Chuyện xưa xứ Quảng

Sự tích cúng cơm mới ở Cẩm Hà

15:48, 14/06/2020 (GMT+7)

Hầu hết tục cúng cơm mới, có nơi còn gọi cúng lúa mới, là phong tục của bà con dân tộc thiểu số vùng cao như Ba na, Ê đê, Cơ tu, Xtiêng, Dao, Thái… Thế nhưng vẫn có một bộ phận cư dân người Kinh ở vùng đông ven biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) trải qua hằng trăm năm rồi vẫn duy trì tập tục cúng cơm mới. Người Kinh ở đồng bằng xứ Quảng có tục cúng này không nhiều, song vẫn có nơi duy trì thường xuyên việc cúng tại gia bởi đó là yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của họ.

Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình nên thường việc cúng tại gia cũng đa dạng hơn về các món ăn. Ảnh minh họa: Internet
Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình nên thường việc cúng tại gia cũng đa dạng hơn về các món ăn. Ảnh minh họa: Internet

Bao đời nay, vùng đất Cẩm Hà được dòng sông Để Võng mềm như dải lụa ôm ấp từ làng Bến Trễ đến cuối làng Trà Quế và ban tặng cho xứ sở nơi đây màu phù sa đỏ ngầu, màu mỡ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên cộng với bàn tay cần cù lao động của bao người nông dân đã biến làng quê Cẩm Hà, Hội An, trở nên trù phú, rợp màu xanh của ruộng đồng, cây cối, hoa màu tươi tốt quanh năm. Ngoài những thửa ruộng uốn câu, trĩu hạt vàng ươm lúc mùa về, Cẩm Hà còn nức tiếng chăm trồng quật kiểng và rau xanh Trà Quế. 

Khác với nhiều làng quê ở vùng đồng bằng của xứ Quảng, những mái nhà nép dưới lũy tre của xã Cẩm Hà từ thời xa xưa cho đến tận bây giờ luôn giữ một tục lệ quen thuộc là cúng cơm mới. Có người bảo rằng tập tục này có rất sớm từ thời Lý - Trần. Ngày trước, tục cúng cơm mới thường được dân làng tổ chức vào các ngày mồng Một, mồng Mười và rằm tháng Mười âm lịch, còn gọi là Tết Hạ nguyên. Người xưa quan niệm rằng, vào những ngày đó thiên đình cử thần Tam Thanh đeo kiếm, cưỡi mây, đạp gió để xuống trần gian xem xét thực tế cuộc sống của bà con dân đen ra sao, mùa màng thế nào mà về tâu lại với Ngọc Hoàng để điều chỉnh việc mưa thuận, gió hòa, giúp dân làm ăn no đủ.

Mỗi khi thần Tam Thanh xuống hạ giới cũng là thời điểm lúa của bà con nông dân đã đổ đầy bồ. Để tạ ơn vị thần sứ giả của thiên đình, họ đã nấu những nồi cơm gạo mới dâng tế thần, cầu mong thần linh, Ngọc Hoàng luôn ban phúc, đuổi họa giúp dân.

Cũng có câu chuyện dân gian khác về nguồn gốc người dân Cẩm Hà cúng cơm mới. Rằng, ngày xưa dân làng chỉ có việc gieo, cấy, làm cỏ, bón phân cho những đám ruộng của mình chứ không phải… gặt, bởi đến khi lúa chín thì những hạt lúa no tròn của ai thì nó tự lăn về nhà nấy. Đến lúc đó, họ không còn gọi hạt lúa mà gọi “nàng” lúa. Một hôm, vợ chồng người nông dân nọ trước khi vác cuốc ra đồng liền gọi hai đứa con nhỏ phải quét sân sạch sẽ để đón nàng lúa về. Do mải mê chơi bời, hai đứa con quên lời cha mẹ dặn. Gần trưa hằng hà, sa số những hạt lúa lăn ùn ùn về nhà. thấy sân quá nhớp, chúng rủ nhau quay đầu lăn trở ra đám ruộng. Biết lúa giận chủ, con chó mực chạy theo quỳ hai chân trước cúi lạy, cầu xin các nàng lúa quay lại nhà. Những dòng nước mắt của con mực đã đánh thức sự mủi lòng nên các nàng lúa tự giác lăn vào nằm im trong sân của gia đình người nông dân nọ.

