Chuyện xưa xứ Quảng
Phường Rạnh hay chuyện trung thì được an
Trung An hay Phường Rạnh là hai tên gọi cho một vùng đất. Trung An là tên chính thức. Còn Phường Rạnh là tên dân dã…
Một di tích xưa ở Phường Rạnh. Ảnh: P.H.Đ.Đ |
Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, nay là thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bấy giờ, Phường Rạnh hãy còn là vùng đất hoang vu, được mệnh danh là nơi rừng thiêng nước độc. Đặc biệt, xung quanh danh xưng Trung An - Phường Rạnh còn lưu truyền một số câu chuyện khá lý thú và hấp dẫn.
Danh xưng Trung An bắt nguồn từ chuyện kể rằng, thời trước, khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, có một số cư dân các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh lánh vào đây lập nghiệp, khai phá đất đai, lập làng lập xóm. Buổi ban đầu, giống như nhiều địa phương khác, làng vẫn chưa có “tên tuổi”. Cũng lúc bấy giờ, bên bờ sông Thu Bồn có một cái dinh, tục gọi Dinh Bà, thờ Bà Thu Bồn, nổi tiếng linh thiêng. Dinh xây từ thời nào, không ai rõ. Chỉ biết, khi đến đây, họ đã thấy.
Rồi, một ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không tồn tại”.
Ông Trùm Tuất hoảng sợ, bỏ ý định tìm mấy con trâu bị trộm dắt đi. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người “trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.
Cũng ở vùng đất Trung An, hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sống dưới nước, trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc chệch Phường Trạnh thành Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng Rạnh, là do trạnh đọc chệch mà ra.
Cũng theo bà con, hiện nay, con trạnh tuy không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng dân làng có người cũng phát hiện chúng trồi lên, lặn xuống. Lại có người cho rằng, lúc trời đang nắng gắt nhưng mỗi lần con trạnh tự dưng từ dưới nước sâu trồi lên thì thế nào trời cũng chuyển mưa. Ngược lại, trời đang mưa tầm tã, dầm dề nhưng đột nhiên nó trồi lên, nhất định trời sẽ hết mưa (!?).
Chuyện thực hư thế nào cũng khó xác định. Thế nhưng, danh xưng Phường Rạnh đã mấy trăm năm nay đã trở thành tên gọi bình dân, quen thuộc của người xứ Quảng khi đi qua một trong những vùng đất “ác địa” hồi mấy chục năm trở về trước(*).
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
(*) Bài viết dựa theo lời kể của vị cao niên Trịnh Thanh Long, Trịnh Trấn, Trần Văn Hai cùng trú thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.