Đến xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) hỏi về dãy núi Răng Cưa, bất cứ đồng bào người Cor nào từ già đến trẻ cũng biết và chỉ cần nhìn theo hướng họ chỉ thì có thể nhận thấy đỉnh núi Răng Cưa hùng vĩ, sừng sững quyện lấy những đám mây bồng bềnh giữa muôn trùng màu xanh cây cỏ.
Cầu treo bắc qua sông dưới ngọn núi Răng Cưa. Ảnh: A.T |
Phía bên kia của dãy núi Răng Cưa là xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) - cũng là địa bàn cư trú bao đời nay của cộng đồng người Cor. Núi Răng Cưa được biết đến không chỉ vì độ cao, vì hình dạng độc đáo như tên gọi của nó mà còn gắn liền với truyền thuyết đậm chất huyền thoại của người Cor để lý giải về hiện tượng tự nhiên độc đáo này...
Núi Răng Cưa có độ cao trên 1.000m, đỉnh núi có dạng như hình gợn sóng giống như những lớp răng của chiếc cưa nên người ta gọi là núi Răng Cưa. Đối với đồng bào người Cor bản địa ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) lập làng sinh sống dưới ngọn núi này bao đời nay thì núi Răng Cưa là cách gọi tên phổ thông dựa vào hình dáng theo tiếng của người Kinh. Còn trong tiếng Cor, núi có tên là Ngók Ca Ghé, còn có tên gọi khác là núi Cứ Xỉ.
Để lý giải cho nguồn gốc hình thành những hình răng cưa trên đỉnh núi, đồng bào Cor có một truyền thuyết kể về một nàng công chúa con của vua Mặt Trời. Truyện cổ tích đồng bào Cor bản địa lưu truyền qua các thế hệ ở huyện Trà Bồng kể lại rằng, từ thời xa xưa, có một nàng công chúa là con gái của vị thần Mặt Trời (theo cách gọi của người Cor là thần Mặt Ngây, là vị thần tối cao nhất trong tất cả các vị thần) rất thông minh, xinh đẹp nhưng không thích đàn hát, thêu thùa, may vá, mà chỉ thích phiêu lưu, mạo hiểm. Nàng rất thích cưỡi ngựa, chèo thuyền, bắn cung và rong chơi khắp thế gian...
Sau khi đã chán chê với trò cưỡi ngựa, bắn cung, nàng tâu xin vua cha cho thần Mưa phun nước ngập hết khắp nơi để nàng thỏa sức chèo thuyền. Chiều lòng con gái, thần Mặt Ngây lệnh cho thần Mưa liên tục phun những trận mưa lớn trong nhiều ngày liền. Khắp cả mặt đất nước càng lúc càng dâng cao, phủ trắng khắp thế gian. Riêng vùng đất tại núi Răng Cưa khi ấy chỉ còn mấy ngọn núi cao nhô đầu lên khỏi mặt nước. Công chúa cùng đoàn nữ tì mặc sức bơi thuyền rong chơi trên mặt nước mênh mông như biển cả. Mỗi lần qua một ngọn núi, nàng đều ngỏ lời xin thần Núi cho mình chèo thuyền vượt qua. Vì nể mặt vị thần Mặt Ngây tối cao, mỗi lần công chúa ngõ lời thần Núi đều mở cửa cho đi.
Lâu dần, công chúa cứ ngỡ thần Núi sợ uy quyền của mình nên nàng đâm ra xem thường thần Núi. Do vậy, những lần sau qua núi, công chúa không cần ngỏ lời mà cứ tự tiện cho lính mở cửa để băng qua. Nhiều lần như thế diễn ra, thần Núi rất giận dữ và quyết đóng chặt cửa không cho công chúa cùng đoàn tùy tùng đi qua. Không ngờ, trong một lần đi cùng công chúa dạo thuyền ngắm cảnh, vị thần Mặt Ngây cả giận lệnh cho ba chiếc thuyền nhằm hướng đỉnh núi cứ thế mà xuyên qua, đỉnh núi liền bị vỡ thành ba chỗ lõm nhưng ba chiếc thuyền chỉ hơi chòng chành mà không bị lật. Ba đường lõm do ba chiếc thuyền đâm xuyên qua ấy có hình dạng như những chiếc răng cưa của lưỡi cưa nên gọi là núi Răng Cưa.
Ngày nay, núi Răng Cưa là một trong những ngọn núi cao hùng vĩ và là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Bắc My và Trà Bồng. Bao đời nay, ngọn núi ấy gắn liền với đời sống tâm linh, đời sống tinh thần và là một biểu tượng độc đáo về tính cách kiên cường, bất khuất của người Cor.
Có dịp về với Trà Kót, hãy thử một lần đứng giữ cây cầu treo bắc qua sông Tranh nhìn về đỉnh Răng Cưa để thấy được giữa mênh mông núi đồi trùng điệp, khi ánh mặt trời lên làm tan dần những lớp mây trắng bồng bềnh để lộ ra một ngọn núi có hình dáng hết sức kỳ lạ, khác biệt với ba đỉnh nhọn trên đầu núi. |
AN TRƯỜNG