Chuyện xưa xứ Quảng

Tán tương Quân vụ Trần Văn Hoán

14:47, 01/07/2016 (GMT+7)

Trần Văn Hoán (nhân dân quen gọi là Trần Hoán) sinh vào năm Nhâm Dần (1842) tại làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho có gốc từ tỉnh Nam Định. Theo “Quốc triều hương lục” thì Trần Văn Hoán đỗ cử nhân khoa Tân Tỵ (1867) và được bổ làm Chủ sự Sơn phòng ở Quảng Nam từ năm 1868 đến năm 1884.

Ngôi mộ Trần Văn Hoán đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.
Ngôi mộ Trần Văn Hoán đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.

Năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi (hay còn gọi Hòa ước Harmand) gồm 27 điều khoản mà cơ bản là thừa nhận Pháp bảo hộ nước ta, mọi việc ngoại giao gồm cả quan hệ với nhà Thanh đều do Pháp chủ trì và làm trung gian. Pháp cam kết bảo vệ Nam triều chống ngoại xâm và giúp dẹp nội loạn, người Việt Nam bị coi như những dân bảo hộ chính thức của Pháp. Nhận thấy triều đình nhà Nguyễn ngày càng bộc lộ rõ bản chất nhu nhược trước thế lực của thực dân Pháp, Trần Văn Hoán đã xin từ quan về quê ẩn dật.

Năm 1885, khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam bùng phát mạnh mẽ dưới quyền chỉ huy của Tiến sĩ Trần Văn Dư, Trần Văn Hoán tham gia tích cực và được cử giữ chức Tán tương Quân vụ (dân làng Chiên Đàn ngày ấy thường gọi một cách trân trọng là ông Tán Trần). Trong vai trò của mình, Tán Trần đã có công lớn trong việc rèn đúc, mua sắm vũ khí, tích trữ lương thực, rèn luyện võ nghệ và chiến thuật chiến đấu cho nghĩa quân.

Những năm 1886-1887, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (người thay Tiến sĩ Trần Văn Dư chỉ huy Nghĩa hội) cử Tán Trần cùng với Tôn Tường đem binh vào Quảng Ngãi để phối hợp với nghĩa binh của Nguyễn Bá Loan tại đây chống lại tên tay sai đắc lực của giặc Pháp là Nguyễn Thân.

Tán Trần cùng Tôn Tường chuyển quân vào đóng ở Bình Sơn và dự tính sẽ đem quân đánh vào sào huyệt của Nguyễn Thân, nhưng sự việc chưa thực hiện được thì bị bại lộ, Nguyễn Thân đem quân tấn công trước. Vì tương quan lực lượng giữa nghĩa binh và quân của Nguyễn Thân quá chênh lệch, nên sau một thời gian chỉ huy nghĩa binh anh dũng chiến đấu chống trả, Trần Văn Hoán, Tôn Tường và Cử Duật (người chỉ huy đội quân tiếp tế cho nghĩa quân) đã tử trận, một số lớn nghĩa binh hy sinh trong trận này...

Sau khi Tán Trần mất, cảm kích về tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhân dân địa phương đã bí mật giúp đỡ gia đình ông đem thi hài của ông về quê an táng.

Ghi nhớ công ơn ông, trong những năm kháng chiến chống Pháp, chính quyền cách mạng xã Tam An quê hương ông có thành lập một đội thiếu niên kháng chiến lấy tên là “Đội thiếu niên Trần Hoán”. Năm 1967, những kỷ vật liên quan đến cuộc đời của Trần Văn Hoán như sắc phong, tượng đồng... được người cháu đích tôn của ông là ông Trần Kỷ lưu giữ tại xã Tam Dân không may bị bom Mỹ thiêu cháy rụi.

Năm 1996, cháu chắt của Trần Văn Hoán cải táng mộ ông về nghĩa địa Gò Dài ở thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh. Trong lúc cải táng đã may mắn tìm thấy một di vật quý giá của ông là thẻ bài Tam phẩm, đang được bảo quản tại nhà ông Trần Khê ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, ngôi mộ của cụ Trần Văn Hoán được xây dựng khiêm tốn như bao ngôi mộ khác, nhìn về hướng đông, có kích thước 3,62x1,6m. Tuy nhiên, nhân dân xã Tam Đàn nói riêng, nhân dân huyện Phú Ninh nói chung đều biết đó là nơi yên nghỉ của một chí sĩ yêu nước, một danh nhân đất Quảng mà tên tuổi của ông gắn liền với những trang sử bi hùng của phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam. Ngôi mộ Trần Văn Hoán đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.

AN TRƯỜNG

.