Đà Nẵng cuối tuần
Mây ngang đỉnh núi
Ngoại cài lại then cửa, chêm thêm cây sào ngang vào chiếc khoen. Ngó nghiêng đâu vào đấy xong ngoại lên giường. Chiếc chõng tre kêu ọp ẹp như chào đón chút hơi người từ ông lão gầy nhom với mớ đồ ấm rịt quanh người.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lại gió. Từng cơn lạnh buốt thốc vào căn nhà gỗ xiêu vẹo, mái tôn nghiêng nghiêng nấp sau mấy tàn cây. Ngôi nhà ni dễ chừng cũng muốn ngủ đông, rệu rã như ông bà. Giường bên, bà rên hừ hừ, cơn đau từ chiếc ruột có khối u to tướng đang hành hạ.
Ông ngoại bước xuống, kéo mẻ than dưới đuôi giường ra, nhẹ tay cời mớ tro tàn. Ngoại đưa bàn tay xương xẩu run run lên mặt than đỏ, chờ nóng rồi áp vào bụng bà. Chầm chậm, run rẩy. Tiếng rên nhỏ dần. Hình như bà đã chìm vào giấc ngủ.
Quá nửa đêm, ông ngoại dậy thêm vài bận nữa. Có tiếng gà quác sau hè, không biết chồn cáo hay kẻ trộm. Bầy gà này, ngoại chăm bẵm từ khi xuống ổ, nhẩm tính cuối Chạp mẹ con con Út về cho nó một cặp. Mang tiếng lấy chồng dưới xuôi mà đói đến rạc người. Mỗi đận về quê cha mẹ phải đùm khoai gạo gửi xuống.
Mẹ nhìn về hướng tây, hoàng hôn thẫm tím một góc trời. Con chim chiều lẻ bạn, con cuốc kêu khan, bầy cò đưa nhau về núi. Tự nhiên nước mắt mẹ trào ra nhòe nhoẹt, sống mũi cay xè. Mẹ kéo vạt áo thấm nước mắt rồi cắm cúi dặm nốt mớ lúa. Mảnh ruộng này hôm trước mới gieo giống gặp bữa mưa dầm thúi hết, bây chừ cứ như chiếc áo rách, vá mãi không xong.
Người trên quê đi chợ ghé báo bà ngoại ốm, ốm lắm rồi, xem chừng không được bao lâu nữa. Ngoại tự lượng sức mình nên không chịu đi viện. Mà đi viện thì ai lo, con cái đứa ở lại chiến trường, đứa theo quê vợ tận miền Nam xa xôi, còn mỗi cô con gái út lấy chồng dưới xuôi mỗi năm về đôi lần. Mà nó khổ quá, làm lụng suốt ngày không đủ ăn, biết trông nhờ thế nào được.
Nhà thờ từ đường, có túng thiếu kiểu chi ngày rước ông bà phải đủ đầy cơm cá. Ba ngày Tết, thịt thà, bánh tét dưa hành không được thiếu. Mẹ nói, đạo ông bà phải giữ, giữ ấm chân hương là giữ nếp nhà, thế mới mong sống tốt nhiều đời sau.
Mẹ nhìn con heo nằm vùi nơi góc chuồng, ruồi bu kín máng cám. Mẹ lại sờ vào đầu nó, miệng thảng thốt như hỏi đứa con nhỏ của mình, sao rứa con ơi! Sao bỏ ăn rứa con, con dậy ăn mẹ thương.
Mẹ đỡ đầu nó dậy, kéo máng cám sát miệng. Con heo hịt hịt hai cái lại ngoảnh mặt qua chỗ khác. Ruột mẹ rối như tơ, nó mà đổ bệnh lúc ni thì chết mất, bao nhiêu thứ trông chừng vào nó. Nào thịt cá, nào bánh trái cúng ba ngày, rồi áo mới cho các con, rồi phải không đủ thứ…
Trường cho nghỉ Tết được mươi ngày, Hằng tính với mẹ cố làm cho nhanh mọi thứ rồi về thăm ngoại trước Tết, chứ chờ tiễn ông bà xong như mọi năm thì trễ quá, nghe nói bà ngoại ngóng mẹ con mình từng ngày.
Mẹ thở hắt ra, quơ lấy cái liềm ra sau hè hái mớ lá chuối khô. Mẹ vào bếp nổi lửa bắc nồi cháo tấm, nêm gia vị rồi mang tô cháo ra chuồng heo. Mẹ cầm muỗng cháo đút tận miệng, con heo đón lấy miễn cưỡng. Nhưng dường như không thể làm mẹ vui lòng được, nó ngoảnh mặt đi. Mẹ ngồi bệt luôn dưới nền chuồng, thẫn thờ. Ráng cho mẹ vài hôm không được sao? Thế mà mẹ nhẩm tính, bán sát Tết cho được giá, giờ kiểu ni lái buôn ép cũng đành chịu thôi. Phận nghèo đeo khổ!
