Đà Nẵng cuối tuần

TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Phát huy tiềm năng, lợi thế

16:46, 21/12/2024 (GMT+7)

Quá trình triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Đà Nẵng đã có những dự tính riêng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao khẳng định, thành phố xác định công nghiệp văn hóa là một trong những đột phá, hướng đi mới trong bối cảnh hiện nay.

Lễ hội pháo hoa quốc tế là sự kiện văn hóa nổi bật, hấp dẫn tại thành phố Đà Nẵng suốt 16 năm qua. Ảnh: T.Y
Lễ hội pháo hoa quốc tế là sự kiện văn hóa nổi bật, hấp dẫn tại thành phố Đà Nẵng suốt 16 năm qua. Ảnh: T.Y

Ngoài ưu tiên phát triển không gian văn hóa, giải trí, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, thành phố phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 5% GRDP cũng như tạo thêm nhiều vị trí việc làm.

* Xác định công nghiệp văn hóa là hướng đi mới trong bối cảnh hiện nay, vậy Đà Nẵng đang có những tiềm năng, lợi thế nào để tạo nên sự đột phá này, thưa ông?

- Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động với nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng gắn liền với danh lam thắng cảnh, các di tích, lịch sử làng nghề. Đặc biệt, trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì Đà Nẵng sở hữu nghệ thuật tuồng xứ Quảng, nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian. Cùng với đó là một số làng nghề truyền thống như dệt chiếu Cẩm Nê, nước mắm Nam Ô hay bánh tráng Túy Loan… Thành phố cũng sở hữu hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp thành phố.

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có kinh nghiệm tổ chức sự kiện, lễ hội lớn, tạo sức hút cho du khách trong và ngoài nước. Đơn cử như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội pháo hoa quốc tế hay gần đây nhất là Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng góp phần khẳng định vị thế của thành phố như một trung tâm giao lưu văn hóa, nghệ thuật và giải trí trong khu vực. Những sự kiện này không chỉ quảng bá thương hiệu văn hóa đặc trưng mà còn tạo động lực phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ như du lịch, ẩm thực, lưu trú và vận tải.

Ngoài ra, với môi trường năng động và hạ tầng đồng bộ, Đà Nẵng còn thu hút lượng lớn nhân lực trẻ, có trình độ, có năng lực sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, hoạt động tích cực, hiệu quả, đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp chung của đất nước và thành phố. Với vị trí địa lý thuận lợi, Đà Nẵng trở thành cầu nối giữa trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực miền Trung. Điều này tạo điều kiện để địa phương trở thành một trung tâm giao lưu văn hóa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch và các ngành dịch vụ văn hóa.

* Ông có thể giới thiệu một vài không gian sáng tạo, trình diễn mà Đà Nẵng đã nỗ lực hình thành để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của người dân?

- Đà Nẵng sở hữu nhiều không gian sáng tạo, biểu diễn đa dạng cùng hệ thống thông tin hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo và quảng bá sản phẩm văn hóa như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, rạp chiếu phim Lê Độ, nhà hát Trưng Vương. Đặc biệt thành phố cũng tạo điều kiện cho các chương trình nghệ thuật chất lượng như Mây Lang thang, Áo dài show, Hòa Vang show… hoạt động. Ngoài ra, các sân chơi nghệ thuật hay hệ thống rạp chiếu phim tư nhân cũng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố đang tập trung vào việc đa dạng hóa không gian văn hóa, giải trí. Trong đó, nổi bật là nâng cao hiệu quả hoạt động phố đi bộ, chợ đêm cùng không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời tại các khu vực trung tâm như đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo. Đồng thời, khuyến khích các bảo tàng hình thành không gian triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số, giới thiệu tác phẩm văn hóa hiện đại kết hợp công nghệ cao, phù hợp với xu hướng mới.

* Vậy để phát triển bền vững, ngành công nghiệp văn hóa Đà Nẵng cần thêm những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Để phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa, Đà Nẵng cần tập trung vào ba nội dung chính: bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sáng tạo hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế. Trước tiên, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư vào công tác bảo tồn di sản, không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể như di tích, làng nghề mà còn cả văn hóa phi vật thể như nghệ thuật tuồng xứ Quảng, bài chòi dân gian. Song song với đó, các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng về ý thức giữ gìn văn hóa sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Thứ hai, Đà Nẵng cần tạo điều kiện để các nghệ sĩ và nhà sáng tạo có thêm không gian, cơ hội thể hiện tài năng.

Việc hỗ trợ về mặt tài chính, chính sách và hạ tầng là rất quan trọng để thúc đẩy dự án sáng tạo văn hóa, khuyến khích sự ra đời của các sản phẩm văn hóa mang dấu ấn địa phương nhưng có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cụ thể, thành phố ưu tiên phát triển một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phù hợp, có tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng như du lịch văn hóa, phần mềm và trò chơi giải trí, điện ảnh, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn…

Cuối cùng là tăng cường kết nối với các tổ chức quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa địa phương ra thế giới.

Có thể nói Đà Nẵng đang ở thời điểm lý tưởng để định vị mình là một trung tâm văn hóa sáng tạo, không chỉ của miền Trung. Với chiến lược đúng đắn và sự đầu tư bền vững, ngành công nghiệp văn hóa hứa hẹn sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như phấn đấu doanh thu đạt khoảng 5% GRDP thành phố.

* Ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố?

- Theo tôi, vai trò của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Đối với cộng đồng dân cư, đây không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể trực tiếp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những người dân ở làng nghề, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể hay những cá nhân đam mê sáng tạo văn hóa nghệ thuật đều đóng vai trò là nguồn cảm hứng, cũng như động lực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Các chương trình lễ hội, sự kiện văn hóa do thành phố tổ chức luôn nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng dân cư, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ.

Đặc biệt, ý thức của người dân trong giữ gìn các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực danh lam thắng cảnh hay đóng góp ý tưởng sáng tạo đã giúp thành phố ngày càng hoàn thiện, sản phẩm văn hóa mang bản sắc riêng. Ngoài ra, việc hình thành cộng đồng nghệ sĩ, câu lạc bộ sáng tạo nghệ thuật cũng đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng trong đời sống văn hóa địa phương. Trong khi đó, doanh nghiệp là nhân tố then chốt trong đầu tư, khai thác và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Chính sự tham gia của doanh nghiệp đã mở rộng quy mô và tăng tính chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp văn hóa Đà Nẵng. Họ vừa là nhà đầu tư, vừa là đối tác chiến lược trong quảng bá và đưa các sản phẩm văn hóa của Đà Nẵng ra thị trường quốc tế.

Để tiếp tục thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa bằng các ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ vay vốn. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư, đặc biệt trong phát triển các không gian văn hóa, tổ chức sự kiện và sản xuất sản phẩm văn hóa. Cuối cùng là tập trung nâng cao năng lực cộng đồng qua hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho người dân, nghệ nhân cách bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa trong tương lai.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TIỂU YẾN

.