Chuyện xưa xứ Quảng

Chín tấm bia ở nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam

09:30, 05/03/2017 (GMT+7)

Hiện nay, tại nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) còn 9 tấm bia đá có kích cỡ khá lớn (trong đó có một tấm bị vỡ làm 3 mảnh), được gọi là bia Văn thánh vì có nguồn gốc từ Văn thánh huyện Lễ Dương nằm cách đó khoảng 500 mét (đã bị phá) chuyển về và để phân biệt với những tấm bia khác  tồn tại ở làng Hà Lam.

Bia Văn thánh và sách viết về bia Văn thánh. Ảnh: LÊ THÍ
Bia Văn thánh và sách viết về bia Văn thánh. Ảnh: LÊ THÍ

Nguồn gốc của 9 tấm bia

9 tấm bia này trước đây được dựng ở hai bên tường nhà Tiên đạt từ trong sân trước của Văn thánh huyện Lễ Dương (Thăng Bình). Văn thánh huyện Lễ Dương được xây dựng từ năm 1856, dưới triều Tự Đức, rồi được tiếp tục bổ sung, tu bổ hoàn thiện thêm vào các thời kỳ sau. Sau nhiều thăng trầm, đến năm 1985, Văn thánh bị xóa sổ hoàn toàn để nhường chỗ cho việc mở rộng Trường tiểu học Hà Lam (nay là Trường tiểu học Kim Đồng). Khi Văn thánh bị xóa sổ, nhiều tấm bia bị xiêu tán, một số vị trong Hội đồng chư tộc Tiền hiền làng  Hà Lam đã thu gom và chuyển về gửi tạm tại nhà thờ Tiền hiền của làng cho mãi đến nay.

9 tấm bia được khắc dựng trong suốt một thời gian dài từ năm 1896 dưới thời Thành Thái cho đến năm 1939 dưới thời Bảo Đại với sự tham gia của nhiều vị chức sắc, khoa hoạn và văn thân của huyện Lễ Dương.

6 tấm đầu tiên được khắc dựng năm 1896 có tên Lễ Dương huyện nhân vật bi chí (tấm 1) và Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí (tấm 2-6) do Phó bảng Nguyễn Thuật (một vị khoa bảng của làng Hà Lam, lúc này đang giữ chức Thượng thư tại triều) khởi xướng và duyệt nội dung; Cử nhân Nguyễn Hữu Quang (người làng Ngọc Phô, Huấn đạo Quế Sơn) với sự giúp sức của Tả trực đạo Ngự sử Lê Bá Hoan, Đốc học Nguyễn Trạc khởi thảo nội dung;  Phó bảng Võ Vĩ (người làng Hiền Lương, Lễ Dương) viết chữ lên bia. Về nhân vật chí (tấm 1) có 2 người là Tá vận công thần Đoan hùng quận công Nguyễn Văn Trương, người quê làng An Lý (nay là xã Bình Phú) được phong là Đệ nhất Ngũ hổ tướng Gia Định của triều Nguyễn và Đốc học Trương Công Diêu, vị đốc học đầu tiên của Quảng Nam dưới triều Nguyễn. 

Tấm số 7 dựng năm nào chưa rõ, chỉ biết do Cử nhân Nguyễn Kinh (con thứ Nguyễn Thuật) viết trên bia. Tấm số 8 dựng năm 1920, dưới thời Khải Định. 7  tấm (từ tấm 2-8 ) ghi tên các vị khoa bảng của huyện gồm 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 32 cử nhân (hương cống) và 147 tú tài trong đó có một vị tú tài tân học. Những người đỗ cử nhân trở lên được bổ làm quan nên trong bia cũng có ghi một phần sự nghiệp và hành trạng của họ.

