Chuyện xưa xứ Quảng
"Ông tổ" của "cãi" Quảng Nam
Mỗi khi nói về cá tính của người Quảng không bao giờ người ta quên nhắc đến chuyện “cãi”, “Quảng Nam hay cãi”. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân còn đi xa hơn khi gán cho Nguyễn Văn Lang là một trong những ông tổ của “cãi” Quảng Nam.
“Ông tổ cãi Quảng Nam” Nguyễn Văn Lang đã được học giả Nguyễn Văn Xuân nhắc đến trong cuốn “Phong trào Duy tân” và " Việt sử xứ Đàng Trong". (Ảnh sưu tầm: V.P.Q) |
Theo gia phả tộc Nguyễn ở làng Hương Quế (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Văn Lang (1435-1513) chính là thủy tổ khai cơ của tộc Nguyễn tại vùng đất Hương Quế.
Trước đó ông vốn có tên là Nguyễn Đại Lang, tự là Văn Giàu (sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng viết là Nguyễn Văn Lang, nhưng Phan Khoang trong Lịch sử Xứ Đàng Trong lại viết là Nguyễn Văn Lãng), sinh năm 1435, có quê gốc ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, thừa tuyên Thanh Hóa, di cư vào sống ở xã Tiên Bào, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, Thừa tuyên Nghệ An (nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyễn Văn Lang là cháu nội của Thái bảo Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẫn (người theo Lê Lợi chống quân Minh, lập nhiều công, làm quan đến chức Bổng thần vệ Tướng quân), con trai của Thái úy Trình quốc công Nguyễn Đức Trung (người giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ dưới thời vua Lê Nhân Tông, đã có công cùng Nguyễn Xí giết nghịch đảng Nghi Dân đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, và sau cuộc Nam chinh 1471 được cử làm Đô ty Thừa tuyên Quảng Nam).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Nguyễn Văn Lang là người thông thao lược, giỏi thiên văn, có sức mạnh bắt được hổ” nên được cử làm Thủy quân vệ Chỉ huy sứ đóng giữ thành Tây Đô. Ông là người có công lớn trong việc giết Lê Uy Mục để đưa Lê Oanh lên làm vua lấy tên là Tương Dực. Khi tên hoạn quan Nguyễn Khắc Hải mưu cùng giặc ngoại xâm gây hấn Đông Đô, ông cùng Lương Đắc Bằng đem quân dẹp nhóm phản nghịch. Sau sáu tháng thì giặc bị tiêu diệt. Với công trạng lẫy lừng đó, lại có người chị được tuyển làm cung phi nên ông được phong làm Thừa tướng Thượng tể.
Lúc bấy giờ vua Tương Dực hoang dâm tửu sắc, nhân dân ta thán. Mạc Đăng Dung lại âm mưu cướp ngôi nên ra tay sát hại công thần. Nhận thấy không thể can gián nhà vua, ngăn việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung nên nhân nhà có tang ông xin nhà vua cho mình được về nghỉ hưu. Sau một thời gian, nhà vua có chiếu chỉ triệu ông vào triều bái yết. Ông không đi, chỉ dâng điều trần “bình trị” gồm 14 điều khuyên nhà vua. Nhà vua nghe theo lời ông, buộc triều thần đem 14 điều này ra nghị luận. Đám nịnh thần sợ ông nên gièm pha cho là ông ỷ thế, dám lên mặt dạy vua.
Trước âm mưu tiếm ngôi của họ Mạc, nhà vua thì hèn yếu, bất lực, đám nịnh thần lộng hành, Nguyễn Văn Lang từ quan và xin nhà vua cho vào Nam để khai thác biên thùy nhưng mục đích chính là xa lánh kinh đô để khỏi mang hậu hoạ. Ông vào Nam khai thác đất đai thành lập xã Hương Lư, thuộc Thừa tuyên Quảng Nam (nay là xã Quế Phú, Hương An, huyện Quế Sơn). Ông mất năm 78 tuổi, mộ hiện còn tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Theo gia phả của tộc Nguyễn, Nguyễn Văn Lang chính là con rể út của Phạm Nhữ Tăng. Con thứ hai của Nguyễn Văn Lang là Nguyễn Ngọc Thanh sau này đã theo phò Nguyễn Kim được phong làm Chánh Đô đốc và là một trong tam vị tiền hiền của làng Hương Quế (gồm Phạm Nhữ Tăng, Nguyễn Ngọc Thanh và Trần Văn Chơn).
Theo Phan Khoang trong “Việt sử xứ Đàng Trong”, khi ông chết được triều đình phong tước Nghĩa Huân vương, tế và táng được dùng nghi lễ theo tước vương và được tạc tượng bằng vàng để thờ.
Trong sớ điều trần “bình trị” dâng lên nhà vua, Nguyễn Văn Lang có viết: “Hạ thần từng nghe các bậc thánh quân thời trước, mặc dầu nước trị dân an nhưng không khi nào quên việc tỉnh giới; các bậc trung thần tuy gặp nhà vua sáng suốt tài đức nhưng vẫn lưu ý tìm dịp khuyên can để nhà vua tránh điều lầm lỗi.
Đời Nghiêu, Thuấn, vua rất thánh minh, nước nhà thạnh trị mà bầy tôi là ông Bá Ích còn khuyên rằng: Đừng vui quá độ, đừng chơi quá mức, đừng xao lãng việc nước, phải phòng ngừa sự suy vong xảy đến. Vua nghe theo lời mà phòng bị, và trở nên bậc đại thánh.
Đời vua Hán Văn đế, nước giàu dân đông, mà ông Giả Nghị còn dâng sớ tâu rằng: Thời thế hiện nay không khác gì để lửa dưới đống củi rất dễ sợ, hoạn nạn hình như sắp xảy ra. Vua Văn Đế nghe ông mà lo việc trị nước và trở nên bậc hiền quân.
Kính tâu bệ hạ,
Làm tôi có tâu với vua điều gì mà không thành thật, không khích động thì không giúp ích gì cho vua. Còn nhà vua tiếp lời bầy tôi trần cáo mà không lưu ý thì chẳng khác gì chận ngặt con đường trần gián của bầy tôi...”.
Đọc lại sớ điều trần “Bình trị” của Nguyễn Văn Lang ngày ấy, nhiều người vẫn thấy phảng phất phong cách Quảng Nam chẳng khác gì khẩu khí Phan Châu Trinh, Phạm Phú Thứ... sau này. Có lẽ vì thế mà trong tác phẩm kinh điển viết về Quảng Nam “Phong trào Duy Tân”, Nguyễn Văn Xuân đã hạ bút “Với những vị thủy tổ có thành tích cãi vua kiểu đó thì có lẽ trong bản chất của người Quảng đã có máu cãi”.
Ghi chép LÊ THÍ