Chuyện xưa xứ Quảng

Thơ của người nông dân

06:50, 01/05/2022 (GMT+7)

Nói đến ông Huỳnh ở Điện Thắng thì cả làng trên xóm dưới ai cũng biết đó là một nông dân chất phác, không được học hành nhưng có tài hùng biện, ứng xử tinh thông, có năng khiếu thơ ca, hò vè.

Đình Phong Ngũ hiện nay, nơi diễn ra buổi lễ ngày xưa trong bài thơ Việc làng. Ảnh: H.S
Đình Phong Ngũ hiện nay, nơi diễn ra buổi lễ ngày xưa trong bài thơ "Việc làng". Ảnh: H.S

Ông Huỳnh tên thật là Hà Đức Xoài, SN 1874 tại làng Phong Ngũ, nay là thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mỗi khi trong làng có sự kiện gì thì ông ứng tác ngay và truyền miệng khắp làng.

Cháu nội ông, bà Hà Thị Xi năm nay 90 tuổi, thuộc nằm lòng những bài thơ, bài vè của ông và thường hát theo điệu hò khoan. Ông có trên vài chục bài thơ, bài vè được lưu truyền. Đáng nhớ nhất là các bài: Việc làng, Con cúi (một chi tiết trong khung cửi dệt vải), Hát ru, Gà trống nuôi con…

Trong đó, nổi tiếng nhất là bài Việc làng, gồm 24 câu thơ lục bát, được ông Huỳnh sáng tác vào tháng Giêng, phản ánh đầy đủ các nhân vật lịch sử, tính cách xã hội và thân phận của từng người một cách trung thực, khách quan. Bài thơ mở đầu bằng 2 câu mô tả lễ Minh niên, lễ cúng đầu năm vào mồng 4 tháng Giêng tại đình Phong Ngũ: Minh niên lễ lệ cầu an/ Ông lớn, ông nhỏ trong làng đi ra.

Từ câu thứ 3 đến câu thứ 16, ông “điểm danh” 7 vị chức sắc tiêu biểu của làng, từ ngũ phẩm đến cửu phẩm có mặt trong buổi lễ. Người đầu tiên là ông Đốc học Hà Đằng hàm Chánh ngũ phẩm: Giáp Năm nghĩ cũng vinh hoa/ Có ông quan Đốc vậy mà thiệt to. Ông Đốc là chức sắc cao nhất làng Giáp Năm, tức Ngũ Giáp, tên gọi trước đây của làng Phong Ngũ. Trong Gia phả tộc Hà làng Phong Ngũ còn lưu thủ bút của ông: “Thập niên chánh nguyệt, bổ lĩnh Quảng Nam tỉnh tân ban nhị hạng Đốc học”. Người đời sau dịch: Tháng Giêng năm Duy Tân thứ 10 (1916) đuợc bổ làm Đốc học hạng 2 tỉnh Quảng Nam”.

Người thứ hai là ông Thất Ba, tên thật Võ Văn Vỹ, hàm Chánh thất phẩm Võ giai do Bộ Lễ phong tặng, tương ứng Tri huyện. Với tướng diện oai phong, ông mặc võ phục sang trọng ra dự việc làng: Thất Ba ngoài Bộ phong cho/ Thi hành công vụ không lo bên đồ (“đồ” nghĩa là trang phục).

Kế đó 2 vị bát phẩm. Ông Bát Phối (Hà Đức Phối), hàm Chánh bát phẩm tương đương cán bộ cao cấp của Bộ nhưng ông đã về hưu nên đời sống khó khăn, chuẩn bị trang phục ra trước làng thật là khó, chạy cái ăn cái mặc cho con cái còn không ra, huống gì... Bát Phối khó biết chừng mô/ Trong nhà thiếu thốn chạy đồ không ra. Ông Bát Lựu (Hà Đức Lựu), một trong những gia đình bề thế, được tác giả phản ánh qua 2 câu thơ: Bát Lựu còn mẹ, còn cha/ Anh em vinh hiển cửa nhà chính chuyên.

Hàng cửu phẩm có 2 vị. Ông Cửu Xị (Võ Văn Chai) đi lính thời Pháp lên chức cai đội sau qua Pháp rồi trở về vẫn tại chức: Cửu Xị có phước có duyên/ Qua Tây đi lính còn quyền trở qua. Tháng 8-1939, chính phủ Pháp đưa người Việt Nam sang làm lính thợ trong các nhà máy và công xưởng tại Pháp. Tháng 6-1940, số lính thợ này hồi hương, trong đó có ông Cửu Xị. Dựa vào hai câu thơ này, có thể khẳng định Việc làng được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian sau năm 1940 và trước năm 1945.

Ông Cửu Hoành (Hà Đức Hoành) được phong chức chịu trách nhiệm thu các loại thuế gọi là thuế sứ. Khi ấy, ông đã ngoài 50 tuổi nhưng có tài hùng biện, nói to, rõ ràng, mạch lạc: Cửu Hoành đầu đã râm hoa/ Buổi xưa kia có một ông già làm quan.

Ông Chánh Hảo (Hà Đức Hảo) là nhà kinh tế, địa chủ giàu có của làng; con ông là Cửu Khoan (Hà Đức Khoan). Hai chức này là chức thưởng không phải chức văn giai: Chánh Hảo có một Cửu Khoan/ Trong nhà hào phú sửa sang con người.

Từ câu thứ 17 đến câu thứ 24, tác giả phản ánh cách tổ chức việc làng dưới thời phong kiến, quan viên hào lý thì đông nhưng chỉ có 4 người tuổi trẻ phục vụ lễ hội: Viên, quan, hào, lý kể cả đôi mươi/ Bốn chú dịch mục con người còn xuân. Mặc dù việc làng là việc của lý trưởng phải lo nhưng các ông này chỉ tay năm ngón, còn dịch mục thì chạy chân không bén đất: Xã Ba, xã Bảy có chừng/ Mấy chú dịch mục cái chân chạy dồn.

Bốn câu cuối như lời oán thán về thân phận thấp hèn của dân đinh trong xã hội thời phong kiến: Phận tôi đây như khúc gỗ tròn/ Sai đâu chạy đó cũng còn thằng dân/ Nào là công ích, công ngân/ Công tác tạp dịch nghĩ cái thân thậm tồi. Tác giả dù không biết lấy một chữ “nhất một” nhưng đã ví những người dịch mục chạy việc trong làng như khúc gỗ lăn tròn, dù có thế sự đổi thay thế nào thì vẫn là người dân chân chính. Tính rắn chắc và lập trường giai cấp vững vàng được hình tượng hóa là “khúc gỗ lăn tròn”.

Tám câu kết mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc, phản ánh thực thể xã hội và cộng đồng làng xã. Bằng ngôn ngữ dân gian, phổ biến, có sức sống lâu bền với thời gian, tác giả đã bày tỏ những lời tự sự về phận người và khát vọng vươn đến sự công bằng xã hội.

Bài thơ được một nông dân chất phác sáng tác, không chỉ chứa đựng nội dung sâu sắc mà còn mang tính nghệ thuật văn học độc đáo.

Gần một thế kỷ đi qua nhưng Việc làng của ông Huỳnh, đối với người dân Phong Ngũ, là tác phẩm văn học dân gian có sức sống bền lâu mà bằng chứng là rất nhiều bậc cao niên nơi này vẫn còn ngâm nga mỗi khi có dịp...

HÀ SÁU

.