Cửa sổ tri thức
Tiền cheo và lễ lại mặt
* Ca dao có câu “Giúp em quan tám tiền cheo. Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Xin cho hỏi “tiền cheo” là tiền gì? Lễ lại mặt có ý nghĩa thế nào? (Hoài Hương, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Theo tác giả Văn Tân trong “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội - 1997, tr. 22 - 23), tiền nạp cheo (hay treo) là khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt.
Theo đó, xuất xứ của lệ “Nạp cheo” là tục “Lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Đầu tiên thì người ta tổ chức đón mừng hôn lễ, người ta chúc tụng, có nơi còn đốt pháo mừng. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu cũng đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng.
Dần dần có những người làm ăn bất chính, lợi dụng cơ hội cũng chăng dây, vòi tiền, sách nhiễu, trở thành tục lệ xấu. Vì thói xấu lan dần, gây nhiều cản trở, triều đình phải ra lệnh bãi bỏ. Thay thế vào đó, cho phép làng xã được thu tiền cheo. Khi đã nạp cheo cho làng, tức là đám cưới được làng công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi.
Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, thì tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Nạp cheo so với chăng dây là tiến bộ. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng vào việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng... Nhưng nhiều nơi chỉ cung đốn cho lý hương chè chén.
Đã hơn nửa thế kỷ, lệ này bị bãi bỏ. Thanh niên ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao - tục ngữ như: Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng; Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối; Ông xã đánh trống thình thình/ Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo; Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau…
Về lễ lại mặt, ở tr. 34 – 35 sđd, giải thích như sau:
Lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái sau đó đón bố mẹ và vài thân nhân sang nhà chú rể. Kể từ buổi đó, mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà chú rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu (có nơi cả bố) không đi đưa dâu.
Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tùy theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày. Thành phần chủ khách rất hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình.
Trường hợp hai nhà xa xôi cách trở, ông già bà lão thì nên miễn cho nhau, cô dâu chú rể nếu bận công tác cũng nên được miễn thứ.
Nếu điều kiện cho phép thì nên duy trì, vì lễ này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp: (1) Nhắc nhủ con đạo hiếu, biết tạ ơn sinh thành, coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình; (2) Thắt chặt và mở rộng mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm được nhân đôi; (3) Hai gia đình cùng trao đổi rút kinh nghiệm về việc tổ chức hôn lễ và bàn bạc về trách nhiệm của hai bên bố mẹ trong việc tác thành cuộc sống cho đôi trẻ trong tương lai.
Sđd cũng cho biết ngày trước nhiều nơi phỏng theo cổ tục Trung Quốc mà đưa ra cái lệ rất khắt khe trong lễ lại mặt. Nếu lễ lại mặt có cái thủ lợn (đầu heo) cắt lỗ tai tức là ngầm báo với nhà gái rằng nhà trai trả lại, vì con gái ông bà đã mất trinh.
(Đêm tân hôn có lót giấy bản, gọi là giấy thám trinh, để xem người con gái còn trinh tiết hay không. Nếu còn trinh thì trên giấy bản sẽ có mấy giọt máu. Mã Giám Sinh sau khi cưỡng ép phá trinh nàng Kiều xong dùng “Nước vỏ Lựu”, “Máu mào gà” hòng lường gạt làng chơi tưởng nhầm là Kiều vẫn còn trinh).
ĐNCT