Miền ngược gửi xuống những tín hiệu xấu, lòng mẹ rối bời. Còn ba bữa nữa Tết rồi, đi lên quay về không kịp lo rước ông bà. Mẹ tính tới tính lui, tặc lưỡi bảo Hằng xếp đồ vào túi xách:
- Con về trước, nói ngoại ráng chờ mẹ vài bữa, đưa ông bà xong mẹ về với ngoại liền.
Hằng nhìn khuôn mặt khắc khổ của mẹ, nhìn khóe mắt đỏ hoe, nhìn đôi tay gầy run run đưa Hằng mớ tiền lẻ đi xe.
Xe giáp Tết đông gấp ba ngày thường. Hằng mang theo yêu thương không nói được thành lời, mang nỗi niềm của mẹ về với ngoại. Tiếng ồn ào náo nhiệt của mọi người cũng không khiến Hằng bận tâm. Những cơn gió cuối đông chẳng còn lạnh thấu xương vì lòng Hằng cứ nóng ran như lửa đốt. Nghĩ đến mẹ với con heo nằm vùi nơi góc chuồng, cá thịt chưa sắm, dưa hành củ kiệu mới một nắng dở dang. Đám ruộng trống toang chưa dặm xong, bánh tét mới chuẩn bị đồ để gói…
Hằng thở dài, nghe lòng trôi theo từng gió ràn rạt.
Đón Hằng là ánh mắt hẫng hụt của ông, mẹ không về được à con? Ông ngoại hỏi với giọng buồn thiu. Mẹ nói ngoại ráng chờ mẹ ít bữa, ra mùng mẹ về liền à! Hằng lúng búng, như thể mình có lỗi. Đưa hết những thứ mẹ gửi cho ông ngoại, Hằng sà vào với bà.
Trước mắt Hằng là mớ chăn mền lạnh lẽo. Ngoại nằm thoi thóp, hơi thở yếu ớt đứt quãng, mẻ than đã tàn tự khi nào. Hằng nắm lấy đôi tay gầy như nhánh cây khẳng khiu, lạnh ngắt. Áp tay ngoại vào má mình, Hằng đưa tay bà sờ soạng khắp mặt, rồi luồn bàn tay lạnh ấy vào cổ, vào gáy mình. Đáy mắt khô khốc của ngoại rơm rớm, bàn tay run run chạm lên vành tai Hằng. Vành tai ngoại đã xỏ khuyên và tặng Hằng đôi bông tai bạc không biết ngoại mua từ khi nào.
Lần đó ngoại xuống chơi. Cũng là lần cuối cùng trong đời ngoại rời ngôi làng quanh năm núi phủ mây mờ này. Ngoại bảo con gái phải xỏ khuyên tai, sau này lấy chồng đeo bông nó mới duyên, mới đẹp.
Hằng không muốn lấy chồng, Hằng sợ phải xa mẹ. Hằng sợ phải như mẹ, như ngoại, nhớ thương cháy lòng mà chỉ biết giấu sau làn nước mắt.
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Ai nghĩ ra mấy câu đó làm chi để mỗi lần hát ru em mẹ lại khóc âm thầm day dứt.
Đêm ba mươi, giữa thời khắc linh thiêng, giữa núi rừng âm u mờ mịt sương giá ấy, Hằng đón Giao thừa cùng ngoại trong chiếc buồng chật hẹp. Mẻ than đã được cời dày lên, Hằng kéo chiếc áo len kín cổ, tay cầm miếng gừng già ngoại ủ nơi bếp lửa. Ly nước lá thơm nồng ấm sực, hai ông cháu tính sẽ thức thâu đêm cùng bà. Bà yếu lắm rồi, hơi thở khó nhọc, cả ngày không ăn hết vài muỗng nước cháo.
Ông ngoại dỗ dành, bà cố lên, mai mốt Út nó về rồi. Qua đêm nay bà thọ thêm được một tuổi nữa, phước lộc ni dành cho con, cho cháu. Cố lên nghe bà!
