.

Ném thẻ tre khen diễn viên tuồng

.

* Bài “Hơi thở của làng” đăng trên báo Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 2-3 vừa qua có nói về việc ném thẻ tre khen diễn viên hát tuồng. Xin cho biết thể lệ ném thẻ này như thế nào và giá trị của giải thưởng được tính ra sao? (Trần Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Nhặt thẻ tre thưởng diễn viên tại đêm diễn tuồng ở đình làng Hòa Mỹ đêm 21 tháng Giêng năm Giáp Ngọ vừa qua. Ảnh: V.T.L
Nhặt thẻ tre thưởng diễn viên tại đêm diễn tuồng ở đình làng Hòa Mỹ đêm 21 tháng Giêng năm Giáp Ngọ vừa qua. Ảnh: V.T.L

- Theo bài “Hát thứ lễ” đăng trên thuvienbinhdinh.com, ngày trước, việc nhận tiền thù lao của ban hát bội (hát tuồng) thường có hai cách theo thỏa thuận. Một là gia chủ trả một khoản có chừng. Còn ở các đám hát thứ lễ của xóm, làng, đình, miễu… thì hát thưởng. Đoàn hát hay thì thưởng nhiều, hát dở thì thưởng ít. Trước, hát thưởng thường có thẻ bằng tre sơn một đầu đỏ, mỗi thẻ quy ra bao nhiêu tiền có chừng. Sau này không dùng thẻ mà dùng tiền lẻ cột thành xâu đặt cạnh người cầm chầu giữa. Nếu hát hay, đúng cách thì tùy theo tiếng trống mà ném tiền lên sân khấu nhiều hay ít. Khán giả xung quanh nhiều khi hứng chí còn rút tiền “thưởng” lên sân khấu trong tiếng trống “khen” đổ hồi thúc giục. Nếu hát sai tuồng, lỗi điệu thì bị ăn tiếng gõ “tang” vào tang trống đến ê mặt của người cầm chầu.

Hình thức ném thẻ tre thưởng diễn viên tuồng đã được mô tả trong bài Xem “tuồng chân đất” đăng trên Nguyệt san báo Bình Định tháng 5-2007 như sau:

“Phía trước sân khấu có một cái bàn chầu, trên bàn có mấy khay thẻ để người cầm chầu thưởng cho diễn viên. Thẻ được làm bằng thanh tre vót mỏng, nhuộm màu đỏ. Hai bên bàn chầu có hai cái trống chầu lớn, đặt trên giá gỗ ba chân. Người cầm chầu là người đại diện khán giả, am hiểu diễn viên, điệu hát, nội dung tuồng. Để được cầm chầu, họ phải chuẩn bị sẵn tiền và sẵn sàng thưởng cho diễn viên mỗi lần vung chầu lia lịa. Đó cũng là điểm khác biệt giữa tuồng với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác (khán giả thưởng bằng những tràng vỗ tay, hoặc tặng hoa). Nếu diễn viên hát dở hoặc có thái độ không tốt họ cũng có quyền phạt qua cách đánh chầu”.

Đôi lúc thẻ tre còn dùng làm “vũ khí” để “trị tội” những nhân vật đáng ghét trên sân khấu tuồng. Sân khấu Bình Định có giai thoại kể rằng, có lần nghệ nhân Bình Trọng (Nhơn Hòa - An Nhơn) đóng vai tên nịnh Phụng Kỳ trong vở tuồng “Phụng Kỳ soán đế” quá đạt khiến cho khán giả căm ghét nhân vật ông thủ diễn. Người cầm chầu cầm cả nắm thẻ thưởng cố ý ném thẳng vào mặt cái tên nịnh rất dễ ghét ấy cho hả giận mà quên hẳn rằng cái thẻ tre vốn chỉ dùng để thưởng.

Khi vãn tuồng, không khí nghệ thuật đã lắng xuống, tên nịnh thần Phụng Kỳ biến khỏi sân khấu và quay lại thực tại là nghệ nhân Bình Trọng. Người cầm chầu bấy giờ chạy vào hậu trường tìm ông, nhỏ nhẹ bảo: Anh đóng quá đạt làm tôi ghét cái thằng nịnh ấy quá, quên là đang xem hát bộ, may mà ném không trúng mặt anh, xin anh bỏ qua cho. Bình Trọng cười thoải mái: Tôi biết rồi, xin cảm ơn anh.

Trở lại với câu hỏi ở trên. Tối 12 tháng Giêng vừa qua, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng đã cống hiến bà con làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, một đêm diễn tuyệt vời. Ba người cầm chầu thay phiên nhau gõ trống và ném thẻ tre khen thưởng diễn viên để lưu giữ một tục lệ rất hay chỉ có ở nghệ thuật tuồng.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.