Cửa sổ tri thức

Một câu đối, bốn giai thoại

09:31, 17/10/2015 (GMT+7)

* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần ngày 11-10 vừa qua có nói về những câu đối chơi chữ quá đắt chưa ai đối đặn, rất thú vị. Riêng tôi từng nghe có người đọc câu đối “Bỏ ngai vàng, quyết giữ nòi vàng và khoán sắt/ Vung cờ đỏ, cho yên con đỏ với lòng son” và bình rằng câu đối này có liên quan đến 4 giai thoại về một nhân vật lịch sử Việt Nam. Rất mong quý báo nói rõ về 4 giai thoại này. (Trần Văn Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

- Câu đối này viết đầy đủ là: Bỏ gậy sắt, bỏ ngai vàng, quyết giữ nòi vàng và khoán sắt/ Vung hịch son, vung cờ đỏ, cho yên con đỏ với lòng son, được cho là do cụ Quả Ngôn người làng Hội Thống, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chấp bút viết về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cả hai vế đối 26 chữ dù đã lặp mất 12 chữ (gần một nửa) nhưng vẫn đạt ý nghĩa thâm hậu, toát lên chí quật cường, lòng trung nghĩa của một con người cụ thể thì đủ biết tác giả đã dụng công, vận trí tài tình đến mức  nào. Độc đáo hơn, có đến 4 giai thoại ẩn chứa trong nội dung câu đối rất hay này.

Bỏ gậy sắt: An Sinh vương Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn, bị Trần Thủ Độ ép buộc phải nhường vợ cho Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông, em ruột của Trần Liễu). Trần Liễu quá uất ức, đem quân chống lại nhưng thất bại; tuy được Trần Cảnh tha tội chết nhưng lòng vẫn ôm hận, muốn con mình phải trả thù nhà. Cả hoàng tộc đều biết chuyện nên khi Hưng Đạo Vương được gần gũi vua Trần, nhiều người e ngại rằng Hưng Đạo sẽ xuất kỳ bất ý mà hãm hại vua để trả thù cho cha?

Biết sự hoài nghi kín đáo ấy, Hưng Đạo Vương luôn luôn giữ lễ nghĩa vua tôi thật đúng mực. Một lần, cùng vua Trần Nhân Tông dạo chơi, ông thoáng thấy có người nhìn chăm chú vào mũi bọc sắt nhọn nơi đầu gậy ông cầm ở tay. Ông hiểu ý, lẳng lặng bẻ gậy làm đôi, vứt đầu có bịt sắt đi và chỉ giữ phần còn lại. Ông không nói gì, những kẻ đứng quanh đó cũng đều im lặng. Nhưng họ tỏ vẻ kính phục và hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng trung trinh của ông với vua, với nước.

Bỏ ngai vàng: Bị nhục mất vợ lại chịu ơn tha chết, Trần Liễu luôn ấp ủ trong lòng mình một mối thù chờ ngày đáp trả. Khi sống, biết mình không hành động được gì nên trước khi mất, ông đã gọi Trần Quốc Tuấn lại dặn dò, rằng Quốc Tuấn phải cướp ngôi vua để trả thù, rửa nhục cho mình. Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải.

Về sau, ông đã có chủ định rồi nhưng muốn đem chuyện xưa hỏi những viên tướng thân cận để thử lòng. Họ đều nói là không nên. Chỉ có con ông là Trần Quốc Tảng tỏ ý nên làm theo lời trối mà cướp ngôi vua. Ông nổi giận, rút gươm toan chém chết Quốc Tảng thì chư tướng can ngăn. Ông bèn đuổi đi, không cho Quốc Tảng được thấy mặt mình nữa.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chứng tỏ mình không ham ngai vàng. Chuyện này lan ra, mọi người càng thêm kính phục ông, tôn vinh phẩm chất của ông.

Vung hịch son: Ám chỉ Hưng Đạo Vương là tác giả bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường được gọi là Hịch tướng sĩ), một bản hùng văn đã làm nức lòng tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược (một tác phẩm của Hưng Đạo Vương) chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.

Vung cờ đỏ: Trên cương vị Quốc Công Tiết chế tổng chỉ huy quân đội, ông đã giương cao cờ lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ba lần chiến thắng oanh liệt, đẩy lùi cuộc xâm lược của phương Bắc.

ĐNCT

.