Nói rồi ông ngoại nhỏ vào miệng bà vài giọt gì đó từ chiếc ve nhỏ xíu. Hằng cố kìm nén cảm xúc, nuốt ngược nước mắt vào trong. Tay cầm tay bà ngoại, tay hơ vào mẻ than rồi đưa lên bụng bà. Đều đặn, đều đặn. Hằng nghe hơi thở ngoại nhẹ hơn. Bàn tay ngoại lỏng lẻo trong lòng tay Hằng, hình như ngoại ngủ. Hằng nhìn khuôn mặt ngoại, biết bà đang cố gắng lắm. Vài hôm nữa thôi ngoại nhé! Ngoại ráng đợi mẹ con về. Hằng thì thầm.
Khối u trong bụng ngoại chạy chầm chậm dưới tay Hằng, len lỏi. Hằng cố rà tay theo sự dịch chuyển ấy, hòng mong có thể kìm được những cơn đau.
Tết trôi qua như một giấc ngủ dài. Ông ngoại khăn áo chỉnh tề nhang khói, Hằng lặng lẽ làm theo những gì ông chỉ bảo. Không biết giờ này ở nhà mẹ đang làm chi nhỉ!
Khờ quá, Tết nào mẹ chẳng nấu cơm cúng, dọn lên, chờ ba khấn, đợi hương tàn, rồi dọn xuống. Mời mọi người cùng ăn, cất mớ đồ ăn còn lại vào chiếc lồng bàn. Lăng xăng quét rác dọn nhà, rồi quầy quả ra đồng thăm lúa…
Cây mai trước sân cứ ủ từng chùm nụ không chịu bung vàng. Ông ngoại nói mai cũng đợi mẹ con về đấy. Hằng nghe lòng buồn thiu, phải hết ba mùng mẹ mới về được.
Ngày tiễn ông bà, Hằng phụ đốt giấy tiền vàng, xong cắm nén nhang xuống cái ống hương sát gốc mai. Chợt mắt Hằng bắt gặp mấy chùm nụ bung nở, sắc vàng ẩn trong vòm lá mơn mởn. Dưới nắng xuân, từng đàn bướm rập rờn bay lượn.
Hằng chạy ù vào nhà khoe với ông ngoại lúc này đang dọn mấy đĩa đồ cúng xuống chiếc bàn nhỏ. Rồi như chợt nghĩ ra điều chi, Hằng rẽ chân vào buồng bà. Mắt ngoại nhắm hờ, miệng há ra như người ngủ say, hơi thở dường như rất nhẹ.
Hằng đưa tay vào mũi ngoại lắng nghe, chờ đợi.
Ông giục Hằng quạt lửa, cời than. Ông lấy ra cái chai nhỏ, nhăn mặt vặn nút, dùng muỗng đổ chậm từng giọt vào miệng bà. Vài giọt, vài giọt rồi chờ đợi.
Mãi lúc sau có tiếng chó sủa, tiếng láo nháo của hàng xóm. Mẹ về, là mẹ về!
Hằng mừng quýnh quáng chạy ra đón mẹ.
Mẹ dáng bộ tả tơi, mái tóc bời rối, mắt mũi giàn giụa những nước. Mẹ ơi! Mẹ ơi con về đây, Út của mẹ về đây! Mẹ Hằng lao vào buồng, thơm lên khắp người ngoại, bàn tay mẹ sờ soạng lên cái khối u quái ác.
Nắn nót, đắng đót. Mẹ úp mặt xuống ngực bà, hít lấy hít để mùi hương quen còn sót lại. Mẹ ôm rịt ngoại thế, tưởng như phút giây này là mãi mãi. Con người ta mãi đến khi chạm cửa tử mới thấy hết cái giá trị của một phút trần gian. Một lát sau, mặt bà hồng hào trở lại như có một phép màu. Mọi người ồ lên mừng rỡ. May quá, tốt quá rồi! Hằng sà vào ôm mẹ, ôm ngoại.
Hằng nhìn ra trước hiên nhà, nắng đã lên qua đỉnh núi, để lại một vệt sáng lấp lửng. Nơi chân núi mờ xa, vài cụm mây trôi lững lờ. Có ai biết mây đi đâu về đâu, thênh thênh gió, đi không bịn rịn, ở không luyến lưu, như mặt trời hết mọc lại lặn. Đời người cũng phải thuận theo sinh lão, ai đó nhắc thứ quy luật khắc nghiệt ấy.
Bên nhà hàng xóm, tiếng khóc trẻ con như phá tan không gian ảm đạm. Hằng nghe tiếng mẹ nó dỗ dành, tiếng ngằn ngặt đòi sữa, tiếng ầu ơ ví dầu. Tiếng hát ru như xoáy vào lòng Hằng những nỗi niềm da diết.
“Mẹ ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà mẹ đâu…”.
HỒ LOAN