.

Đà Nẵng cuối tuần

Ngồi xuống rồi vẽ…

14:35, 08/02/2025 (GMT+7)

Đã bao lâu tôi chưa ngồi xuống nơi căn phòng nhỏ bé này để tự mình cầm lên tay bảng màu rồi tự vẽ một bức tranh. Nhìn những palet lấm láp bụi bặm, những khung gỗ phủ nỗi đợi chờ, những thanh cọ im lìm thao thức hồi sinh bằng những nét phác trở lại, tôi thấy mình đã quá đỗi vội vàng với cuộc sống ngoài kia mà bỏ hờ những thứ vốn tạo nên những chạm khắc cho đời sống tinh thần.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi ngồi xuống, cầm chúng trên tay, lau đi lớp bụi bên ngoài rồi cẩn thận pha màu, rải toan lên khung. Tôi sẽ vẽ gì đây khi nỗi nhớ về mẹ chợt dậy? Vẽ khuôn mặt tần tảo tháng năm, vẽ chiếc nón mê trắng loang màu, vẽ khu vườn quê thân thương… Tôi vẽ chiếc quang gánh của mẹ bởi những chứng kiến sâu sắc và cả những kỷ niệm đẹp đẽ.

Chiếc quang gánh dường như đã trở thành một vật bất ly thân với những người phụ nữ thôn quê. Nó như là một mảnh ghép để cùng làm nên bức họa đa sắc về hình bóng của mẹ, và rồi gợi dậy trong tâm trí những ý nghĩ về tình mẹ, về tấm lòng bao la dạt dào của mẹ. Tôi tự hỏi, nơi quang gánh của mẹ có gì, vật dụng dung dị, đời thường ấy sao lại có thể mang ý nghĩa khơi gợi sâu sắc đến vậy.

Tôi bắt đầu đưa những nét cọ đầu tiên, những nét cọ chầm chậm để phác vẽ khoảng trời quê hương. Những cánh đồng lam lũ hương bùn bốn mùa hừng dậy, bao mưa nắng của đất trời đã hòa mình vào đó. Những triền núi lấp lửng. Những con đê ngả bóng hoàng hôn. Những con đường đất nâu lẫn mình trong xóm nhỏ. Bao nhiêu không gian để tạo nên khoảng trời quê hương là bấy nhiêu không gian mẹ tôi đặt chân đến, in dấu và gắn bó. Một cách tự nhiên chúng giúp tôi hiểu hơn về mẹ, về quãng vắng của thời gian in vết lên khuôn mặt của mẹ.

Giữa khoảng trời quê hương thân thương mà rộng lớn ấy, tôi phác tiếp dáng hình thân thương. Mẹ mộc mạc như đất quê hương, mẹ bao dung như cánh đồng chín vàng, mẹ vững chãi bốn mùa như triền đê trước xóm nhỏ và mẹ cũng nhỏ bé trước bao cuộc đời khác nhưng đủ để làm một điểm tựa tinh thần trước mọi cảnh huống. Tiếp mạch hồi cố của mình, tôi cẩn thận trong từng nét màu để có thể vẽ được chiếc quang gánh ngày xưa sống động nhất. Tôi điểm một chút mùa vàng trên quang gánh. Tôi điểm một chút khoai sắn trên nương. Tôi điểm một bó củi rừng, củi khô những chiều nắng mẹ mang từ sườn đồi về để thắp lửa. Tôi điểm một ít rạ rơm của vụ mùa theo quang gánh về mảnh vườn. Những hình ảnh của quê hương gần gũi ấy đi vào trong bức tranh qua những nét cọ đầy bồi hồi của tôi. Trong khoảnh khắc bức tranh ấy hoàn thiện trong niềm cảm xúc hân hoan, tôi ước được cạnh mẹ ngay lúc này để có thể gửi tặng mẹ bức tranh còn nhiều vụng về nhưng xuất phát từ chân tâm ấy của mình.

Trong quang gánh của mẹ hiền, những hình ảnh ấy xuất hiện có lẽ chỉ mang tính ước lệ, biểu trưng mà thôi. Tôi nhắm mắt mình để nghĩ sâu hơn về đôi quang gánh của mẹ đã bao mùa đong đưa. Nơi ấy còn có quá nhiều điều đặc biệt nữa, những điều mà chỉ có trái tim thấu hiểu và gọi tên. Có cả những nắng mưa cuộc đời đã lặn chìm vào đó, những nắng mưa cũng có những câu chuyện của riêng mình với mẹ trong những tháng năm đồng áng, chợ búa.

Trong đó có cả khuôn mặt của tôi đã từng đổ bóng lên những chiếc rổ, chiếc thúng đan bằng tre hoặc mây mẹ đặt ở hai đầu quang gánh. Khi những tháng năm tuổi nhỏ bao lần úp mặt vào đó để lục lấy một điều gì có thể thỏa được sự tò mò của chính mình, hay tìm lấy một món quà quê mộc mạc mà mẹ mang về sau những buổi chợ mẹ bán rau hay những loại cây quả trong vườn. Có cả những tình quê của những con người áo nâu giản dị dành cho nhau. Có cả những khoảng trống mà có lẽ suốt một đời không thể bù đắp được khi ngày mẹ quang gánh từ đồng xa trở về nghe tin cha tôi về miền mây trắng…

Tôi đã nghẹn lại khi nhìn sâu hơn về dáng mẹ tảo tần, nhìn đôi quang gánh hiện hữu trên bức tranh. Không thể nào nhặt nhạnh và rồi đếm hết được những vết xói lở của thời gian, nhưng tôi tin tôi có thể hiểu thật sâu về đôi quang gánh của chính mẹ mình. Chợt nhớ về những câu thơ thật sâu sắc của nhà thơ Trương Nam Hương: “Mẹ ơi trong lời mẹ hát/ Có cả cuộc đời hiện ra/ Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa”. Tháng năm đã cho tôi nhận ra rằng đâu chỉ từ phía lời ru, từ những thanh âm được thốt ra, ở đó còn có cả những vật dụng thôn quê dân giã, cả đời lặng im trên bóng dáng con người nhưng cũng biết nói, nói được “cả cuộc đời”, và đưa ta đi qua nhiều trầm thăng để đến với chân trời. Ngồi xuống vẽ quang gánh trên vai gầy đã làm mòn phai vai áo của mẹ, tôi đã thấy cuộc đời mẹ hiện ra…

VIỆT NGỌC

.