Hơn 500 năm trước, từ một vùng đất hoang vu, cỏ cây um tùm với nhiều thú dữ, nhờ sức người, nơi đây đã trở thành một làng quê với ruộng vườn xanh tốt gắn với đời sống dân cư qua nhiều thế hệ.
Đình Phong Ngũ (ảnh trên) và một góc làng Phong Ngũ ngày nay. Ảnh: H.S |
Làng Phong Ngũ nay là thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo tài liệu nghiên cứu của TS. Hà Phụng, hậu duệ Tiền hiền tộc Hà Đức của làng, làng Phong Ngũ xưa là xã Phong Niên, được thành lập khoảng từ năm 1555 (đời Lê Trung Tôn) với tên gọi ban đầu là Phong Niên xã Ngũ hiệu. Năm Canh Thìn 1640 (thời chúa Nguyễn Phúc Lan) đổi thành thôn Ngũ Giáp; năm 1937 (Bảo Đại thứ 12), thôn Ngũ Giáp đổi thành thôn Phong Ngũ mãi đến ngày nay.
Gia phả các tộc họ trong làng chép: “Vào thời Hậu Lê, vâng mệnh triều đình, các vị tiền nhân của làng cùng hành phương Nam để mở mang bờ cõi, trấn giữ biên thùy...”. Tổ tiên của các tộc này đều gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra và có mặt tại vùng đất này vào khoảng thế kỷ XV.
Cụ Hà Một (102 tuổi, người cao niên nhất làng) dẫn lời các cụ xưa, kể rằng: Ngày ấy có 6 vị kết nghĩa anh em, nguyện đồng sanh đồng tử, chọn mảnh đất này để chiêu dân, lập ấp, khai khẩn đất đai. Hơn 200 xứ đồng đất đai màu mỡ, 1.800 mẫu điền thổ phì nhiêu, các vị chọn bờ đạc để phân định ranh giới, trích chung điền để xây đình làm nơi thờ cúng Thành hoàng và hội hè tế lễ. Cụ Một cắt nghĩa: Bờ đạc là cách gọi xưa, chỉ bờ đắp bằng đất bề ngang 2m, cao 1m để phân định ranh giới đất làng này với làng khác; Chung điền là ruộng chung của sáu giáp (từ Nhứt Giáp đến Lục Giáp), dân hai làng Phong Ngũ và Phong Lục đang canh tác 5,4 mẫu làm nguồn thu cho quỹ Khuyến học của xã Điện Thắng Nam.
Theo Bắc địa tấu từ (bài tấu tâu về đất Bắc) do Viện Sử học Việt Nam công bố trong tập san Nghiên cứu lịch sử số 5-1993, ngày đó 6 anh em kết nghĩa đồng tâm lập 6 làng, khai 6 xã hiệu với các tên gọi theo thứ tự từ Nhứt (Nhất) đến Lục. Có 4 xã nay thuộc phường Điện An, gồm: Phong Đại xã nhứt hiệu tức Nhứt Giáp (Phong Nhứt); Phong Trung xã nhị hiệu tức Nhị Giáp (Phong Nhị); Ngọc Ba (Hoa) xã tam hiệu tức Tam Giáp (Ngọc Tam); Châu Minh xã tứ hiệu tức Tứ Giáp (Ngọc Tứ). Có 2 xã nay thuộc xã Điện Thắng Nam, gồm: Phong Niên xã ngũ hiệu tức Ngũ Giáp (Phong Ngũ); Khả Phong xã lục hiệu tức Lục Giáp (Phong Lục).
Cộng đồng làng được duy trì trong suốt chế độ phong kiến và những nét văn hóa tốt đẹp của làng được lưu giữ mãi đến ngày nay.
Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, làng Phong Ngũ thuộc phần đất bảo hộ, nằm phía Nam thành Tourane (tức Đà Nẵng) - “nhượng địa” của Pháp.
Sang đầu thế kỷ thứ XX, khi huyện, phủ tổ chức thành những đơn vị hành chính riêng, làng Phong Ngũ thuộc tổng Hạ Nông Trung, phủ Điện Bàn.
