Cửa sổ tri thức

Bút đàm

08:31, 24/09/2017 (GMT+7)

* Xin cho hỏi, vì sao trong một số trường hợp giao tiếp, người ta chỉ dùng hình thức bút đàm mà không trao đổi trực tiếp với nhau bằng ngôn ngữ? Ngày trước, người Việt giao tiếp với người Hoa cũng bằng hình thức bút đàm? (nguyenhoang…@gmail.com).

- Về từ bút đàm, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1975) giảng: “Dùng bút để nói chuyện với nhau (vì ngôn ngữ bất đồng)”.

Wikipedia tiếng Việt nói rõ hơn: “Bút đàm là hình thức đối thoại sử dụng chữ viết để truyền đạt suy nghĩ của người tham gia đối thoại. Bút đàm tương đối chậm nhưng độ chính xác cao. Bút đàm được sử dụng khi không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, khi khả năng nghe kém, hoặc trong cuộc đối thoại giữa những người không có cùng ngôn ngữ nói nhưng có cùng chữ viết”.

Phan Bội Châu (ảnh trái) và Lương Khải Siêu đã có một cuộc bút đàm trên đất Nhật. (Nguồn: Internet)
Phan Bội Châu (ảnh trái) và Lương Khải Siêu đã có một cuộc bút đàm trên đất Nhật. (Nguồn: Internet)

Tiêu biểu cho hiện tượng có cùng chữ viết nhưng không cùng ngôn ngữ (cụ thể là cách đọc) là ký tự Trung Quốc. Nước đông dân nhất thế giới này thống nhất về mặt chữ viết, nhưng lại có nhiều cách đọc (phương ngôn) như: tiếng phổ thông (còn gọi là tiếng Quan Thoại), tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, tiếng Phúc Kiến... Có cùng một chữ viết nhưng lại nhiều cách đọc khác nhau nên người Trung Quốc nếu không nói được tiếng phổ thông thì có thể nói chuyện với nhau bằng hình thức bút đàm.
Ngày xưa, tổ tiên ta chủ yếu học chữ Nho (chữ Hán) và đọc theo âm Hán - Việt. Các sứ thần nước ta khi đi sứ sang Trung Hoa không thể đối đáp trực tiếp bằng ngôn ngữ mà phải thông qua hình thức bút đàm hoặc nhờ một yết giả (một chức quan đời Tần, Hán bên Trung Quốc, giữ việc giao thiệp với nước ngoài – ngày nay gọi là người phiên dịch).

Tạp chí Văn hiến Việt Nam số 8 (52, từ ngày 20-8 đến ngày 20-9-2005) có đăng bài “Bút đàm đẫm lệ” kể chuyện cuộc bút đàm diễn ra suốt ngày, từ giờ Thìn đến giờ Dậu (khoảng 7 - 8 giờ sáng đến 5 - 6 giờ tối), giữa nhà cách mạng Việt Nam Phan Bội Châu (1867 - 1940) và nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu (1873 - 1929).

Theo đó, vài ngày sau khi tới Yokohama (một phố cảng, thủ phủ tỉnh Kanagawa của Nhật Bản), cụ Phan đã tự viết thư kèm danh thiếp ra mắt Lương Khải Siêu đang lưu vong ở Nhật. Hai bên hẹn gặp nhau, ban đầu nhờ cụ Tăng Bạt Hổ (lúc đó là thủy thủ, thường đến Yokohama) làm phiên dịch, nhưng những vấn đề thời thế quan trọng cụ Tăng không dịch nổi nên hai bên đã bút đàm với nhau bằng chữ Hán. Hai nhà cách mạng “nói chuyện” với nhau như hai người câm cho tới khi hiểu nhau, kể ra cũng thật vất vả nhưng không cách nào hơn.

Bài đã dẫn mô tả cuộc “bút đàm đẫm lệ” này như sau:

“Cụ Phan đã trình bày về chế độ cai trị tàn ác của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh của dân Việt mà nước mắt tuôn trào. Cụ Lương đã phải nói cụ Phan cố gắng nén xúc động để trình bày và cụ Lương đã giúp cụ Phan hiểu biết thêm về thời thế, tình hình thế giới lúc ấy.

Theo cụ Lương, riêng với người Việt trong nước cũng như người Trung Quốc, cần nâng cao dân trí (không ngu muội) và dân khí (không nhu nhược), phải có thực lực thì không lo gì không có độc lập.
Nhân khi cụ Phan ngỏ ý cầu Nhật Bản đem quân qua giúp, cụ Lương khuyên rằng không nên.
Sau đó cụ Lương đã giới thiệu cụ Phan với các chính trị gia Nhật Bản tiến bộ, tạo nền tảng ban đầu cho sự trợ giúp khiến Phong trào Đông Du lớn mạnh.

Cụ Lương khuyên cụ Phan nên dùng lời lẽ thống thiết tố giác tình cảnh Việt Nam với thế giới và kêu gọi quốc dân Việt thức tỉnh, cũng như nên cổ động thanh niên xuất dương cầu học. Cụ Phan đã viết cuốn sách đầu tiên ở Nhật “Việt Nam vong quốc sử” nói qua về lịch sử Việt Nam, 13 chí sĩ ái quốc chống Pháp thời Cần Vương, Văn Thân, vạch trần và lên án chế độ thực dân, tố giác triều đình bất lực tham ô... cũng được đăng trên Tân Dân Tùng báo - một tờ báo cách mạng của Trung Quốc”.

ĐNCT

.