Cửa sổ tri thức
Xướng họa thơ giữa vua Càn Long và vua Quang Trung
* Vua Càn Long bên Tàu và vua Quang Trung nước ta đã có một cuộc xướng họa thơ rất kỳ thú. Xin quý Báo cho biết cụ thể về việc này. (Quý Thần, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Bị bẽ mặt sau trận thua liểng xiểng ở gò Đống Đa, vua Càn Long triều Thanh bên Tàu đành chấp nhận lời cầu phong của hoàng đế Quang Trung và dành cho vị vua Đại Việt một nghi lễ ngoại giao trọng thị, ban cho nhiều báu vật và bài thơ do chính tay Càn Long viết tặng Quang Trung.
Qua cách tiếp đón của nhà Thanh, nhất là qua hai bài thơ xướng – họa, ta thấy được vị thế của Quang Trung đã làm thay đổi chính sách của Càn Long đối với nước ta. Hai bài thơ này được chép trong cuốn “Đại Việt quốc thư” (Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục - Sài Gòn, 1973).
Bài xướng của Càn Long:
Doanh phiên nhập cận trị thời tuần/ Sơ kiến hồn như cựu thức thân/ Y cố vị vãn lai Tượng quốc/ Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân/ Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch/ Gia hội ư kim miễn thế nhân/ Vũ yển văn tu thuận thiên đạo/ Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân.
Nội dung bài thơ nói lúc vua Quang Trung sang chầu thì vua Càn Long đang đi tuần thú (thời tuần). Cả hai mới gặp mà ngỡ như đã thân nhau lâu rồi. Từ trước chưa có lệ vua Tượng Quốc (Tượng Quốc tức Tượng Quận, tên gọi chỉ nước ta thời nhà Hán đô hộ) sang chầu vua Trung Quốc. Chuyện bắt cống nạp người bằng vàng của triều trước (thời nhà Minh nước ta phải làm tượng người bằng vàng để đền mạng tướng Minh là Liễu Thăng bị quân ta chặt đầu) thật đáng khinh bỉ. Nay sẽ nghỉ việc võ gắng việc nhân, dùng văn là thuận với đạo trời.
Bản dịch của Hoàng Văn Hòe:
Vào chầu vừa gặp buổi thời tuần/ Mới thấy mà như kẻ vẫn thân/ Thuở trước có đâu chầu Tượng quốc/ Đời xưa đáng bỉ việc kim nhân/ Kẻ xa không quản bao đường trạm/ Hội tốt từ nay gắng việc nhân/ Nghỉ võ, sửa văn là phải lối/ Nhà Thanh lâu mãi vạn nghìn xuân.
Hoàng đế Quang Trung cũng có bài họa lại (có sách nói là vua sai Phan Huy Ích làm) như sau:
Thượng tái cung chiêm ngọc lộ tuần/ Khuynh quỳ nhất niệm hiệu tôn thân/ Ba trừng Quế Hải tuân hầu độ/ Nhật noãn minh giai kiến thánh nhân/ Vạn lý thê hàng quy hữu cực/ Cửu trùng vũ lộ mộc đồng nhân/ Kiền hành cảnh ngưỡng vô cương thọ/ Phả suất tư đào Đế thế xuân.
Trong bài thơ này, vua Quang Trung khiêm nhường tự ví mình như rau quỳ, rau hoắc, cành lá đều nghiêng về phía mặt trời, ngụ ý bề tôi bao giờ cũng nghiêng lòng thờ vua. Quế Hải (hai quận Quế Lâm và Nam Hải – tên gọi nước ta thời nhà Hán đô hộ) được “sóng êm, nắng ấm” như thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Mấy câu cuối ca ngợi, chúc tụng vua Càn Long.
Bản dịch của Hoàng Văn Hòe:
Triều cận vừa khi ngọc lộ tuần/ Một lòng quỳ, hoắc gắng tôn thân/ Sóng êm bể quế theo hầu độ/ Trời ấm thềm minh thấy thánh nhân/ Muôn dặm thang buồm về hữu cực/ Chín tầng mưa móc khắp điều nhân/ Quẻ kiền nguyện chúc muôn năm thọ/ Góc bể chân trời một cảnh xuân.
Xem xong tờ biểu và thơ, Càn Long thích chí và phê ngay: “Vui bằng lòng, vui bằng lòng thể thơ họa lại cũng hay và phải lẽ…”.
Chuyện xướng họa giữa hai vua Trung Quốc và Đại Việt được nhiều người bình luận, như tác giả Khả Xuân trong bài “Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào?” đăng trên Báo Bình Định số ra ngày 17-2-2006 như sau:
“Thế là chỉ một thời gian ngắn sau thất bại thảm hại ở nước ta, quan hệ bang giao giữa hai nước đã được thiết lập, tránh được cuộc đổ máu lần thứ hai giữa lúc đất nước còn muôn vàn khó khăn chồng chất. Cũng nên nhắc lại rằng, trong lịch sử phong kiến hai nước, chưa bao giờ vị thế của nước ta lại vững vàng như dưới thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Điều đó cho thấy Quang Trung - Nguyễn Huệ là một lãnh tụ biết nhìn xa trông rộng, không những là một nhà quân sự thiên tài mà còn là một tài năng lỗi lạc trên lĩnh vực ngoại giao và nhiều lĩnh vực khác nữa”.
ĐNCT