Chuyện xưa xứ Quảng

Cụ Huỳnh đi... nghe ca Huế

07:47, 23/11/2014 (GMT+7)

Huỳnh Thúc Kháng là một người hết sức nghiêm túc, nghiêm túc đến độ khô khan. Vì thế, nói chuyện cụ đi nghe ca Huế trên đò sông Hương thì ai cũng ngạc nhiên, mặc dù ngày trước đó chỉ là một thú vui tao nhã. Nhưng người ta  kể, ít nhất có hai lần cụ đã từng tham gia thú vui này trong thế “chẳng đặng đừng”.

Bến thuyền du lịch biểu diễn ca Huế tại Đập Đá, thành phố Huế. Ảnh: V.T.L
Bến thuyền du lịch biểu diễn ca Huế tại Đập Đá, thành phố Huế. Ảnh: V.T.L

Là hai người bạn thân thiết nhưng về tính cách, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là hai người hoàn toàn khác biệt nhau. Cụ Phan là con người “ngang tàng”, “Luôn đạp phá khuôn khổ”...  “Bình sinh trong quan trường, cõi sắc, đám bạc, cuộc say, chỗ nào cũng chui  mình vào, không thèm trớ tránh chi cả, song đã biết là lụy thì tức thì gò ngựa, không bước vào nữa... không có chút gì là quyến luyến”(1). Còn cụ Huỳnh thì ngược lại, “Không biết uống rượu, chơi hoa, ngắm sắc, thưởng sơn thủy” (2)
ông tránh xa mọi thứ hệ lụy.

Cụ Phan bảo “Cảnh tình dục ham muốn, vào trong ấy mà ra được, mới là hào kiệt, là không nịch (chìm đắm)... đứng ngoài xa trông vào mà đã sinh lòng sợ không dám lại gần đó mà thôi, nhất đán vào trong, biết đâu không bị nó làm lụy mà ra không được”(3). Cụ Huỳnh lại chủ trương “Để cho đến vào trong mà không ra được thà không vào còn hơn”(4). Vì vậy đối với cụ Huỳnh, đi nghe ca Huế trên đò sông Hương là loại thú vui cần phải “kính nhi viễn chi”. Nhưng đã có hai lần cụ phải đi.

Lần thứ nhất do cụ Phan rủ. Chuyện kể, khoảng năm 1903-1904, các nhà nho Duy tân Quảng Nam thường rủ nhau ra Huế để tìm đọc Tân thư, nhằm đi tìm phương cách mới để cứu nước, đưa đất nước khỏi chìm đắm trong ngu dốt và lệ thuộc. Để tránh con mắt dòm ngó của thực dân Pháp và quan lại Nam triều, các cụ rủ nhau xuống đò lấy cớ là đi nghe ca Huế, nhưng thực chất là để bàn luận về những tư tưởng mới của Tân thư mà các cụ vừa đọc. Cụ Huỳnh không biết được ý đồ của cụ Phan nên cương quyết từ chối. Mãi cho đến khi nghe cụ Phan rỉ tai “Đò “chay” chứ không phải đò "mặn” và để bàn chuyện quốc sự chứ không phải để nghe ca hát vớ vẫn”, lúc đó cụ mới chịu để cụ Phan nắm tay dắt xuống đò.  

Lần thứ hai vào khoảng giữa thập niên 30, khi cụ Huỳnh đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân.  Một hôm ông Trần Đình Diệm từ Nghệ An vào Huế chơi, có nhã ý muốn mời cụ đi uống rượu và nghe ca Huế trên đò sông Hương. Cụ lấy làm khó xử vì cụ rất ít tham gia những cuộc vui chơi nhất là đi nghe ca hát trên đò. Nhưng ngặt một nỗi, Trần Đình Diệm là một người đặc biệt, là con trưởng của cụ Mã Sơn Trần Đình Phong, mà đối với Huỳnh Thúc Kháng, cụ Mã Sơn là ân sư của mình.

Truyện kể khi học ở trường tỉnh tại Thanh Chiêm, Điện Bàn, do Tiến sĩ Trần Đình Phong vừa làm Đốc giáo (Hiệu trưởng) vừa trực tiếp giảng dạy. Cụ Đốc giáo đã dành nhiều ưu ái cho Huỳnh Thúc Kháng. Tháng nào đến kỳ khảo hạch bài của Huỳnh Thúc Kháng cũng được xếp loại ưu dù bản thân ông không thấy bài của mình nổi trội hơn các bạn đồng môn. Một lần Huỳnh Thúc Kháng nghe cụ Mã Sơn bảo: “Anh nhà nghèo lại ở xa, bổng lại ít vì là học sinh, không nhiều như các ấm sinh và cử nhân nên chấm cho cao một tí để có thêm tiền ăn học”.(5)

Huỳnh Thúc Kháng luôn nhớ tấm lòng ưu ái của thầy dành cho mình. Mặt khác, ngày xưa học trò lại luôn coi con thầy là anh. Trần Đình Diệm còn là anh ruột của Trần Đình Phiên là cộng sự thân tín của Huỳnh Thúc Kháng tại báo Tiếng Dân, làm Quản lý báo từ ngày đầu cho đến ngày cuối. Hơn nữa, Trần Đình Diệm cũng lại là cộng tác viên của báo Tiếng Dân, đã viết nhiều bài giá trị cho tờ báo. Đối với cụ Huỳnh, Trần Đình Diệm còn là người đồng chí của mình. Khi Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng từ chức (sau khi có bài diễn văn nẩy lửa lên án thực dân Pháp và tên Khâm sứ Trung Kỳ) trong vụ Huỳnh Thúc Kháng - Jaboulle, Trần Đình Diệm là người đầu tiên làm đơn từ chức nghị viên để ủng hộ lập trường của Viện trưởng họ Huỳnh.

Tuy rất nể tình người anh (con trưởng của thầy), người cộng tác viên, người nhà (anh ruột của thành viên sáng lập tờ báo), người khách, người đồng chí nhưng xuống đò trên sông Hương để nghe ca Huế đối với cụ Huỳnh là cả một cực hình. Sau nhiều lần từ chối không được cụ bất đắc dĩ phải đi. Nhưng đến nơi, sau khi uống một chung rượu, cụ đã để lại một bài thơ, rồi xin cáo từ ra về. Bài tứ tuyệt có tựa là “Tiễn bạn trên sông Hương” (6) được nhiều người ở Huế nhớ và đọc lại như sau:

Đối tửu đương ca khí dị đồi,/ Bằng trù hà sự cố tương thôi./ Hương Giang tất cảnh mê nhân động,/ Đa thiểu thanh niên khí vị hồi.

Dịch thơ: Uống rượu nghe ca khí dễ lùi,/ Cớ sao các bạn cứ nài tôi./ Hương Giang là động mê người đó,/ Bao kẻ thanh niên khí chửa hồi.

Bản dịch khác: Nhọc lòng chén rượu câu ca,/ Cớ sao các bạn cùng ta cứ nài./ Hương Giang là động mê người,/ Thanh niên bao kẻ chưa rời cuộc say.

Đúng là phong cách Huỳnh Thúc Kháng, một “lão phát” đại khoa tiến sĩ đáng kính!

LÊ THÍ


(1), (2), (3), (4): Theo Huỳnh Thúc Kháng trong Giai nhân kỳ ngộ; dẫn lại theo Nguyễn Văn Xuân trong Phong trào Duy tân, NXB Đà Nẵng.

(5), (6): Nguyễn Q. Thắng, Huỳnh Thúc Kháng-Con người và thơ văn , NXB Đà Nẵng.

.