Cửa sổ tri thức
Mặc cảm Ê-đip
* Thỉnh thoảng tôi được nghe một số người trong lúc chuyện trò về sự phát triển giới tính và nhân cách của trẻ có nói đến cụm từ “Mặc cảm Ê-đip”, nhưng thú thực chẳng hiểu mô tê gì. Xin quý báo giải thích giùm. (Trần Hoàng, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Ê-đíp là phát âm tiếng Việt của Oedipus (hoặc Oedipia) - tên của một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là người giết cha, cưới mẹ, thắng con nhân sư quái ác rồi trở thành vua xứ Thebes (Hy Lạp)
Theo thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes. Trước khi Oedipus ra đời, có một lời sấm tiên đoán rằng chàng sẽ giết vua cha và cưới mẹ mình. Vì vậy, vua và hoàng hậu bàn nhau phải giết Oedipus để tránh hậu họa như sấm truyền.
Thế nhưng, cuối cùng Oedipus thoát chết và được một người khác nuôi. Khi chàng lớn lên thì xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con sphinx (nhân sư – quái vật đầu người mình sư tử) quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được sẽ bị nó xé xác. Nghe tin, vua Laius đi tới trả lời câu hỏi của nó và gặp Oedipus. Cha con không biết nhau, trong lúc tranh cãi về hướng đi, Oedipus ra tay giết chết cha và cậu mình (anh của hoàng hậu Jocasta). Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: “Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân?”. Oedipus đáp ngay: “Đó là con người”. Con nhân sư bị thua, nó đổ mình xuống mà chết.
Hoàng hậu Jocasta nhờ mang chiếc vòng thanh xuân nên vẫn giữ được sự trẻ trung và nhan sắc của mình. Oedipus về sau gặp và cưới Jocasta mà không hay biết đó chính là mẹ mình rồi lên ngôi vua xứ Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà cả chàng và mẹ mình đều không hay biết.
Ngày kia, một hầu cận già của vua Laius cho biết Oedipus là kẻ giết vua cha. Oedipus đau khổ, hoàng hậu Jocasta tự tử. Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu chọc mù mắt mình và lặng lẽ bỏ đi. Oedipus sống trong sự đau khổ cho đến khi lìa đời.
Câu chuyện của Oedipus là chủ đề những vở bi kịch của Sophocles (một trong ba nhà viết bi kịch nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ), vở “Nhà vua Oedipus”, tiếp theo là “Oedipus tại Colonus” và sau đó là “Antigone”. Oedipus đại diện cho hai chủ đề thường gặp trong kịch và thần thoại Hy Lạp, đó là bản chất sai lầm của nhân loại và số phận của một cá nhân trong dòng chảy số phận nghiệt ngã của vũ trụ.
Xuất phát từ bi kịch của Sophocles, Sigmund Freud (một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo, cha đẻ của ngành phân tâm học) dùng thuật ngữ “Mặc cảm Oedipus” dùng cho con trai và “Mặc cảm Electra” (Electra là tên một nữ nhân vật Hy Lạp giết mẹ để trả thù cho cha mình là Agamemnon đã bị chính mẹ mình ám sát) dùng cho con gái để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ 3 đến 7 tuổi: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình.
“Mặc cảm Oedipus”, theo mô tả của Sigmund Freud, bé trai khoảng 3 tuổi cứ khư khư đòi được mẹ ôm hôn và âu yếm nhiều hơn. Đối với bé gái, “Mặc cảm Electra” bắt đầu khi bé quyến rũ bố, cuộn tròn trong lòng bố và tìm cách lôi kéo sự chú ý của bố, trong khi mẹ lại biến thành vừa là đối thủ vừa là người mẫu của bé.
Để ra khỏi tình trạng này, một đứa trẻ độ tuổi 3 đến 7 có thể thôi cố chiếm chỗ của bố hay mẹ khác giới nó bằng cách kiềm chế cảm xúc và đam mê thành vô thức. Đây là điều Freud gọi là hóa giải diễn ra từ từ. Vào độ 5 hay 6 tuổi, các bé gái bắt đầu muốn làm tất cả mọi thứ như mẹ nó, còn các bé trai muốn làm tất cả như cha mình.
Mặc cảm Oedipus/ Mặc cảm Electra là sự cự tuyệt vô thức và bình thường đối với bố hoặc mẹ cùng giới tính với trẻ, do sự hình thành tình yêu cho bố hoặc mẹ ở giới tính kia, diễn ra giữa độ tuổi 3 đến 7. Mặc cảm này sẽ tự mất đi qua quá trình đồng hóa dần với bố hay mẹ cùng giới của trẻ.
ĐNCT