Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện cô gái Dinh Chiêm đi mở cõi

11:01, 22/01/2017 (GMT+7)

Người con gái Dinh Chiêm mở đường cho đoàn di dân Việt sang Thủy Chân Lạp khai hoang để 78 năm sau chúa Nguyễn chính thức sáp nhập vùng đất trù phú này vào lãnh thổ Đàng Trong, người đó là công nương Nguyễn Phúc Ngọc Vạn.

Công nương là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai, sinh ra và lớn lên ở Dinh Chiêm (tức dinh trấn Thanh Chiêm, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - ĐNCT) khi thân phụ làm trấn thủ Quảng Nam dinh (1602 - 1613).

Năm 1620, chúa Sãi gả Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II vì vị vua này muốn nương nhờ thế lực của chúa nhằm chống lại quân Xiêm, bảo vệ nền độc lập của Chân Lạp. Còn chúa Sãi thì muốn xây dựng mối hòa hiếu với lân bang để rảnh tay đối phó với quân Trịnh và tạo cơ hội để di dân Thuận - Quảng vào khai phá vùng đất phía đông nam Chân Lạp.

Mặc dầu Chey Chettha II đã có hai bà vợ nhưng Ngọc Vạn vẫn rất được ông yêu quý. Bà được phong làm “Đệ nhất Hoàng hậu” (Hoàng hậu Ang Cuv).

Ngọc Vạn về quê chồng đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cho lập xưởng thợ, mở các nhà buôn gần kinh đô Oudong (còn gọi là Udong, nay đã trở thành cố đô, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 30km) để họ làm ăn sinh sống. Chẳng bao lâu đã có hai làng người Việt ở Oudong, phần lớn là người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi sang buôn bán và làm tiểu thủ công nghệ.

Ba năm sau, chúa Sãi cử một sứ bộ sang xin Chey Chettha II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài (gần Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía Nam.

Chúa Sãi đã lập một sứ quán tại kinh đô Oudong và giúp Chân Lạp vũ khí, thuyền chiến, binh lính. Nhờ thế Chân Lạp đã đẩy lùi hai đợt tấn công của quân Xiêm vào cuối năm 1621 và năm 1623. Đó là lần đầu tiên trong 100 năm trước đó, người Chân Lạp chiến thắng quân Xiêm thoát được ách đô hộ của họ.

Sau chiến thắng đó, chúa Sãi gửi một sứ bộ mang nhiều tặng phẩm đến Oudong cùng một bức thư ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Chợ Lớn) và Kas Krobei (Sài Gòn) để lập các trạm thuế thương chính trong thời gian 5 năm.

Nhờ sự can thiệp của Ngọc Vạn, Chey Chettha II đã chấp thuận yêu cầu của chúa Sãi.

Chỉ trong vòng 5 năm từ ngày Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã có làng xóm từ Biên Hòa (Bà Rịa), Sài Gòn (Bến Nghé), lên tới Châu Đốc (Takeo) đến tận Oudong.

Năm 1628, Chey Chettha II băng hà, hoàng thái tử Cau Bana Tu – con của bà thái hậu người Chân Lạp – lên nối ngôi, quốc vương Tu rất kính trọng và yêu mến Ngọc Vạn, tôn bà lên tước vị cao quý Samtec Brah Dav Dhita. Năm 1632, Tu qua đời, em của Tu là Nu lên thay, bấy giờ thời hạn hoạt động của hai trạm thuế đã hết, thể theo lời yêu cầu của thái hậu Ngọc Vạn, Nu đã gia hạn thêm cho 2 trạm quan thuế của chúa Nguyễn.

Năm 1640, Nu đột ngột băng hà, con của nhiếp chính vương Utey là Ang Nan lên làm vua.

Năm 1642 Cau Bana Cand (Nặc Ông Chân) - con của Chey Chettha II và bà vợ người Lào, đã dựa vào một số người Mã Lai và người Chăm theo đạo Hồi giết Ang Nan để giành lại ngôi vua. Cand bỏ đạo Phật theo đạo Hồi, giết chú ruột là Utey và nhiều người trong hoàng tộc một cách dã man khiến cho dân Chân Lạp căm phẫn, do đó ngày 25 tháng 1 năm 1658, hai người con của Utey là Ang Sur (Nặc Ông Sô) và Ang Tan (Nặc Ông Tân) dấy binh lật đổ Cand nhưng bị thất bại. Hai hoàng thân của Chân Lạp phải bí mật gặp Ngọc Vạn để nương thân và nhờ bà viết thư xin chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa binh sang giúp.

Chúa Hiền sai Tôn Thất Yến đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (Bà Rịa) phá được thành, bắt Nặc Ông Chân đem về Quảng Bình.

Năm 1659, Nặc Ông Chân chết, chúa Hiền phong cho Ang Sur làm quốc vương Chân Lạp.

Từ đó hàng năm Chân Lạp phải triều cống chúa Nguyễn và cho di dân người Việt vào lập nghiệp ở Chân Lạp. Vì văn hóa bất đồng, thấy người Việt đến, người Khmer tự bỏ đi nơi khác.

Năm 1672, Ang Sur bị một người cháu đồng thời là rể giết để cướp ngôi, em của Ang Sur là Phó vương Ang Tan lại chạy sang dinh Thái Khang cầu cứu. Chúa Hiền chuẩn bị đưa quân sang Chân Lạp nhưng ngay sau đó kẻ cướp ngôi đã bị giết. Con của Ang Sur là Ang Ji ( Nặc Ông Đài) lên ngôi.

Trong biến cố chính trị lần sau này các bộ sử Chân Lạp không nhắc đến vai trò của thái hậu Ngọc Vạn nữa và cũng không nói bà sống ở đâu.

Theo truyền thuyết dân gian, sau hơn 50 năm sống ở kinh đô Udong, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Gòn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Bà cho lập chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan, Đồng Nai, ẩn tu cho đến hết đời.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, lập phủ Gia Định trên phần đất đã được những người di dân Việt Nam khai phá. Vùng đất Chân Lạp tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong.

Công lao của bà Ngọc Vạn đối với Tổ quốc vô cùng to lớn, bà đã mang về một vùng đất phì nhiêu, một vựa lúa khổng lồ cho dân tộc Việt.

CHÂU YẾN LOAN

.