Sau tháng 8-1945, chính quyền cách mạng được thành lập, do yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc, chính phủ chủ trương xóa bỏ cấp tổng, phủ Điện Bàn được đổi thành huyện Điện Bàn gồm có 115 làng. Đầu năm 1946, sáp nhập 115 làng này thành 37 xã, làng Phong Ngũ thuộc xã Châu Phong. Tháng 11-1948, do yêu cầu tập trung lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, cấp trên quyết định sáp nhập xã lần thứ hai, huyện Điện Bàn từ 37 xã nhập lại thành 11 xã, làng Phong Ngũ (thôn Tư) thuộc xã Điện An.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, chính quyền Sài Gòn chia lại địa giới hành chính, thay tên gọi làng xã nhằm thiết lập bộ máy của chính quyền cơ sở. Làng Phong Ngũ tách ra khỏi xã Điện An để thành lập xã mới với tên gọi là xã Thanh Trường thuộc Tiểu khu hành chánh Thanh Quýt.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Cuối năm 1962, Khu ủy Khu 5 quyết định chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Điện Bàn đã sắp xếp và quyết định lấy 7 thôn của các làng Phong Ngũ, Phong Lục, Thanh Tú, An Tự, Thanh Quýt, Bồ Mưng và Viêm Tây thành lập xã Điện Thắng.
Ngày 7-7-2005 thực hiện Nghị định số 85/NĐ-CP/2005 của Chính phủ, xã Điện Thắng được chia thành 3 xã: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam. Làng Phong Ngũ thuộc xã Điện Thắng Nam.
Từ thế kỷ XVII, khi thương cảng Hội An trở thành nơi phát triển cực thịnh của xứ Đàng Trong, làng Ngũ Giáp (Phong Ngũ), với tên gọi dân gian là Giáp Năm, ngoài việc giao lưu buôn bán thuận lợi, còn nổi tiếng với nghề dệt vải và trồng thuốc lá thời bấy giờ: Kìa ai từ Phố ra Hàn/ Đi qua Vĩnh Điện nhớ làng Giáp Năm/ Giáp Năm, Thanh Quýt chớ nhầm/ Giáp Năm vải, thuốc quanh năm mãn mùa. (Phố: Hội An; Hàn: Đà Nẵng).
Ngày xưa dân gian quen gọi làng Ngũ Giáp (tiền thân của làng Phong Ngũ) là làng Giáp Năm bởi có chiếc cầu Giáp Năm nối nhịp hai bờ của dòng sông đào từ sông Thu Bồn đến sông Vĩnh Điện (dân gian gọi là sông Cái), nơi gặp gỡ giao lưu của những chàng trai cô gái trên bước hành trình xuôi ngược của dặm đường thiên lý Bắc Nam, một địa danh đã đi vào lịch sử văn hóa và thi ca của vùng đất xứ Quảng.
Cô gái hát mở lời: Gặp anh hùng thiếp hỏi anh hùng/ Cầu chi đi mười hai tháng phân cùng cho thiếp nghe?
Và chàng trai hát đáp lại: Kim Liên, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu/ Quảng Nam ta có mấy cầu dài thay/ Ra sức đi chưa tới nửa ngày/ Lẽ mô lại phải đi rày một năm/ Bạn hỏi ta, ta nghĩ cũng nhằm/ Cầu đi mười hai tháng có cầu Giáp Năm đó bạn tề.
Như vậy, hơn 500 năm trước, từ một vùng đất hoang vu, cỏ cây um tùm với nhiều thú dữ, nhờ sức người, nơi đây đã trở thành một làng quê với ruộng vườn xanh tốt gắn với đời sống dân cư qua nhiều thế hệ. Quá trình hình thành và phát triển, làng quê đã để lại những giá trị sâu sắc, được lưu giữ trong hình ảnh của cây đa, bến nước, sân đình, trong tiếng chuông chùa bình yên mỗi sáng sớm, trong không khí ấm áp mùa xuân của buổi lễ tế đình làng, tộc họ.
Một làng Ngũ Giáp, Giáp Năm xưa và Phong Ngũ ngày nay mang vẻ đẹp độc đáo của làng quê Việt Nam với những nét rất riêng dẫu trải qua dòng chảy của lịch sử với bao biến đổi thăng trầm.
HÀ SÁU