bên dưới và thấy có cả một trạm gác khác để kiểm tra việc qua lại trên sông bằng ghe gỗ chèo bằng tay…
Xe dừng lại cho chúng tôi xuống trước mấy quán nước vách ván, lợp tôn trên con đường lớn tráng nhựa. Hai đứa tôi gọi chung một ly nước mía rồi ngồi ngó ra đường, coi mấy chiếc xe ủi của lính Mỹ đang làm đường. Chiều ngược lại ra hướng bắc là đến núi Sơn Trà đã làm xong mấy bữa trước, thấy xe nhà binh chạy khá đông. Tại chỗ chúng tôi ngồi nhìn theo hướng đông, nghe nói là về phía biển Mỹ Khê, nhưng chỉ dành cho xe nhà binh đưa lính Mỹ xuống các bãi tắm. Bãi tắm cũng có rào ngăn cách bằng dây thép gai để cách biệt với dân chài ở địa phương đi đánh cá. Rồi bọn tôi tiếp tục theo mấy anh lính leo lên chiếc xe đò từ phía Non Nước chạy tới để qua cầu… Ánh nắng chiều từ núi Phước Tường chiếu xuống đang yếu dần.
Dưới con mắt chúng tôi ngày đó, thật là nhiều chuyện lạ từ khi lính Mỹ đến Đà Nẵng năm 1965 và những khám phá mới của hai đứa trẻ đi bán dép đế cao su ở đầu cầu Đờ Lát. Có lẽ từ đó, cuộc sống người Đà Nẵng bắt đầu thay đổi và đông dần bởi làn sóng dân tản cư ở các vùng nông thôn từ Quảng Nam ra, từ Huế vào. Trong đó có gia đình tôi.
3. Từ cây cầu độc nhất Đơ Lát giờ đã thành một cây cầu hiện đại đẹp nhất đi từ nội thị qua phía biển. Chung quanh đó đã thành những biệt thự, chung cư sang trọng. Từ đoạn sông được hút cát lên làm sâu một bến cảng năm ấy, giờ đã là con đường thênh thang với nhiều khách sạn sang trọng, một đường phố đi bộ nhộn nhịp suốt đêm với những ánh đèn màu, những nhóm bạn hát hò, tản bộ ngược xuôi và một cầu tàu du lịch. Bên kia cầu, con đường đã rộng mở dẫn về biển và chạy đến Hội An, đẹp vô cùng. Sáu mươi năm đã trôi qua...
Bút ký TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG