Mỗi người Việt Nam, dù sống ở đâu, ngay cả trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ...
“Có cứng mới đứng được đầu gió”, mà là gió đại dương tràn qua Biển Đông, biển rộng đến 3.447.000km2, một biển phụ đứng vào hàng thứ ba trên thế giới, bao bọc Việt Nam về cả ba phía với hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Chiểu theo công ước quốc tế về luật biển (1982, 1994), Việt Nam có chủ quyền trên một diện tích khoảng 1.000.000km2. Những điểm ở đường cơ sở nằm xa bờ nhất là Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (cách khoảng 80 hải lý), Hòn Hải thuộc nhóm đảo Phú Quý (cách trên 70 hải lý), còn điểm gần nhất là mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa, ngay trên bờ biển, khách du lịch sau một đoạn đường đèo thở dốc có thể ghé nằm phơi gió biển và dầm chân vào nước biển sát cạnh đường.
Nhà khoa học địa lý hàng đầu của Việt Nam, Lê Bá Thảo nhắn gửi rằng: “Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh trên bản đồ: những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng, khai thác và bảo vệ, rộng lớn hơn nhiều...”*. Vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý thường tương ứng với thềm lục địa ở đáy biển nối dài bờ biển ra đến độ sâu 200m. Các đảo và quần đảo của Tổ quốc nối liền với đất liền thông qua thềm lục địa, gần nhất là các đảo của vịnh Hạ Long, xa nhất là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Người Đà Nẵng càng phải nhớ Hoàng Sa là một huyện của mình.
“Mỗi người Việt Nam, dù sống ở đâu, ngay cả trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ. Đấy là vì đất nước ta là một bán đảo có chiều dài lớn gấp bốn lần chiều rộng nhất, do đó mà không có nơi nào ở nước ta lại xa biển hơn 500km theo đường chim bay. Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến”*. Tác giả của “Thiên nhiên Việt Nam” viết những dòng tràn đầy xúc cảm nhắn gửi chúng ta.
Biển, đứng trước biển, hướng ra biển phải là cảm hứng Việt Nam, để từ đó tìm ra một giải pháp đi tới cho Việt Nam, một giải pháp Việt Nam. Ấy thế mà, không hiểu sao, cái tâm thế lục địa vẫn lấn át cảm hứng đại dương trong không khí người Việt Nam chúng ta? Liệu người Đà Nẵng có thoát khỏi cái tâm lý truyền thống ấy không khi thành phố Đà Nẵng là thành phố Biển, một thành phố năng động và sáng tạo, trung tâm của vùng kinh tế động lực miền Trung? Bước vào thế kỷ XXI, khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, vị thế của Việt Nam được nâng cao trong đời sống quốc tế, cần phải đặt ra câu hỏi đó để cố lý giải thật rành rẽ mà tìm cách vươn tới. Đà Nẵng lại càng phải đi đầu trong hướng vươn tới ấy của đất nước.
Đã quá nhiều rồi những mổ xẻ, phê phán tâm thế trì trệ, bảo thủ, ra sát đến mép nước Thái Bình Dương rồi mà vẫn lững thững quay về cái ao làng quen thuộc với lời tự an ủi thảm hại “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”! Ngày Tết người ta kiêng nói chuyện dở cũng muốn “tốt đẹp phô ra”, nhưng lại không thể “xấu xa đậy lại” vì muốn đậy cũng không được! Bởi thế mà cần nhớ lại truyền thuyết Lạc Long-Âu Cơ của thời kỳ dựng nước đã từng cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển qua hình ảnh 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển.
Trong chế độ mẫu hệ, thì “mẹ Âu Cơ” chắc không phải là yếu thế hơn, nếu không là ngược lại. Chỉ có điều, ân huệ của biển rất nhiều song không dễ thụ hưởng, còn tai họa vì bão lụt do biển gây ra thì lại bạo liệt vào loại nhất nhì thế giới. Vì thế, dựa vào địa hình, “yếu tố trội” và là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian, cùng với các yếu tố tự nhiên khác như khí hậu, sông ngòi và lớp phủ sinh vật tạo nên cảnh quan đa dạng từ biển vào đất liền để mà mở nước, dựng nghiệp.
Có cảnh quan đồng bằng duyên hải và các châu thổ, các cảnh quan trung du dưới dạng các đồi trước núi, núi thấp và trung bình ở Đông Bắc, Việt Bắc và ở dãy Trường Sơn, núi cao ở Tây Bắc và cao nguyên ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Con người từ lâu đã sinh sống trong những cảnh quan đó, đã tìm được phương thức sử dụng đất đai một cách thích hợp, ghi đậm dấu ấn của sản xuất và văn hóa của con người. Trong cái nhìn địa-chính trị, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí đặc biệt của nó nhưng cũng chính vị trí ấy là cội nguồn của nạn xâm lược mà dân tộc này phải đối phó. Người ta không thể kìm được ý đồ biến mảnh đất đứng ở ngã tư giao lưu quốc tế này thành thuộc địa hoặc chí ít thì cũng buộc phải nằm trong vùng ảnh hưởng của kẻ mạnh.
Từ thời kỳ cổ đại, ở khu vực mà ngày nay chúng ta gọi là Đông Nam Á này, được các nhà hàng hải và các thương nhân mô tả như là một vùng đất cực kỳ giàu có. Nhà văn và nhà khoa học cổ La Mã Plinius (23-79 sau CN) viết rằng “đất ở đấy là đất vàng đất bạc”! Việt Nam là một bộ phận của bán đảo truyền thuyết đó. Di chỉ Óc Eo cho thấy dấu vết của những thương nhân các nước từng đến bán đảo này. Các thuyền buôn Trung Hoa cổ đại, từ Java (Indonesia) và Mã Lai cũng đã đến đây từ Biển Đông. Vị trí địa-chiến lược của Việt Nam càng nổi trội lên khi mà bờ biển của nước này dài đến thế với những vịnh, những cảng lý tưởng cho tàu buôn neo đậu cũng như các hạm đội trú ẩn.
Từ thuở ấy cho đến Hiến chương của khối ASEAN vừa mới công bố cuối tháng 11-2007, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của khối đoàn kết Đông Nam Á như một thực thể có tiếng nói có ý nghĩa trong đời sống quốc tế. Tuy nhiên, chân thành đoàn kết và cố giữ hòa khí nhưng cũng đừng quên một số đầu óc thiển cận cứ muốn nuốt chửng Hoàng Sa, Trường Sa và tài nguyên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta.
Chuyện ấy thật dễ hiểu và không chỉ xảy ra hôm nay, có chăng là từng lúc dịu đi từng lúc nóng lên tùy theo mức độ cuốn hút của tỷ lệ trữ lượng tài nguyên nằm dưới thềm lục địa vừa phát hiện thêm và tương quan của thế và lực trong bối cảnh quốc tế. Và điều này càng làm nổi rõ lên cái vị thế “đứng trước biển” của một đất nước bán đảo vùng Đông Nam Á sôi động với vị thế địa-chính trị cực kỳ nhạy cảm.
Ấy thế mà vẫn phải đợi một đôi mắt. “Đôi mắt” theo cách nói của Marcel Proust, văn hào Pháp, “một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”. Đôi mắt của cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn ra cái thế chiến lược của việc mở nước về phương Nam, hướng ra biển từ dải Hoành Sơn, tạo ra một thế phát triển mới. “Với Nguyễn Hoàng, một nửa Việt Nam là mới tinh khôi và luôn luôn mới.
Địa lý mới, dân cư mới, khí hậu mới, sông núi biển đều mới, phong hóa mới, văn hóa mới, ai dám nghĩ rằng đầu óc vẽ ra một cuộc trường chinh như thế không phải là mới? “Vạn đại dung thân” là gì, nếu không phải là thấy chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng, mà cho ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư trứng nằm dưới đá?”**.
Quả là tầm nhìn chiến lược, xuyên lịch sử, xuyên không gian và thời gian từ đôi mắt của bậc danh sĩ thế kỷ XVI, cùng với bản lĩnh và sự nghiệp của người anh hùng đi mở cõi, trong vòng 150 năm kể từ Chúa Tiên, hình thành nên diện mạo của hình thể đất nước như ngày nay, hiên ngang đứng trước biển, chống trả mọi thách thức. Thách thức từ trời và thách thức từ người.
Ấy vậy mà đã ngót một thế kỷ, sự nghiệp lẫy lừng ấy bị mờ đi bởi cái nhìn thiển cận bị che phủ bởi những định kiến một thời. Nhưng, quả đúng như lời thơ bình dị chân thành song khá thâm thúy của Nguyễn Duy “người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”, cái gì của lịch sử, phải trả về cho lịch sử, tính công minh và trung thực của lịch sử rồi cũng đã dần dà được phục hồi. Hội thảo khoa học về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn vừa rồi tại Thanh Hóa đã bước đầu khởi động cho tiến trình ấy mặc dầu còn có nhiều cản ngại không nhỏ. Thế mà:
...Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang...
Câu thơ Huỳnh Văn Nghệ năm 1946 giờ đây mới có điều kiện ngân vang về “bi kịch của người đi mở cõi”! Thời gian chính là tờ giấy quỳ làm lộ rõ bản chất của sự vật.
