Chuyện xưa xứ Quảng
Dấu vết chiến tranh trong văn bia đất Quảng
Chiến tranh là hiện thực của lịch sử loài người. Chiến tranh đi qua, bên thắng hay bên bại đều luôn chịu sự tổn hại vô cùng. Hậu quả của chiến tranh gây nên nỗi đau không chỉ của một đời người tham chiến dù là tiền tuyến hay hậu phương, cũng như những người chứng kiến mà còn di lưu cho những thế hệ sau. Dấu vết, tàn tích của chiến tranh hiện diện nhiều nơi trên mảnh đất, ở hồn người của dân tộc. Và trong số đó, văn bia cũng không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của chiến tranh. Nó vừa là vật tham chiến, vừa là vật chứng kiến, và cũng là vật hứng chịu thương tích trên mình.
Dấu vết chữ quốc ngữ “Kiên trinh” trên văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc toàn chữ Hán ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Văn bia đất Quảng phản ánh về những cuộc chiến tranh qua hai phương diện. Thứ nhất là nội dung trong văn bia có đề cập các cuộc nội chiến (giữa các tập đoàn phong kiến) và ngoại chiến (giữa Việt Nam với đội quân Pháp, Tây Ban Nha). Thứ hai là văn bia đất Quảng trên thực địa chính là chứng tích trực tiếp của các cuộc chiến.
Văn bia đất Quảng đã phản ánh về các cuộc chiến tranh giữa quân Trịnh với quân Tây Sơn hoặc giữa nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn. Điều này được ghi lại trong nhiều văn bia.
Một số bia ở thành phố Hội An nói về tác động của nạn binh đao đối với các địa điểm thờ tự. Bia trùng tu chùa Phước Lâm - Kỷ Dậu niên ở chùa Phước Lâm: “Trải nhiều kiếp vận mà binh lửa không thiêu tàn được”. Quan Thánh đế miếu bi (ký hiệu N0 19318) ở miếu Quan Thánh: “Trải qua binh lửa các miếu khác đều tan tành”. Trùng hưng Viên Giác tự bi (N0 19335-36) ở chùa Viên Giác: “Sau cơn binh qua thiêu đốt, chùa thành hoang rậm”.
Một số bia kể về lai lịch các nhân vật. Minh Giác hòa thượng bi (N0 19329) ở chùa Phước Lâm, Hội An, nhắc về một quãng đời làm lính của Thiền sư Minh Giác: “Năm 22 tuổi, ngài bãi tăng về làng quê làm lính”. Văn thánh từ (N0 19321) ở miếu Văn thánh, Hội An, kể chuyện Đặng Huy Trứ, một vị quan triều Tự Đức: “Hè năm nay (tức năm Tự Đức thứ hai mươi bốn, 1871 - NV) tôi đương ở trong đoàn quân phương Bắc (…) nằm gối đầu vào giáo”.
Đặc biệt, cuộc chiến của quân dân Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858 được ghi lại đậm nét trên các văn bia. Văn bia Nghĩa trủng Phước Ninh, thành phố Đà Nẵng: “Nơi này trước đây là sa trường chiến địa”. Tập thiện hội bi (N0 19258-59) ở đình Hải Châu, Đà Nẵng: “Năm Mậu Ngọ thời Tự Đức (1858), giặc Pháp tràn vào Đà Nẵng, dân chúng kinh sợ tán loạn, nơi ấy bỗng thành bãi chiến trường”. Phạm Phú Thứ thần đạo bi (N0 20381) ở mộ Phạm Phú Thứ: “Quân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, ông (tức Phạm Phú Thứ - NV) dâng sớ xin cho các vị quan là người Quảng Nam làm quan tại Kinh đều trở về quê chiêu mộ binh sĩ chống giặc”…
Tựu trung, đây là những văn bia nói về mỗi chặng đường của chiến tranh từ việc sung quân, xây dựng lực lượng đến việc hành quân ngoài mặt trận và cuối cùng là kết quả điêu tàn của trận mạc.
Tinh thần đáng trân trọng nhất của con người xứ Quảng là có ý thức trách nhiệm cao cả đối với vận mệnh dân tộc, quốc gia lúc lâm nguy. Cho dù là bậc tăng sãi đã tu mình ở chốn thiền môn nhưng cũng tạm xa chày kình để quay về cầm giáo mác, rời tiếng kinh kệ để hô thét xung phong; hay là quan viên tham gia việc nước tại triều cũng từ bỏ văn thư, chính sự để xông pha trận mạc, chẳng nề hà quan văn hay quan võ. Chiến tranh làm cho dân chúng kinh sợ, tán loạn, một vùng quê vốn yên bình nơi cửa bể bỗng chốc đã biến thành sa trường. Chiến tranh làm cho muôn vật điêu linh, tất cả trở thành tro bụi, hoang tàn. Đặc biệt đau lòng là sự mất mát, tổn thất của đời người, kiếp người mà trong đó không ít sinh linh vô tội.
Văn bia đất Quảng còn là chứng tích cho những cuộc chiến tranh hay các quá trình giao chiến được lưu lại trên chính trán-tai-thân-chân của bia. Đó là những văn bia bị mũi tên hòn đạn, tên rơi đạn lạc trong giao chiến làm cho sứt mẻ, đục thủng; những văn bia mà có thời điểm các chiến sĩ lấy làm bia tập bắn, hay bí mật khắc lên đó những dòng chữ thể hiện ý chí chiến đấu như “Kiên trinh” bằng chữ Quốc ngữ đè lên chữ Hán-Nôm (Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc trên núi Non Nước).
Những văn bia bị đạn bắn làm thủng như bia mộ của người Nhật (Tani Yajirobei), bia mộ Nguyễn Điển (người Trà Quế, làng Thanh Hà xưa; làm quan trải qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, được truy phong chức Thượng thư Bộ Binh - ĐNCT), bia mộ thủy tổ tộc Trần ở Hội An, bia nghĩa trủng Phước Ninh ở Đà Nẵng… Qua khảo sát sơ bộ, phần lớn các văn bia bị tên đạn thường là những văn bia dựng ở ngoài đồng ruộng, nơi trống trải, nên văn bia trở thành vật che chắn trong chiến đấu.
Văn bia đất Quảng đã cho chúng ta những thông tin giá trị về dấu vết chiến tranh của một vùng đất, một quốc gia vốn phải chịu nhiều cuộc chiến đi qua trong lịch sử.
NGUYỄN DỊ CỔ