Chuyện xưa xứ Quảng

Người xưa làm việc thiện

13:45, 22/08/2020 (GMT+7)

Thời đại nào thì việc tốt, việc thiện cũng được chính quyền và người dân nêu gương nhằm ghi ơn và khuyến khích nhân dân làm việc thiện. Đối với vùng đất có truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử như Quảng Nam, hẳn không thiếu những tấm gương tốt. Minh chứng cho điều đó là việc một số gia đình, dòng họ ở Quảng Nam hiện còn các tấm biển sơn son thiếp vàng được vua ban sắc tứ để nêu gương tốt.

Tấm biển sắc tứ “Hiếu nghĩa khả phong” được vua ban cho ông Đặng Lân (người Hội An) vào năm Tự Đức thứ 33. Ảnh: T.V
Tấm biển sắc tứ “Hiếu nghĩa khả phong” được vua ban cho ông Đặng Lân (người Hội An) vào năm Tự Đức thứ 33. Ảnh: T.V

Ngoài việc dựa vào luật pháp để an dân, triều Nguyễn cũng có các chính sách khuyến khích nhân dân làm việc thiện. Những gương điển hình làm việc tốt, như giúp đỡ người nghèo, cứu tế nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh… được các các quan địa phương trình trên triều đình để xét ban thưởng. Việc khuyến khích nhân dân làm việc thiện được chú trọng thực hiện từ những năm đầu đời Gia Long (1802-1820); nối tiếp đến đời Minh Mạng (1820-1840) liên tục được bổ sung, hoàn thiện và ban bố cụ thể hơn.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép năm Minh Mạng thứ ba vua xuống dụ: “Tôi trung, con hiếu, gái tiết, trai nghĩa, người dân trong nước phải nên khuyến khích. Từ xưa, nêu cao người hiếu, biểu dương người liêm, là để rèn luyện tục dân, sáng tỏ giáo hóa. Trẫm kính nối cơ đồ vinh quang, mở rộng đường lối chính trị. Phàm có trung thần phong cho thờ cúng, liệt nữ, thưởng biển nêu khen, có đủ cả điển lệ. Nhưng hiếu tử (người con có hiếu), nghĩa phu vẫn chưa được biểu dương, như thế là đường lối dạy dân thành tục tốt, còn lo chưa được đầy đủ.

Chuẩn từ nay các thành, doanh, trấn đều nên để tâm tìm tòi. Phàm dân gian có hiếu tử đối với cha mẹ, thực hành rõ rệt, như loại sớm tối hầu thăm, trước biết ý mà thuận theo, việc sống nuôi, chết chôn đều phải hết đạo, trong làng xóm đều khen là hiếu tử, nghĩa phu, thấy tài lợi, lòng không chuyển động, như loại được vàng trả chủ, không hám lợi một cách cẩu thả, khi từ hay nhận, lấy hay cho, đều hợp với nghĩa, mà già trẻ đều tin là người liêm. Cho phép hương lý kê rõ họ, tên, tuổi và quê quán, cam kết nhận thực. Quan trấn hạt ấy trình bày thực trạng cùng lời xét khai làm tờ tâu, do bộ Lễ tâu lên đợi chuẩn nêu thưởng để xứng với ý tốt của trẫm dạy bảo uốn nắn phong tục”.

Vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), ông Đặng Lân (người Hội An, tỉnh Quảng Nam) có công cứu đói dân trong cơn thiên tai ở địa phương, quan địa phương tâu lên triều đình, nhân đó được ban thưởng kèm biển sắc tứ “Hiếu nghĩa khả phong - 好 義 可 風” (Yêu việc nghĩa đáng được phong thưởng).

Điều đáng nói là trên các tấm biển này có hai chữ “sắc tứ” [敕賜]. Theo nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang trong bài viết Bàn về hai chữ “sắc tứ” 敕賜 trong văn bia Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng số 86-2017 (trang 60-68), chữ “sắc” 敕 (chiếu mệnh, chỉ dụ, sắc lệnh của vua chúa) trong “Sắc tứ” 敕賜 là chữ của vua chúa, riêng thuộc về vua chúa, và chỉ duy có vua chúa mới được dùng.

Hiện nay, những tấm biển được vua ban thưởng đó hầu hết được các gia đình, dòng tộc lưu giữ, bảo quản và trân trọng như bảo vật, đồng thời là niềm tự hào của họ đối với ông bà, tổ tiên. Như một truyền thống có tính liên tục tại địa phương, ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe những người tốt, việc tốt, đặc biệt trong thiên tai địch họa, dịch bệnh hoành hành, nhiều tổ chức thiện nguyện ra đời và hoạt động có hiệu quả. Xã hội sẽ càng nhân ái hơn, nhiều tình yêu thương hơn là nhờ một phần công sức không nhỏ của các cá nhân, tập thể đó.

TƯỜNG VÂN


 

.