Với lịch sử, thời gian vừa phủ bụi lên các sự kiện, nhưng cũng lại là biến số làm nổi bật chân lý lịch sử. Và rồi “nam tiến ngày hôm nay, đứng về mặt địa chính trị, chính là Nam tiến trong cái đầu. Phải có một dãy Hoành Sơn trong cái đầu để luôn luôn nhắc nhủ rằng hãy bắt chước cách Nguyễn Hoàng lưu luyến Nhà Lê để lưu luyến thành khẩn như vậy với “vùng ảnh hưởng” đã cắt đứt trong đầu”**. Cái thế đứng trước biển, hướng ra biển đòi hỏi bản lĩnh “có cứng mới đứng được đầu gió” mà ông cha ta đã từng đúc kết.
Thế rồi, hôm nay bỗng vỡ ra một điều: thì ra, từ trong truyền thuyết thời mở nước, năm mươi người con theo cha lên rừng, khai hoang vỡ đất, xẻ núi khơi sông, mở lối đắp đường, tạo dựng nên một vùng đất căn cứ địa vững chắc không chỉ với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà còn cho thế đứng an toàn của Tổ quốc trước hiểm họa của mực nước biển dâng cao do sự biến đổi khí hậu toàn cầu mà Liên Hiệp Quốc vừa cảnh báo. Sự nghiệp của họ gắn liền máu thịt với công cuộc của năm mươi người anh em “Mẹ Âu Cơ” đưa xuống biển đắp đê, mở rạch, thau chua rửa mặn tạo nên những vùng châu thổ phì nhiêu, đang sinh cơ lập nghiệp từ Trà Cổ Móng Cái cho đến Đất Mũi Cà Mau nơi “ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm”, nơi đất bồi ra phía tây mỗi năm khoảng 60 - 80m. Biển bồi đắp, biển vỗ về “Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa. Bao năm chờ đợi sóng gần ta”***.
Nhưng biển cũng lại thường xuyên gầm thét, giận dữ trút tai họa lên con người. Chẳng những thế, trong hệ lụy của biến đổi khí hậu toàn cầu, hiểm họa nước biển dâng là nguy cơ nhỡn tiền mà một dân tộc đứng trước biển cần phải chủ động đối phó. “Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã dưới chân người”***. Cho dù có thế, thì biển vẫn là hướng đi tới của đất nước trên con đường phát triển và hội nhập, hội nhập để phát triển.
Mà là hội nhập và phát triển trong một thế giới đã xuất hiện những dữ kiện mới, như “hiện tượng Obama” báo hiệu một khát vọng thay đổi, thay đổi một thực trạng có quá nhiều nghịch lý, nhiều sự thật phũ phàng và bất công, những mâu thuẫn chồng chất trong lòng nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Khát vọng ấy mạnh đến nỗi người ta có thể vượt qua bức tường khủng khiếp của định kiến phân biệt chủng tộc, của thành kiến tổ tông để chỉ còn giữ lại một tiêu chuẩn tài năng khi chọn vị tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ! Hơn nữa, cần nối kết hiện tượng Obama với những dữ kiện của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu báo hiệu một vấn đề lớn hơn, vượt khỏi lĩnh vực kinh tế, đó là cuộc khủng hoảng của chế độ tư bản mà người ta đang phải tập trung tìm đường tháo gỡ. Hiện tượng Obama phải chăng cũng là một trong những tìm tòi tháo gỡ đó? Đương nhiên, không thể có “chiếc đũa thần” từ vị Tổng thống da màu của nước Mỹ.
Chỉ có một điều cần khẳng định, những dữ kiện có ý nghĩa lớn lao dồn dập ập đến đang thôi thúc những cái đầu biết tư duy phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại để nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm để tự bổ sung cho mình những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống. Trong đó có cách nghĩ của người Việt Nam chúng ta về hướng đi tới của đất nước trong thế và lực mới giữa những tương tác mới với những đường đi nước bước của các quốc gia trong bối cảnh quốc tế mới.
“Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi. Con sông là thuyền. Mây xa là buồm. Không hẹn mà đến. Không chờ mà đi”***. Trong cái thế đứng trước biển thì vươn mạnh ra biển phải là con đường của phát triển. Đó là cái thế chiến lược của cả dân tộc trong thời đại của thế kỷ XXI. Thế chiến lược của cả nước, và trong cái thế đó, Đà Nẵng vẫn giữ vị trí đặc biệt, vị trí tiền tiêu. Nhưng muốn vậy thì phải có bản lĩnh “sóng cả không ngả tay chèo”!
TƯƠNG LAI
* Lê Bá Thảo. “Thiên nhiên Việt Nam”. NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội 1990, tr.8.
** Cao Huy Thuần. “Thế giới quanh ta”. NXB Đà Nẵng. 2006, tr.356-357.
*** Trịnh Công Sơn. “Sóng về đâu”, “Bốn mùa thay lá”.