Chuyện xưa xứ Quảng
Ngôi miếu đầu đường Bạch Đằng
Đầu đường Bạch Đằng, nơi giáp với đường Như Nguyệt, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, có một ngôi miếu từ lâu có tiếng “linh thiêng”. Miếu có diện tích ước chừng 10m2, bên trong chia làm ba gian thờ, có 8 bát chân nhang.
Bàn thờ chính giữa có một tượng Phật Quan Âm nho nhỏ. Miếu không có tên, cũng không có cánh cửa nào, đêm ngày thông thốc gió, mặt hướng về phía đông. Phía trước có một khám thờ đứng trên bốn trụ trông giống nhà bia. Miếu được chạm trổ hoa văn nổi bằng xi-măng long phụng tinh xảo, trông khá đẹp.
Bên ngoài bức tường phía sau là một gốc đa cổ thụ sum suê cành lá tỏa bóng râm mát trên mái ngói trầm mặc, lặng lẽ với thời gian. Bên cạnh miếu có hai ngôi mộ nhỏ như chiếc quách để dùng di dời hài cốt, cũng có nồi hương, ly, đèn thờ cúng đàng hoàng.
Ngôi miếu không tên đầu đường Bạch Đằng và hai mộ nhỏ bên cạnh miếu. Ảnh: T.M |
Những chiều hè oi ả, nóng bức có nhiều người tới đây ngồi dưới bóng đa, vừa hàn huyên bao thứ chuyện trên đời, vừa đón nhận, thưởng thức những ngọn gió từ hướng biển Tiên Sa ùa vào mát rượi. Rồi có người nhìn ngôi miếu đang ẩn chứa bao điều ly kỳ, huyền hoặc này với bao điều thắc mắc, song rất ít người có thông tin chính thức về sự ra đời của ngôi miếu. Có rất nhiều người đang sống trong thành phố cũng như du khách phương xa mạnh dạn bước vào bên trong ngôi miếu để cố tìm gốc tích nhưng cuối cùng cũng mang về sự bí ẩn lạ lùng.
Người viết nhìn thấy ngôi miếu này cũng ngót nghét 40 năm rồi. Khi cảng Sông Hàn chưa giải tỏa, trước miếu là những dãy nhà kho sát với nhà bia bị che khuất không gian nên ít ai trông thấy miếu. Sau khi nới rộng đường Bạch Đằng, mở thêm đường Như Nguyệt và phá bỏ hoàn toàn các dãy nhà trong sân cảng thì miếu bơ vơ, trơ trọi một mình mới dễ nhìn thấy.
Để giải mã ngôi miếu vô danh này, qua tìm hiểu nhiều nguồn, được biết ngày 1-9-1901, Toàn quyền Pháp ký quyết định xây dựng cảng Đà Nẵng tại vịnh Tourane (thường gọi là cảng Sông Hàn) và mở cửa cảng đầu tiên vào năm 1907.
Cảng được xây dựng 12 cầu tàu, rộng từ 7-8 mét, với độ nước sâu hàng chục mét để cho tàu có tải trọng tới 2.000 tấn cập bến dễ dàng. Thực dân Pháp xây dựng cảng Đà Nẵng nhằm phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương, do đó cảng nhanh chóng trở thành vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống quân cảng cũng như thương cảng của quân đội Pháp, sau này là đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Cảng Đà Nẵng ra đời cũng là lúc đội ngũ công nhân bắt đầu đi vào hoạt động. Hồi ấy công nhân cảng là thợ thuyền làm thuê cho Pháp, chủ yếu lái xe vận chuyển hàng hóa và công nhân bốc vác. Với thân phận người dân mất nước, phải đi làm thuê cho giặc ngoại bang xâm chiếm, đội ngũ công nhân cảng Đà Nẵng luôn bị thực dân cai trị chà đạp nhân phẩm, bóc lột thậm tệ sức lao động.
Công nhân ở đây chủ yếu lao động cơ bắp, thường phải làm tăng ca, thêm giờ, đội trên vai, trên đầu những bao hàng nặng hơn trọng lượng cơ thể, lương tháng bị cắt xén, đời sống kham khổ nên đã có nhiều cuộc bãi khóa, bãi thị.
Do lao động trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt nên có không ít công nhân bị rủi ro, tử vong vì tai nạn, được đưa đi chôn cất ở những nơi khác. Để tỏ lòng tưởng nhớ những công nhân cảng xấu số, Nghiệp đoàn Lao động cảng Đà Nẵng bấy giờ đã lập ngôi miếu ngay bên cổng chính ra vào cảng để anh chị em công nhân tranh thủ hương khói trong những lúc tan ca.
Lúc đầu miếu chỉ nhỏ bằng chiếc khám thờ giữa trời, đến năm 1974, công nhân cảng tôn tạo, xây dựng lại với dáng hình như hiện nay. Hai ngôi mộ nhỏ nằm sát bên miếu là do lúc đó có hai nữ công nhân bốc vác mang bầu gần đến ngày sinh nở, vì làm lụng quá sức dẫn đến hư thai. Hai sinh linh bé bỏng đó được công nhân chôn luôn cạnh miếu.
Anh Lê Dương, trú cụm dân cư Đức Lợi 2, phường Thuận Phước kể rằng: “Cha tôi làm công nhân cảng Đà Nẵng trải qua ba thời kỳ, từ thời thực dân Pháp xâm lược đến sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, cụ tiếp tục được lưu dung một thời gian nữa rồi mới nghỉ hưu.
Nghe cha kể nhiều về những cái chết oan uổng của một số công nhân cảng thấy thương quá. Chính vì vậy mà tôi thường tới đây chăm chút, quét dọn, hương khói cho miếu thêm ấm cúng”. Anh Dương còn cho biết nếu miếu hư hỏng, bong tróc vôi sơn… thì cũng có một số người tự nguyện góp tiền để sửa chữa, quét lại nên miếu luôn sạch sẽ.
Như vậy, cảng Đà Nẵng ra đời cách đây 115 năm nhưng ngôi miếu thờ những vong linh công nhân bạc mệnh xuất xứ từ năm nào cũng chưa có nhân chứng để xác định một cách rõ ràng. Miếu xưa vẫn âm thầm cùng gió sương bên bờ sông Hàn rì rào sóng nước. Ai ghé tới miếu thắp nén hương thơm cũng từ tấm lòng đối với những người trong cõi hư vô…
THÁI MỸ