.

Mở tầm vóc đô thị về phương Nam

.

Như chàng Alibaba đi mở kho báu “Vừng ơi, mở cửa ra!”, dải đất phía đông nam thành phố đang bước ra từ cổ tích bằng ý chí quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận từ lòng dân. “Chúng ta phải nhanh chóng đưa vùng đất nghèo khó Hòa Quý thành một đô thị mới, nhưng điều đầu tiên là phải làm cho người dân nơi đây thực sự đổi đời và an cư lạc nghiệp”, lời chúc Tết đầu năm Mậu Tý trên công trường khu tái định cư Bá Tùng của Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đang thành hiện thực. Đô thị mới phía đông nam thành phố đã ra vóc dáng và trên hết là đã thu hút hàng loạt các dự án đầu tư, làm nên một thỏi nam châm gắn kết Đà Nẵng và Quảng Nam trong liên kết phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội…

Đô thị tri thức

Ngay từ lúc sơ khai, trên bản vẽ quy hoạch tổng thể đô thị, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cao về khả năng đầu tư xây dựng chung một khu đô thị tri thức. Ý tưởng Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã ra đời có tổng diện tích 300ha (trong đó 190ha thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và 110ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được phê duyệt quy hoạch vào tháng 12-1997.
 
Sau một thời gian khó khăn về vốn đầu tư, Dự án Làng ĐHĐN đã được khởi động trở lại. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐHĐN cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ 1 triệu USD để ĐHĐN nghiên cứu đề án xây dựng trường đại học trên diện tích 50ha. Hiện đề án đang được khẩn trương tiến hành”. Đề án này mở đường phục vụ cho việc vận động đầu tư 120 triệu USD xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Cũng theo GS Bùi Văn Ga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ GD&ĐT, lãnh đạo TP. Đà Nẵng hết sức ủng hộ cho dự án này và xem đây là trường đại học của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tên gọi Đại học Quốc tế Đà Nẵng.

Trước đó, thông qua vốn viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc, dự án Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (CNTT) Việt - Hàn đã đi vào hoạt động từ ngày 28-12-2007. Năm học 2007 - 2008, Trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn đã tuyển 376 sinh viên, đào tạo 9 chuyên ngành. Năm học 2008 - 2009, trường mở thêm 2 chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực tin học ứng dụng và tuyển 850 sinh viên… Hiệu trưởng Phí Đức Hải cho biết, hiện trường đang xây dựng đề án nâng cấp quy mô trường lên bậc đại học.

Ở một hướng đầu tư khác, Tập đoàn FPT đã quyết định đầu tư dự án Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 181ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 952 triệu USD. Đặc biệt, dự án có khu Đại học FPT đẳng cấp quốc tế đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy cho khoảng 10.000 sinh viên và 1.500 cán bộ. Nơi đây được xây dựng theo mô hình trường đại học thế hệ mới, hiện đại, gắn đào tạo với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu nhân lực của đất nước. Bên cạnh đó, có trung tâm phát triển phần mềm là nơi làm việc của 3.000 kỹ sư lập trình, sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghệ thông tin chất lượng cao.

Đối với khu đô thị Phú Mỹ An, ông Đàm Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 579 cho hay, đơn vị cũng đang lập các thủ tục đầu tư xây dựng tại dự án một trường đại học chuyên ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng sẽ có một phương án khác là đi theo mô hình trường đào tạo bậc học phổ thông theo chuẩn quốc tế.

Dải đất đô thị phía đông nam thành phố hứa hẹn trở thành khu đại học và vùng đất học, nơi ươm mầm nguồn nhân lực cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung cũng như cho đất nước.

Kết nối đôi bờ sông Vĩnh Điện

Ông Huỳnh Đức Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn nói: Đất Ngũ Hành Sơn bây giờ là đất vàng, đất bạc. Những ngả đường quanh năm rộn ràng xe máy công trình. Chủ trương mở rộng đô thị “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông” đang đánh thức một vùng đất rộng lớn thuộc hai quận Ngũ Hành Sơn - Cẩm Lệ bước vào giai đoạn đô thị hóa. Từ một quận vùng ven, với đại đa số người dân làm nông nghiệp, quận Ngũ Hành Sơn đã được quy hoạch đầu tư xây dựng hàng loạt khu dân cư, khu đô thị lớn.

Trước đó, khu đô thị Hòa Hải rộng 5,1ha đã hoàn tất hạ tầng và khu phố chợ Hòa Hải mở rộng 12ha sẽ tiếp nối thi công. Kế đó một khu đất 34ha dành để bố trí cho các hộ dân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Bên cạnh là khu tái định cư phía tây làng đá mỹ nghệ Non Nước 76,1ha. Hiện trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 132 dự án đang triển khai. Đáng chú ý là một số dự án có quy mô lớn như Khu đô thị Phú Mỹ An, Sân gôn Hòa Hải, Khu đô thị Công nghệ FPT, Đại học Quốc tế Đà Nẵng, khu đô thị sinh thái Đồng Nò - Hòa Xuân. Việc thu hút đầu tư đã khơi thông khi riêng quận Ngũ Hành Sơn đã có 23 dự án du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đã có một sự kết nối đông tây dòng sông Vĩnh Điện. Theo kế hoạch, đường Mai Đăng Chơn sẽ được mở rộng làm trục giao thông liên kết với đường và cầu Nguyễn Hữu Thọ bằng những cây cầu lớn nối hai bờ đông - tây sông Vĩnh Điện từ phường Hòa Quý lên phường Hòa Xuân. Từ đó, liên kết với các khu đô thị ở phía tây sông Vĩnh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) lên quốc lộ 1A. Phía bến đò Đò Xu, cây cầu mới cũng được bắc qua trong thời gian đến.

Theo ông Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng Sở Xây dựng, các khu dân cư phía nam cầu Cẩm Lệ cũng đã được điều chỉnh, phê duyệt, như khu A rộng 23,3ha; khu B rộng 89,7ha; khu C 33,1ha; hai khu D và E chiếm tới 105,4ha. Những khu dân cư này cùng với khu du lịch sinh thái Hòa Xuân hứa hẹn tạo nên bộ mặt mới ở phường Hòa Xuân, biến khu vực nông thôn hiện nay thành những khu đô thị mới sầm uất.

 

“Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là gạch nối giữa các quận - huyện như Ngũ Hành Sơn - Hòa Vang - Cẩm Lệ và xa hơn nữa là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với khu vực nội thành Đà Nẵng. Người dân của các địa phương đều có hưởng lợi, cái rốn lũ Hòa Xuân không còn là ám ảnh khi mỗi mùa mưa về. Cẩm Lệ nhìn về tương lai đầy hoài bão mới, hòa nhập với bước phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại”.
 
(Ông Võ Văn Thương, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ)

 

TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.