Tấm số 9 dựng năm 1939 dưới thời Bảo Đại có tên Thăng Bình phủ Tiết nghĩa phụ bi chí  được dùng để vinh danh những người phụ nữ của phủ Thăng Bình được ban thưởng các danh hiệu Tiết hạnh khả phong, Hảo nghĩa khả phong hay Lạc quyên nghĩa phụ…

Mục đích, ý nghĩa của việc dựng bia cũng được nêu một cách đầy đủ. Trong lời bạt ghi ở bia số 6 (do Đốc học Nguyễn Trạc chấp bút) có viết (tạm dịch nghĩa): “…Biết rằng xưa nay, các bậc khoa hoạn nổi tiếng, nhân vật trứ danh được mọi người truyền nhau xưng tụng, bia đá không cần phải ghi chép việc đó làm gì! Nhưng sự việc ấy nếu để lâu năm thì sự truyền tụng sẽ theo thời gian mất đi sự chân thật, khiến hậu thế khi chiêm ngưỡng, muốn tận mắt xem thấy công lao của họ, tường tận về ngôi thứ đỗ đạt khoa danh của tiền nhân, chẳng phải than thở vì thiếu căn cứ làm bằng. Do vậy các bia đá này dựng lên đâu phải là chuyện vô bổ. Sau này người theo đường khoa hoạn tiếp nhau đỗ đạt, nhân vật tài danh xuất hiện ngày một đông, huân danh sự nghiệp lừng lẫy ấy tất nhiên đáng được lưu truyền, thì mô phỏng theo việc này mà khắc tiếp vào bia. Như vậy từ nay về sau, bậc quân tử ai dám xem thường”! (Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà, Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình, UBND huyện Thăng Bình, năm 2015, trang

22-23). Thật là chu đáo hết mực! Để có được những nội dung khắc trong bia, các cụ cũng làm việc rất cẩn trọng, được ghi lại trong lời bạt ở bia thứ 6. Đầu tiên các cụ gặp các vị “thân hào, bằng hữu” trong huyện để nắm thông tin. Đem những thông tin ban đầu đối chiếu với các bản gia phả của các dòng tộc trong huyện cùng sách Đăng khoa lục để bổ sung, chỉnh lý. Xong các cụ họp nhau duyệt lại lần cuối trước khi lên bản thảo. Đem bản thảo đi khảo tra, khảo chứng lại các điểm còn tồn nghi trước khi viết thành “thiện bản” (bản hoàn chỉnh). Khi đã có bản thảo hoàn chỉnh liền gửi theo đường nhà trạm ra Huế cho Hà Đình Nguyễn Thuật để cụ “tra cứu sách sử, dốc lòng xét duyệt, bổ sung đính chính đầy đủ” trước khi viết lên bia (lúc này cụ Nguyễn Thuật vừa là Thượng thư nhưng cũng đảm nhận chức Tổng tài quốc sử quán nên có điều kiện để duyệt và biên tập bản thảo lần cuối). Cẩn trọng đến thế là cùng!

Nỗi lo còn đó

Nhận ra giá trị của 9 tấm bia cùng những mất mát không đáng có, năm 1998, khi trùng tu lại nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam, UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ một khoản kinh phí để làng mở rộng thêm mái hiên làm nơi đặt tạm, lưu giữ và bảo quản những tấm bia đá. Năm 2014, huyện lại tiếp tục nhờ hai nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Bằng chế bản chữ Hán (theo nguyên văn bản gốc), phiên âm, chú thích và dịch ra chữ quốc ngữ toàn bộ 9 tấm bia này (cùng bốn tấm khác) và in thành sách “Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình”. Đây là công trình được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc bằng cả trí tuệ và trái tim của hai tác giả là những công dân của
Thăng Bình.

Hiện UBND huyện đã giao cho ngành Văn hóa - Thông tin của huyện nghiên cứu để tham mưu phương án phù hợp nhất để bảo quản và phát huy giá trị của 9 tấm bia. Như vậy phần “hồn” của 9 tấm bia tạm ổn nhưng phần “xác” vẫn chưa thực sự “yên ổn”. Chỉ khi nào giữ được cả hai thì mới không sợ sau này “hậu sinh khi đọc chuyện xưa” không còn phải than thở vì “thiếu căn cứ làm bằng” như lo lắng của người xưa!

Dù trải qua nhiều sóng gió và vẫn chưa hết nguy cơ nhưng rất may cho đến nay 9 tấm bia chưa mất, nghĩa là giá trị của quá khứ vẫn còn: “Những tấm bia như minh định cho những giá trị tinh thần và tinh hoa hun đúc nên con người trên vùng đất đầy sóng gió bao đời này. Lắng lại với thời gian để rồi thức dậy soi cho hôm nay niềm tự hào về truyền thống học vấn - lập

thân - xử thế của tiền nhân cùng thao thức về bổn phận của cháu con đối với cha ông” (Sđd, trang 17). Quý thay!

LÊ THÍ

.