.

Đà Nẵng cuối tuần

Thương nhớ xứ đồng

14:55, 22/02/2025 (GMT+7)

Ai cũng có một tuổi thơ, nơi chất chứa một vùng trời ký ức dữ dội lẫn dịu êm không thể quên. Là người lớn lên nơi xứ đồng nên sự bình dị và giản đơn của nếp sống người nhà quê đã in sâu và thấm đẫm trong tôi. Những nét tự nhiên, dễ thương dễ mến, không cầu kỳ, qua lời ăn tiếng nói, trang phục, cảnh vật, những bữa cơm chiều miệt đồng vẫn còn vẹn nguyên như thuở nhỏ… Thân thương làm sao! Xứ đồng quê tôi…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bình yên lắm! Mỗi sớm mai thức dậy, tiếng nói đài truyền thanh xã, huyện vang lên đánh thức sự bừng tỉnh cảnh vật và người dân miệt đồng chuẩn bị bắt đầu một ngày mới an lành. Đám con nít trong xóm tất bật đi học, có đứa đạp xe, có đứa đi vỏ lãi tới trường, người lớn sáng đi làm đến khi trời đỏ đèn mới chịu về nhà, người già như tía má tôi thì ở nhà với hoa lá, cây kiểng.

Thời gian này, xứ đồng quê tôi người nông dân đã gieo sạ xong vụ lúa đông xuân, đất ruộng được be bờ, giống lên trải một màu xanh căng tràn sức sống mới. Những làn gió chướng trở ngọn và năm nay dường như lưu luyến xứ đồng lâu hơn mọi năm nên thời tiết cứ lành lạnh khó tả. Chút ánh nắng hửng vàng trải dài trên lối nhỏ xóm quê, trên những con đường mang màu đất mới, những nhịp cầu nối nhịp bờ vui. Thương nhớ xứ đồng một thời dãi nắng dầm sương…

Ở miền quê xứ đồng dễ bắt gặp hình ảnh dễ thương - bắt cá sau mùa nước rút, người nông dân đặt máy bơm rút nước cho cánh đồng cạn nước chờ ngày gieo sạ giống, già trẻ lớn bé trong xóm hò nhau đi bắt cá mắc cạn trong đồng ruộng. Đến miếng ruộng nào bà con cũng í ới gọi nhau, người xách thùng, người cầm rổ, người ôm vèo theo rọng cá còn sống…

Không khí bắt cá rất hào hứng và vui vẻ, ai chuyên nghiệp thì bắt được rất nhiều cá đồng. “Chiến lợi phẩm” buổi chiều mang về là hàng chục ký cá tươi rói, còn bọn con nít mang về “chiến tích” là vài dấu cá có ngạnh đăm, vết thương mưng mủ sưng vù nằm khóc rít cả đêm.

Mùa nước lên và mùa nước rút, dòng sông quê hương bồi đắp phù sa cho cây trái, ruộng nương. Cánh đàn ông trong xóm hò nhau đi dỡ chà. Trong ký ức của người dân vùng Đồng Tháp Mười đầy nắng gió, dỡ chà bắt cá là hình thức gắn liền với tuổi thơ của tôi và bà con xứ đồng, vừa là mưu sinh vừa là kỷ niệm khó quên. Trước đây, khi nhà còn nghèo khó, tía tôi hay chất chà dưới mé sông hay trong kinh lớn sau nhà. Để có được “ổ” dụ cá vào ở tập trung, tía hay chọn những chỗ không sâu quá chục thước, rồi chặt các loại cây như: nhánh cà na, nhánh gáo, cây trâm gối, những đọt tràm gió... phơi thật khô bỏ xuống để nhử cá vào “nằm ổ”. Trước khi vào mùa dỡ chà, tía hay gọi cá vào bằng cách thả thức ăn vào trong mùng chà.

Để dỡ xong một đám chà nhà tôi phải mất cả ngày, người dỡ chà phải có sức khỏe tốt vì phải ngụp lặn thời gian rất lâu trong nước, có khi phải uống rượu đế, nước mắm cá linh hoặc vài điếu thuốc rê vấn giấy quyến để lấy sức. Hồi nhỏ, tôi hay đứng trên mé kênh coi tía lặn dỡ chà, tía hay dùng những tấm lưới, tấm mành mành lớn phủ lên đám chà và cả dưới mặt nước, được cố định bằng những cây tầm vông, cây tràm cừ sạn, xung quanh có thể để vài chiếc xuồng ba lá để những con cá lớn có lỡ nhảy ra ngoài thì cũng chỉ nhảy vô xuồng.

Có năm dỡ chà trúng lớn, nhà tôi thu về là hàng trăm ký cá đồng, tôm, cua, tép đồng… bên mâm cơm chiều tí tách mưa rơi, bữa ăn đạm bạc và thân thuộc, tôi ân cần xới cho tía chén cơm gạo mới ngọt ngào mùa vụ, đon đả đưa cho má con cá đồng thấm đẫm hồn quê, tuy giản đơn và bình dị nhưng đậm đà nghĩa tình.

Ai xa quê cũng sẽ thương sẽ nhớ, nhớ tía nhớ má nhớ cảnh xứ đồng một thuở hoang vu. Nhớ tía mỗi bận xong việc đồng án là cùng dắt theo chị em tôi bơi xuồng ba lá đi giăng lưới, đặt trúm lươn sau trận mưa lớn để những con cá lóc, cá trê, cá rô, con lươn đồng mập ú làm đủ các món ngon… làm bữa cơm miệt đồng càng đầm ấm và tràn đầy yêu thương.

Thương nhớ xứ đồng chính là thương nhớ quê hương. Hai tiếng “quê hương” sao quá đỗi thân thương và mộc mạc luôn được gói ghém trong hành trình lớn khôn của tôi. Hòa cùng tình yêu thương của tía má, niềm tự hào khi tôi được sinh ra và lớn lên nơi xứ đồng một nắng hai sương, niềm tin yêu về đời sống của người dân xứ đồng của hôm nay và hành trình phát triển mai sau…

NGUYỄN THỊ MỸ CHÂU

.