Chuyện xưa xứ Quảng
Chuyện làng Hà Quảng
Làng Hà Quảng (nay là thôn Quảng Gia, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã đi vào trong câu ca xưa “Nhất trống Hà Gia, nhì thanh la Hà Quảng”, lưu lại nét đẹp văn hóa truyền thống một vùng đất.
Hình ảnh mô phỏng hoạt động của Đô đốc Đinh Văn Bá trên miếu thờ ông vừa được xây vào cuối năm 2013. Ảnh: V.P.Q |
Hà Gia, về sau tách thành hai làng Hà Lộc và Gia Lộc, nổi tiếng trong vùng với chiếc trống to cho âm thanh vang vọng khắp đất trời. Làng Hà Quảng bên cạnh thì nổi tiếng với chiếc thanh la quanh vùng không đâu có được. Vào những ngày hội đình, các lễ cúng tế xuân thu nhị kỳ, nhất là vào những phút giao thừa đón năm mới, nghe tiếng trống, tiếng thanh la các làng hòa nhịp là có thể nhận ra đâu là tiếng trống Hà Gia và đâu là thanh la Hà Quảng!
Biểu tượng văn hóa làng
Khác với lệ thường, quê hương trong tâm thức người dân làng Hà Quảng không đơn thuần chỉ là “cây đa, bến nước, sân đình” mà còn mang một bản sắc rất riêng với “đĩa nghiên, tháp bút, giếng đình”. Đình Hà Quảng xưa tựa lưng vào một đồi cát có tên là Cồn Đình, nhìn xuống ao Kinh (kênh) bốn mùa sen nở.
Các bậc trưởng thượng kể rằng, ngày trước, tàu lớn từ Cửa Hàn vô hay từ Cửa Đại ra còn thong thả neo đậu trong kinh để chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi này trước khi dong thuyền xuôi ngược trên sông Cổ Cò. Giữa ao Kinh, nổi lên một cù lao nhỏ rộng gần một mẫu đất, xanh bóng các loài cây cổ thụ như mít nài, trâm, chỏi... Từ xa, cù lao trông như một đĩa nghiên dành cho một nhà thư pháp khổng lồ nào đó chấm phá những nét bút tài hoa lên khoảng trời xanh khoáng đạt. Xuất phát từ quan niệm về thuật phong thủy, người xưa đã chọn vùng đất này làm nơi thờ tự thiêng liêng, sùng kính công đức khai sơn phá thạch của tiền nhân.
Khi làm đình, dân làng ra tận Cù lao Chàm lấy san hô về làm tường. Các cụ cho đắp hai ngọn bút khổng lồ trên hai trụ biểu ngoài tam quan, gọi là hai tháp bút, với nguyện ước con cháu trong làng sẽ được hanh thông về đường học vấn. Bên phải sân đình, một giếng nước vuông bằng sa thạch lưu dấu tích một thời văn hóa Chăm-pa, gọi là giếng Đình, bốn mùa cho nước trong mát dưới bóng đa cổ thụ. Ghi chép trên các phiến đá gắn bên thành giếng cho thấy giếng đã được trùng tu vào những năm 1943, 1957.
Ngày khánh thành đình, làng mở hội lớn, tổ chức hát bội mấy đêm liền, một gánh do làng tự lập, một gánh rước từ Hội An lên. Bà Phùng Thị Giá, tuổi ngoài 70, còn thuộc vanh vách bài vè nói về hội làng ngày ấy, trong đó có câu: Làng mình có bốn ao Kinh/ Hát thời hai rạp hiển vinh biết chừng nào.
Trong một thời gian dài, “đĩa nghiên, tháp bút, giếng đình” được xem là biểu tượng văn hóa của làng Hà Quảng. Từ phía đối diện đình, bên kia ao Kinh, nhà thờ tộc Nguyễn tiền hiền làng cũng quay mặt nhìn xuống đĩa nghiên và tháp bút với một ước vọng kính ngưỡng tâm linh.
Chiến tranh đi qua, đình Hà Quảng giờ chỉ còn những tảng san hô trên nền cũ, phía trước dân làng dựng một bức bình phong ghi mấy chữ “Đình làng Hà Quảng” để con cháu ghi nhớ dấu tích xưa. Mãi đến năm 2001, các họ tộc trong làng góp công của xây ngôi đình mới có tên là Hà Quảng tiên tự, tọa lạc ở xóm Bắc Hải, nằm bên đường Sơn Trà - Điện Ngọc - Cửa Đại.
Giữa hư và thực
Ông Đinh Văn Bá làm quan cho triều đình Huế đến chức Đô đốc. Các cụ kể rằng, một lần dong thuyền từ Đà Nẵng theo sông Cổ Cò về thăm quê, ông cảm khái trước cảnh đình làng Hà Quảng uy nghi, đường bệ soi bóng bên hồ sen hồng, bèn tuốt kiếm ra múa trước mũi thuyền. Chừng như quá phấn khích trước cảnh cũ người xưa, con người ngang dọc một thời chọc trời khuấy nước ấy hét lên một tiếng vang động khắp sông nước rồi ngã lăn ra chết.
Cũng có người kể rằng, ông bị thương trong một trận hải chiến, biết mình không còn sức để chỉ huy quân binh chống giặc, bèn ra lệnh lui binh để bảo tồn lực lượng. Bất lực trước tổn thất của quân ta, ông phẫn uất vung gươm chém một nhát vào thinh không rồi gieo mình xuống sông Cổ Cò tuẫn tiết.
Dân làng ngưỡng mộ ông, ngoài việc lo chôn cất tử tế, còn lập một miếu thờ ông ở phía Nam đình làng, gọi là miếu Ông Hùm, bốn mùa hương khói. Ông nổi tiếng linh hiển một thời, bất cứ ai đi qua miếu cũng đều bị ông bắt bò quanh, mãi đến khi làng xin vua ban sắc phong thần cho ông, ông mới hết bắt tội. Miếu này đã đổ nát, cuối năm 2013, một hậu duệ của ông đã vận động bà con trong họ tộc xây mới một miếu nhỏ thờ ông trong khuôn viên đình Hà Quảng xưa.
Thời chống Pháp, có ông Đàm Văn Thân giỏi nho học, làm chức xã phó nên người trong làng thường gọi là Xã Thân. Hưởng ứng hịch Cần vương, ông tuyên truyền, vận động người trong làng đứng lên chống quân xâm lược, bị Nam triều mượn tay giặc Pháp bắt đem xử bắn. Làng lập lăng thờ ông ở xóm Nhất Đông, gọi là lăng Ông Lớn, hằng năm đến lễ Xuống nghề (bắt đầu đi biển) hoặc mở hội đua thuyền đều đến lăng cúng tế. Từ đó, những người họ Đàm trong làng buộc lòng phải đổi sang họ Trần để tránh liên lụy.
Sau ông Thân còn có nhiều người không cam chịu sống đời nô lệ, như Đội Hinh, tức Nguyễn Văn Hinh, làm cai đội cho Pháp nhưng ngấm ngầm hoạt động chống Pháp, về sau làm cán bộ Ủy ban kháng chiến xã Hà Quảng.
Những câu chuyện đan xen giữa hư và thực đã làm giàu kho tàng văn nghệ dân gian làng Hà Quảng, được truyền tụng trong dân gian.
VIÊN PHÚC QUÂN