Khi cha mẹ hai đứa trẻ đi làm về nghe con kể lại, họ vô cùng biết ơn các nàng lúa và xúc động trước nghĩa cử của con mực nhà mình. Nhà nghèo nên nghĩ mãi hai vợ chồng vẫn chưa biết lấy gì để đền đáp công ơn các nàng lúa và con chó mực hiền lành, khôn ngoan, cuối cùng họ quyết định bày tỏ tấm lòng thành của mình từ cây nhà, lá vườn. Họ đổ ang lúa mới vào cối xay rồi sàng gạo nấu nồi cơm trắng, bới ra cái chén sành thắp hương cúng các nàng lúa. Đợi hương tắt, hai vợ chồng bưng chén cơm vừa cúng xong đặt xuống đất vẫy con mực tới. Chú chó cúi mõm ăn chén cơm ngon lành, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn ông bà chủ như tỏ lòng ơn nghĩa.

Từ đó, tục cúng cơm mới bắt đầu hình thành ở các làng mạc Cẩm Hà và lưu truyền cho hậu thế đến bây giờ.

Ngày nay, bà con nông dân xã Cẩm Hà vẫn giữ gìn tập tục cúng cơm mới và luôn coi đó một nét đẹp văn hóa tâm linh không thể thiếu vắng trong cuộc sống của họ. Hằng năm, sau khi thu hoạch vụ đông - xuân, bà con ở Cẩm Hà bắt đầu cúng cơm mới. Không tổ chức lễ hội rình rang, không ngày giờ cụ thể, ai thấy thuận lợi ngày nào thì cúng ngày đó, chủ yếu vẫn tập trung vào thời điểm từ tháng Ba đến đầu tháng Tư âm lịch ngay tại gia đình giống như tục cúng thổ địa tháng Hai. Họ chọn một ngày tốt, múc nước từ các giếng cổ trong vắt của làng gánh kĩu kịt về vo gạo, nấu nồi cơm từ những hạt lúa đầu mùa để cúng.

Ngày xưa, đời sống nông thôn còn bề bộn khó khăn, ăn uống kham khổ nên chuyện cúng cơm mới cũng đơn giản. Chỉ cần đơm từ 4 đến 6 chén cơm, rắc lên trên nhúm muối mè hoặc muối đậu phộng, dĩa rau xanh, chén mắm ớt chấm, nải chuối, ly rượu trắng rót từ chai có nắp bằng cùi bắp là xong. Hiện nay, việc cúng cơm mới có phần “hoành tráng” theo thời cuộc bởi ngoài những chén cơm từ lúa mới, một món chủ lực ra còn kèm theo nhiều món ẩm thực thơm ngon, hấp dẫn khác để mời bà con, bè bạn qua lại chung vui sau vụ mùa nhọc nhằn, vất vả. Mâm cơm cúng ngoài một số món bắt buộc theo tập tục truyền thống đồng quê ra còn tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình nên thường việc cúng tại gia cũng đa dạng hơn về các món ăn.

Tuy mỗi nhà mỗi cảnh, lễ vật cúng đôi khi cũng khác nhau, song họ đều có điểm chung giống nhau là đến lúc đèn tắt, hương tàn, gạo, muối rải quanh vườn nếu nhà nào có nuôi chó thì họ mang chén cơm cúng đầu tiên cho chó ăn trước để lưu giữ, bảo tồn tích xưa về loài vật luôn quấn quýt, gần gũi, trung thành với gia chủ. Hình tượng con mực (chó) trong câu chuyện truyền miệng ở trên đã làm cho nhiều người nghe càng yêu quý loài vật này hơn.

THÁI MỸ

.