Cửa sổ tri thức

Về địa danh Mỹ Lai

07:46, 25/03/2018 (GMT+7)

* Về vụ thảm sát 504 người dân 50 năm trước ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, vì sao có tài liệu ghi “thảm sát Mỹ Lai”, có tài liệu ghi “thảm sát Sơn Mỹ”? (Trần Văn, Hải Châu, Đà Nẵng).

Trên Google Map, địa danh Mỹ Lại vẫn tồn tại cùng với “Chứng tích thảm sát Mỹ Lai, Sơn Mỹ”. (Ảnh chụp màn hình)
Trên Google Map, địa danh Mỹ Lại vẫn tồn tại cùng với “Chứng tích thảm sát Mỹ Lai, Sơn Mỹ”. (Ảnh chụp màn hình)

- Thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ là hai tên gọi cho cùng một tội ác chiến tranh do người Mỹ gây ra 50 năm trước làm thiệt mạng 504 thường dân vô tội ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên “My Lai Massacre” hoặc “Son My Massacre”. Trong đó, Mỹ Lai là một thôn thuộc làng Sơn Mỹ, nay thuộc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Đúng 50 năm về trước, ngày 16-3-1968, chỉ trong một buổi sáng, 504 đồng bào Sơn Mỹ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã vĩnh viễn lìa giã cõi đời một cách bi thương, thảm khốc. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể.

Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam, và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972.

Năm 1978, khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng.

Để ghi nhớ tội ác chiến tranh này, năm 1978, Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu chứng tích Mỹ Lai) được xây dựng; năm 1979 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia; năm 2002 được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Khu chứng tích Sơn Mỹ là di tích thảm sát duy nhất tại Việt Nam còn giữ được những bức ảnh quan trọng thể hiện lại tội ác chiến tranh này.

Năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ 11,7 tỷ đồng nâng cấp công trình. Khuôn viên ngoài trời được phục dựng với cảnh tượng tang tóc giống xưa. Nhà trưng bày xây theo mô típ nhà mồ. Công trình có thêm nhà ăn, phòng khách và phòng xem phim tài liệu Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

Đây là bộ phim tài liệu Việt Nam được đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện năm 1998. Bộ phim được giải thưởng Phim ngắn hay nhất (Best Short Film Award) tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan năm 1999. Cũng trong năm này, phim đoạt giải Bông sen Bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

Đặc biệt, năm 2007, một cựu chiến binh Mỹ đã vượt nửa vòng trái đất để dâng tặng Ban quản lý khu chứng tích cuốn video quay cảnh cuồng sát này nhân kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát.

Thực ra, nơi xảy ra cuộc thảm sát 50 năm trước có tên gọi đúng là Mỹ Lại, từ Hán Việt có nghĩa là  “lợi ích và đẹp đẽ”. Ca dao địa phương có câu: Bao giờ bạch mã qua sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu. Ở đây, theo luật thơ lục bát, không thể là “Mỹ Lai” được, mà phải là một từ có thanh trắc, và đó đúng là “Mỹ Lại”.

Sở dĩ báo chí Sài Gòn ngày đó viết thành Mỹ Lai, là bắt nguồn từ báo chí, tài liệu của người Mỹ. Ví như “The My Lai Massacre: Seymour Hersh’s Complete and Unabridged Reporting for the St. Louis Post Dispatch, November 1969” được chuyển ngữ thành “Vụ thảm sát Mỹ Lai: Báo cáo đầy đủ và không bị cáo buộc của Seymour Hersh cho tờ St. Louis Post Dispatch, tháng 11 năm 1969”.

ĐNCT

.