Đà Nẵng cuối tuần
Thương nhớ một thời...
Thời bao cấp đã lùi xa gần bốn thập kỷ nhưng trong ký ức những ai từng sống và đi qua, nó vẫn hiện rõ như thước phim sống động, rành mạch từ cảnh xếp hàng mua thực phẩm bằng tem phiếu hay tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi heo đến hình ảnh các vật dụng sinh hoạt như quạt con cóc, chăn con công, chiếc cân đòn… Để thêm quý, thêm nhớ bởi dù trải qua thời kỳ thiếu thốn, vất vả nhưng trong họ đầy tinh thần chiến đấu, lạc quan, sẻ chia ngọt bùi và bao bọc lẫn nhau.
![]() |
Bác sĩ Trần Huy Tưởng bồi hồi nhớ về thời bao cấp qua những tấm ảnh còn lưu giữ dẫu mực lem, ảnh nhòe.Ảnh: T.V |
Qua những nhân vật mà tôi trò chuyện, họ nói rằng, không hiểu sức mạnh nào giúp họ vượt qua thời bao cấp, giai đoạn từ 1975-1986. Bây giờ nhìn nhận cuộc sống thực tại, họ nói mọi sự đã khác, khác biệt một trời một vực từ cái ăn, cái mặc, cách nghĩ, cách làm…
1. Trong ký ức của bác sĩ Trần Huy Tưởng (SN 1944, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) thì hình ảnh thời bao cấp vẫn vẹn nguyên về những ngày xếp hàng dài đằng đẵng cầm tem phiếu mua thực phẩm tại số 04, đường Hoàng Hoa Thám (nay là quận Thanh Khê) cả ngày trời, có khi đến lượt mua thì lại hết thực phẩm, phải đợi ngày mai hay phải đạp xe hàng chục cây số cắt rau muống “bỏ bụng” cho đàn heo đang í ới trong khu tập thể trên đường Nguyễn Tri Phương. Khung cảnh canh tác, làm đất trồng khoai, sắn, rau màu, nuôi heo để chạy ăn từng bữa vẫn hiện diện hằng đêm trong giấc ngủ…
Ông sinh ra tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1960, sau khi học hết cấp ba, ông nhập ngũ tại Sư đoàn 2, Liên khu 5. Đến năm 1963, ông rời quê và cùng Sư đoàn tham gia chiến đấu trận Vạn Trường (tỉnh Quảng Ngãi), trận Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) và tiếp tục học dược sĩ. Hòa bình, ông Tưởng làm công tác trợ lý dược tại phòng Quân y, Quân khu 5.
Đến năm 1987, chuyển về công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng đến khi ông về hưu. Bác sĩ Tưởng bày tỏ, thời đó, vợ làm nhân viên tại Ty thương nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng cùng ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. So với gia đình khác thì gia đình ông không phải là quá khổ nhưng để đủ ăn, đủ mặc thì vẫn còn thiếu thốn. Vì vậy, ban ngày, ngoài làm việc chuyên môn ông nuôi heo, trồng lương thực trên những bãi cát trắng trong khu tập thể.
“Thời đó, triền miên chúng tôi ăn cơm độn thêm khoai, sắn, bữa sang hơn thì có thêm món cá chuồn phơi khô, ít thịt heo rán lấy mỡ kèm rau muống. Miếng đủ, miếng ngon dành cho các con. Cả gia tài là chiếc xe đạp được mua rẻ từ người quen. Cứ như thế, vợ chồng làm sáng sớm đến tối muộn, thức dậy là sáng mà sấp mặt là tối với công việc, với rau, với heo, gà. Chỉ đến ngày Tết, may ra gia đình mới thêm miếng thịt, miếng gà trong mâm cơm, đó là điều hạnh phúc, sung sướng. Đôi lần, tôi trò chuyện cùng các con, các cháu về thời bao cấp. Tôi chỉ mong các con, các cháu lấy đó làm động lực để phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong cuộc sống”, ông Tưởng bộc bạch.
Theo ông Tưởng, ai sống thời đó đều được phân phát tem phiếu mua thực phẩm từ gạo, mắm, đường, thịt, muối, xà phòng, vải cho đến củi hay dầu lửa… Trong hình dung của ông thì câu chuyện xếp hàng mua thực phẩm cũng lắm chuyện vui buồn. Bởi vui khi tranh thủ xếp hàng sớm, mua hàng nhanh và được miếng ngon, buồn là xếp hàng muộn, hết hàng và đôi khi thực phẩm mua không như ý. Đôi lúc, đến giờ đi làm nhưng chưa đến lượt mua hàng phải đặt gạch hoặc phân công các con đi thay. Ông nhớ nhất, hồi ấy, thực phẩm thiếu đã đành nhưng món hàng khó và khan hiếm nhất là phụ tùng xe đạp như cái lốp, cái xích… Nếu mua được hoặc ai tặng cho thì biết ơn lắm.
