Tấm bia Chăm ở làng An Thái

.

Tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội có bộ sưu tập bia Chăm độc đáo, trong đó có tấm bia An Thái được tìm thấy ở làng An Thái, huyện Lễ Dương, vào thập niên thứ nhất của thế kỷ XX. Đây là tấm bia duy nhất trong hàng trăm tấm bia Chăm được phát hiện đề cập đến Phật giáo Đại thừa phái Mật tông.

Bia An Thái tại Bảo tàng Quốc gia Hà Nội.
Bia An Thái tại Bảo tàng Quốc gia Hà Nội.

Làng An Thái

Làng An Thái ở phía cực nam của huyện Lễ Dương; nay là thôn An Thái, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; tiếp giáp một số làng xã của Tam Kỳ. Đây là ngôi làng cộng cư Chăm - Việt một thời.

Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (1553) và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) chưa thấy nhắc đến địa danh này. Có thể làng An Thái chỉ được thành lập sau năm 1558. Nhà nghiên cứu Phú Bình có đến thăm và đọc được “hương phổ tự” của làng. Bản văn này cho biết tiền hiền Nguyễn Viết Rộng của làng được an táng ở làng Câu Nhi. Mà Câu Nhi là một làng của Điện Bàn (nay thuộc phường Điện An) được dòng Nguyễn Viết thành lập trong khoảng 1558-1604.

Phải đến đầu thời Nguyễn (1802-1945), địa danh An Thái mới được nhắc đến.

Theo sách Địa bạ triều Nguyễn soạn trong khoảng 1812-1818, sau này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu soạn lại thành sách “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam” do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010, An Thái là một trong 33 làng của Tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, làng An Thái thuộc xã Thăng Uyên, từ năm 1954 đến nay làng thuộc xã Bình An, huyện (quận) Thăng Bình.

Trước khi người Việt đến sinh sống, cộng cư, An Thái là một làng Chăm. Hiện nay, tại đây còn nhiều giếng cổ, dù qua thời gian được cải tạo lại vẫn còn mang dáng dấp giếng Chăm (giếng hình vuông, có thanh gỗ nơi đáy giếng). Nhà nghiên cứu Phú Bình còn cho biết: “Ở xóm Thăng An, thôn An Thái, có các địa danh Nổng Dàng, Đồng Dàng, Rừng Dàng nằm quanh ngôi Miếu Dàng được người lớn tuổi ở địa phương nhớ là nơi có đặt nhiều tượng của người Chăm xưa. Ít người dám vào ngôi miếu nói trên vì sợ “ma Hời”.

Theo hồi ức của dân địa phương, khoảng năm 1972, 1973, khi chính quyền tỉnh Quảng Tín đương thời cho xây hai con đập ngăn nước Đồng Hòe và Cồn Thầy ở gần đó, các tượng này đã bị một nhóm người phụ trách xây đập đem xe đến chở đi đâu không rõ. Hiện nay, cây cối mọc um tùm, chưa thể tìm ra dấu vết của nền Miếu Dàng nói trên” (Báo Quảng Nam cuối tuần số ngày 1-12-2019).

Đặc biệt, ở An Thái, một nhà nghiên cứu người Pháp đã phát hiện một bia Chăm, được giới nghiên cứu gọi là bia An Thái, đây là tấm bia độc đáo thuộc loại hàng đầu trong hơn 150 bia Chăm còn tồn tại ở nước ta.

Bia An Thái

Nhà nghiên cứu Chămpa Ngô Văn Doanh, trong tác phẩm Văn hóa cổ Chămpa (NXB Văn hóa dân tộc, 2002) hai lần nhắc đến bia An Thái (các trang 257 và 423) nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể phát hiện tấm bia, chỉ nói chung chung là “thuộc Quảng Nam”.

Theo tác giả Nguyễn Sinh Duy trong tác phẩm Quảng Nam và những vấn đề sử học (NXB Văn hóa thông tin, 2006), bia An Thái được một người Pháp tên Rougier, làm việc tại Tòa Công sứ Pháp ở Hội An phát hiện trong một phế tích Chăm đổ nát ở làng An Thái (có thể là ở Miếu Dàng), sau đó đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Năm 1911, một nhà nghiên cứu Chăm làm việc tại Trường Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội là Edouard Huber công bố nội dung tấm bia trên kỷ yếu của trường ở mục “Nghiên cứu Đông Dương”. Có lẽ sau khi công bố, tấm bia được đưa về kho lưu trữ của Trường Viễn Đông Bác cổ và vì thế hiện nay được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.

Trong bài viết của mình, Nguyễn Sinh Duy băn khoăn về địa danh An Thái. Ông thắc mắc “không biết Rougier tìm được tấm bia ở An Thái thuộc Điện Bàn hay An Thái thuộc Thăng Bình”. Thực ra vào thời điểm phát hiện tấm bia Điện Bàn, không có làng nào mang tên An Thái, chỉ có làng An Thái thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương mà thôi. Mặt khác, bia có niên đại 902, là tấm bia nói về Phật giáo mà thời kỳ này là thời cực thịnh của Phật giáo ở Chămpa với Phật viện Đồng Dương ở Kinh đô Indrapura. An Thái rất gần với Đồng Dương, nhất là Chiên Đàn.

Bia An Thái còn khá nguyên vẹn, cao 1m, rộng độ 0,48m, có niên đại 824 niên lịch Caka tức năm 902 Dương lịch. Nguyễn Sinh Duy trong tác phẩm đã dẫn cho biết: “Mặt trước mở đầu là lời tụng xưng (panégyrique) và 13 dòng chữ, 4 dòng đầu bị xây xát nhiều. Mặt sau có 9 dòng tình trạng chữ nghĩa tương đối tốt. Ngoài ba đoạn văn vần, văn bia gồm 11 thi tiết (stances); 2 thi tiết đầu bị hầu như mất nét hoàn toàn. Nét chữ nghiêng và mỹ miều chứng tỏ nghệ thuật của người khắc đá khá cao” (trang 446). 

Bia An Thái là tấm bia Chăm độc đáo. Vì trong 7 tấm bia Chăm nói về Phật giáo (trong số gần 150 tấm tìm được), có 4 tấm dành hoàn toàn để nói về đạo Phật, trong đó lại chỉ duy nhất bia An Thái nói về Phật giáo Mật Tông (là sản phẩm của sự kết hợp giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Đây là sự hiện đại hóa đạo Phật để thích ứng với thời đại).

Nói về bia An Thái, Ngô Văn Doanh viết: “Bia An Thái có niên đại năm 902 của một triều thần có tên Sthavira Nagapuspa lại hoàn toàn mang cảm hứng Phật giáo Đại thừa. Mục đích của tấm bia là kỷ niệm việc dựng một tượng (lokanatha) cho tu viện Pramudita Lokesvara. Trong đoạn 3 của tấm bia, Avalokitesvara xuất hiện như một đấng đại từ, đại bi đã cứu vớt tất cả những người phạm tội thoát khỏi đọa đày ở địa ngục để cho Vajrapani giải phóng họ và đưa họ vào con đường của Phật...” (Sđd, trang  423).

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.
Mua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp