Cửa sổ tri thức

Điện toán đám mây và Dropbox

16:03, 26/06/2015 (GMT+7)

* Tôi thỉnh thoảng nghe bạn bè nói đến thuật ngữ “điện toán đám mây” và khuyên tôi sử dụng Dropbox, một ứng dụng của công nghệ này, để có thể truy cập tài liệu của mình trên Internet bất cứ ở đâu và lúc nào. Xin cho hỏi, “điện toán đám mây” và Dropbox ra đời như thế nào và mang lại lợi ích cho người sử dụng Internet ra sao? (nguyenquang7123@...).

- Thuật ngữ điện toán đám mây (tiếng Anh: cloud computing) ra đời giữa năm 2007, chỉ các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ và các dịch vụ sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Phần lớn người dùng Internet đã tiếp cận những dịch vụ đám mây phổ thông như e-mail, album ảnh và bản đồ số.

Một trong những ứng dụng của điện toán đám mây là Dropbox. Đây là dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến miễn phí, cho phép người dùng mang theo tất cả hình ảnh, tài liệu và video tới bất cứ nơi nào. Tập tin của người sử dụng Internet một khi đã lưu vào Dropbox sẽ tự động lưu vào máy tính, điện thoại của họ và cả trên website Dropbox. Bất kỳ file nào lưu trữ vào Dropbox cũng có thể được truy cập từ bất kỳ đâu thông qua máy tính hay điện thoại.

Dropbox được thành lập vào năm 2008, được phát triển từ ý tưởng trao đổi file dữ liệu của 2 sinh viên ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - viết tắt tiếng Anh Massachusetts Institute of Technology) Drew Houston và Arash Ferdowsi. Trước đó, có lần quên mang theo ổ USB nên Drew Houston bứt rứt vì không có dữ liệu để làm việc trên máy tính, từ đó anh chàng bỗng nảy ra ý tưởng tạo ra một “ổ cứng” trực tuyến, không chỉ giải quyết được vấn đề lưu dữ liệu mà còn có thể truy cập mọi lúc mọi nơi thông qua Internet.

Phần mềm Dropbox giúp cho người sử dụng Internet dễ dàng chia sẻ tài liệu cho nhiều người. Dropbox không chỉ giúp lưu dữ liệu mà nó còn có nhiều chức năng hữu ích chẳng hạn tự động tải ảnh chụp, video từ camera, máy tính bảng hoặc điện thoại di động. Trước đây dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng hay chép vào DVD luôn khiến người xài máy vi tính hồi hộp, bởi chúng có thể mất sạch sành sanh nếu ổ cứng bị “chết cứng” hoặc DVD bị hư hỏng. Giờ thì có thể “bình chân như vại”, bởi về lý thuyết, dữ liệu “gửi” trong Dropbox sẽ được lưu trữ vĩnh viễn! Có người nói đùa rằng do chúng nằm “trên mây” (clouding) nên không ai có thể làm “tổn thương” đến chúng.

Hiện nay, việc lưu trữ dữ liệu trên đám mây bằng Dropbox (cùng với các dịch vụ khác như Google Drive, SugarSync) đã trở nên phổ biến giúp cho người dùng giữ cho các tài liệu của mình luôn được an toàn, hơn nữa lại tiện lợi trong việc đồng bộ và chia sẻ trên các thiết bị khác nhau. Những ưu điểm của ứng dụng này là cung cấp dung lượng lưu trữ miễn phí khá lớn cho người dùng và cho phép khôi phục các dữ liệu bị xóa hoặc bị thay đổi trong quá khứ, và cũng không hạn chế dung lượng chia sẻ như trên Gmail, Yahoo Mail.

Hàng trăm trường đại học với hàng trăm nghìn sinh viên trên thế giới đang sử dụng Dropbox. Trong khi đó ở Việt Nam có chưa tới 50 trường đại học với số sinh viên khiêm tốn có thể chưa lên đến 10.000. Tức là chưa bằng 1/2 số sinh viên đang sử dụng Dropbox ở Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore).

Theo tờ Wall Street Journal, doanh thu Dropbox tăng đến chóng mặt, từ 12 triệu USD năm 2010 vọt lên 116 triệu USD vào năm 2012. Nếu còn sống, Steve Jobs chắc phải ê mặt: Năm 2011, vị cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple này từng thề sẽ “luộc chín” Dropbox vì “tội” không đồng ý bán công ty mình cho “Quả táo cắn dở”!

ĐNCT

.