Thời bao cấp là thời kỳ đặc biệt của đất nước nhưng con người sống với nhau tràn đầy niềm tin, tình nghĩa, đoàn kết và rất gắn bó. Tất cả đều bỏ qua cái khó, cái khổ để tìm thấy niềm vui hằng ngày, tiếp tục cuộc sống. Giờ đây, nhìn lại cuộc sống đang hiện hữu, tự hào rằng đất nước đã nên hình nên vóc với nhiều phát triển, đổi thay. |
2. Giống ông Tưởng, vợ chồng giảng viên Đào Trọng Sáu (SN 1954) và Trần Thị Nguyện (SN 1956, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng tăng gia sản xuất sau giờ làm việc. Ông Sáu tâm sự, khoảng thời gian đó khổ lắm, lương vợ chồng giảng viên không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con. Vì vậy, để có hạt muối, hạt gạo hay hạt bo bo là quý như vàng. Có thời điểm, gia đình ông phải lấy lá chuối hòa nước lã nấu lên, để nguội cho nước mắm từ một lọ nhỏ thành ba, bốn lọ lớn để ăn dần cả năm. Hay đếm từng hạt muối, hạt vừng cho vào hộp dầu cao sao vàng thêm chút khoai, sắn ăn hai bữa trưa và sáng.
Bà Nguyện tiếp lời nhớ lại kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, sau giải phóng, theo lời kêu gọi của nhà nước, vợ chồng bà viết đơn xung phong tình nguyện đi vào miền Nam. Vợ chồng bà được phân công giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng. Ban đầu, vợ chồng bà ở khu nhà tập thể tại 17 Thống Nhất (nay là 41 Lê Duẩn, Đại học Đà Nẵng). Về sau, chuyển về ở khu nhà tập thể tại 459 Tôn Đức Thắng (nay là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
“Còn nhớ, lương hai vợ chồng thời đó khoảng 64 đồng, chi phí không đủ nên cũng giống với mọi người phải nuôi heo, trồng rau, bán rau. Muốn có heo nuôi không phải dễ, vợ chồng chắt chiu từng đồng lương và cọc cạch trên chiếc xe đạp vào chợ Bà Rén (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) mua heo. Thời điểm đó, chồng tôi tiếp tục đi bộ đội thêm hai năm, tôi đang mang thai cặp song sinh nhưng bốn giờ sáng phải dậy sớm cắt rau muống chở lên chợ Hòa Khánh bán. Đúng giờ, về trường làm công tác giảng dạy và giờ trưa, chiều tôi vẫn phải nhảy ra, nhảy vào chuồng heo gần chục lần để dọn dẹp, cho heo ăn.
Phải nói rằng, tôi lo heo ốm, rau héo còn hơn lo thân mình. Hay thời còn ở địa chỉ 17 Thống Nhất, muốn mua thực phẩm phải đón phà qua bên kia sông Hàn, do chưa quen đi trên sông nước, cứ mỗi lần đi là tôi nôn lên nôn xuống, chóng mặt mấy ngày liền. Từng ký ức, từng kỷ niệm mỗi khi nhớ lại tôi đều rưng rưng quá đỗi. Để thấy rằng, cuộc sống bây giờ phát triển về mọi mặt, lớp trẻ phải biết yêu quý, gìn giữ”, bà Nguyên rưng rưng nói và cho biết, chắc có lẽ, phải đến khoảng năm 1990 thì cuộc sống gia đình bà mới “dễ thở” hơn nhưng cũng còn lắm vất vả, guồng quay với cái ăn, cái mặc.
3. Với Thượng tá Nguyễn Văn Phi (SN 1957, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), nguyên Phó Chính trị Tiểu đoàn 885, Trung đoàn 83, Công binh Hải quân (Quân khu 5), thì dù trải qua các trận chiến từ đất liền ra đến hải đảo và cuộc sống gia đình có vợ, các con thiếu trước hụt sau trong thời kỳ bao cấp nhưng trong ông vẫn luôn tin và hy vọng về sự đổi mới của đất nước.
Thật vậy, nhìn lại cuộc sống đang hiện hữu, đất nước đã nên hình nên vóc với nhiều đổi thay, đáng tự hào. Và có lẽ, càng khó khăn nhưng trong tâm trí mỗi người từ người già đến trẻ con càng nung nấu tinh thần chiến đấu, lạc quan từ trong công việc đến học tập. Chứng minh điều này, có nhiều đứa trẻ ngày ấy lớn lên trở nên thành đạt, là người có ích cho xã hội.
Nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý (SN 1936, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) có thời gian trải qua thời kỳ bao cấp tại hai miền Bắc, Nam bày tỏ, phải nói rằng, thời bao cấp là thời kỳ đặc biệt của đất nước nhưng con người sống với nhau tràn đầy niềm tin, tình nghĩa, đoàn kết và rất gắn bó. Tất cả đều bỏ qua cái khó, cái khổ để tìm thấy niềm vui hằng ngày, tiếp tục cuộc sống cho đến nay. Ông nghĩ rằng, những thông điệp sống về thời bao cấp thực sự cần lan tỏa đến các thế hệ mai sau để hiểu hơn giá trị cuộc sống hôm nay và thêm trân quý hiện tại.
TƯỜNG VY