Cửa sổ tri thức
Bến Hiên, bến Giằng
* Hai vùng đất bến Hiên, bến Giằng trước đây nay thuộc huyện nào của tỉnh Quảng Nam? Trong tỉnh còn có địa danh nào bắt đầu từ bến nữa không? (Mỹ Trí, Hải Châu, Đà Nẵng)
Bến sông ở làng Bàn Thạch, nay thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. (Nguồn: Internet) |
- Bến Giằng, bến Hiên là tên gọi của hai vùng đất phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, ngày nay ít người biết tới bởi cả hai đã được đổi tên.
Theo mục “Quảng Nam - Đà Nẵng qua các địa danh” trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn), bến Giằng là vùng đất nơi ngã ba con sông Thanh đổ vào sông Nước Mỹ, có một bãi cát bằng phẳng nằm ở phía trên thác, làm nơi đậu của ghe thuyền có tên là bến Giằng Xay. Về sau bến Giằng Xay được rút gọn lại còn bến Giằng. Tháng 1 năm 1948, chính quyền cách mạng thành lập châu Bến Giằng theo quyết định của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các làng dân tộc miền núi tách ra khỏi huyện Đại Lộc. Đến tháng 6-1949, châu Bến Giằng đổi thành huyện Bến Giằng, sau rút gọn lại thành huyện Giằng. Nay đổi thành huyện Nam Giang.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có một địa danh Giằng Xay nữa, đó là một con dốc làm ranh giới tự nhiên giữa thành phố Tam Kỳ và huyện Tiên Phước, phía đông là xã Tam Lộc, phía tây là xã Tiên Sơn, trên con đường Tam Kỳ đi Việt An.
Cũng theo trang web dẫn trên, bến Hiên là một bãi bồi rộng ở vùng đất nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con. Đầu thế kỷ XX, có một người miền xuôi lên đây vỡ hoang trồng lúa, bắp,... Ghe lái buôn chở hàng từ hạ lưu lên trao đổi với người dân tộc đều ghé vào đây. Người Cơ tu đem lâm sản từ các buôn làng đổi lấy muối, vải,… Năm 1950, đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập lấy tên là huyện Hiên theo quyết định của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các xã miền núi phía tây bắc tách ra từ huyện Đại Lộc. Huyện Hiên ngày nay được chia thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang.
Khi xưa, giao thông ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, chủ yếu là đường thủy, từ đó phát sinh ra các bến - là nơi tàu, thuyền đỗ lại để khách lên xuống và xếp dỡ hàng hóa.
Tỉnh Quảng Nam có nhiều địa danh bắt đầu từ bến. Cũng như bến Giằng, bến Hiên, các địa danh này đều có một “lịch sử” riêng.
Bến Trễ là bến sông nằm bên sông Cổ Cò, thuộc làng Thanh Hà, Hội An. Trễ từ cổ chỉ một loại xuồng, ghe nhỏ đan bằng tre, trét dầu rái, bề ngang từ 50 - 80cm, bề dài từ 4-5m, được ngư dân dùng để đánh bắt tôm, cá,… Bến Trễ là quê hương của Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu), thủ lĩnh của Nghĩa hội Quảng Nam. Từ bến Trễ - Thanh Hà, ông đã đi ghe ngược sông Cổ Cò ra làng Hà Lộc (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) để theo học Cử nhân Lê Tấn Toán.
Bến Cồn Chăm là một bến sông rộng ở làng Bàn Thạch, nay thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, là điểm hội tụ của ba dòng sông chính: Thu Bồn, Bà Rén (đoạn qua khu vực Duy Vinh gọi là sông Ly Ly), Trường Giang trước khi đổ ra Cửa Đại. Sở dĩ có tên là bến Cồn Chăm, bởi xưa đây là điểm cuối của đường bộ nối từ kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) đến cửa Đại Chiêm, một bến cảng quan trọng của Vương quốc Chăm-pa.
Bến Dầu là một bến ghe thuyền, cũng là tên một chợ nằm ở tả ngạn sông Thu Bồn, nay thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các nguồn hàng lâm thổ sản khai thác từ rừng phía tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà mặt hàng đặc trưng là dầu rái, được tập trung về đây, rồi chở đi tiêu thụ ở Hội An, Đà Nẵng và các tỉnh.
Bến Ván là một bến thuyền (tên chữ là Bản Tân), nằm hữu ngạn con sông cùng tên. Ngày xưa gỗ khai thác từ nguồn Hữu Ban chuyển theo đường nước về đây, được xẻ thành ván cung cấp cho ngành đóng thuyền và làm đồ gia dụng. Bến Ván nay thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
ĐNCT