Cửa sổ tri thức
Tên gọi các loại nồi đồng
* Báo Đà Nẵng Online ngày 15-11-2014 có bài viết Nối nghiệp nhà bằng... nồi đồng kể chuyện về ông Nguyễn Đức ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) sưu tầm bộ nồi đồng cho đủ 10 chiếc. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở đất Phước Kiều, tuy không làm nghề đúc đồng như chú em tôi, nhưng tôi biết nồi đồng chỉ có 6 loại gồm: nồi một, nồi hai, nồi ba, nồi năm, nồi bảy và nồi mười; không có 4 loại: nồi tư, nồi sáu, nồi tám, nồi chín. (Huỳnh Phương Bá, phanthikimlan1971@...).
Bộ sưu tập nồi đồng của ông Nguyễn Đức ở làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L |
- Cảm ơn bạn đọc Huỳnh Phương Bá đã có thư gửi cho Báo Đà Nẵng trao đổi về chuyện cái nồi đồng với nhiều thông tin rất thú vị, trong đó có việc phân tích rằng, cái quai của nồi đồng ít nóng là vì nhiệt độ ở miệng nồi chỉ bằng nhiệt độ nước sôi, miệng nồi lại mỏng nên khi nhiệt truyền ra quai nồi có độ dày lớn gấp nhiều lần thì nhiệt bị phân tán, chớ không phải quai đồng làm bằng kim loại khác.
Về tên gọi các loại nồi trong bộ nồi đồng nói chung, bạn đọc sau khi liệt kê về bộ nồi đồng của làng đúc đồng Phước Kiều quê mình, có ghi một câu: Không người nào giải thích rõ việc đặt tên các loại nồi, chỉ làm theo “xưa bày nay bắt chước”.
Thật vậy, từ Bắc vô Nam, mỗi địa phương có mỗi cách gọi các đồ dùng gia đình (ở đây là nồi đồng) không đồng nhất và chưa thấy tài liệu nào giải thích cách gọi này, chỉ là “xưa bày nay bắt chước”.
Trong bài viết Đọc “Văn minh vật chất của người Việt” - một nền văn minh đã chết đăng trên Tạp chí điện tử Hồn Việt (honvietquochoc.com.vn) ngày 28 tháng 10 năm 2011, tác giả Chu Giang nêu một số nhận xét về những sai sót trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Ở phần đồ đồng gia dụng, tác giả cho rằng nồi đồng các cỡ được tính theo lượng gạo cho số người ăn: “Đầy đủ thì thế này: niêu (1-2 người ăn); năng (2-3 người ăn); nồi ba (4-5 người ăn); nồi tư (6-8 người ăn: Lếnh láng nồi tư lừ đừ nước mắt - tục ngữ Thanh Hóa); nồi năm (cho trên dưới 10 người ăn); nồi bảy (cho 15-20 người ăn, nồi bảy có thể nấu được 10 cái bánh chưng loại vừa). Nồi mười, nồi ba mươi chỉ dùng trong dịp thật đông người, hội hè đình đám mổ trâu mổ bò”.
So với bộ nồi đồng ở Phước Kiều, bộ nồi đồng (có lẽ ở Thanh Hóa?) trong liệt kê của Chu Giang không có nồi chín nhưng lại có nồi tư.
Về nồi chín, có thể tìm thấy trong bài viết Truyền thống sản xuất gốm đất nung của người Khmer và người Việt ở Nam Bộ: Nghiên cứu những biến đổi trong kỹ thuật chế tác và kiểu dáng sản phẩm gốm ở tỉnh Kiên Giang của tác giả Nguyễn Thị Hoài Hương đăng trên Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (vusta.vn) ngày 20-10-2011. Theo đó, trong phần sản phẩm có nói đến hộ Thị Tiên ở làng gốm Đầu Doi (tỉnh Kiên Giang) chuyên sản xuất nồi chín.
Tóm lại, nhiều địa phương có cách gọi tên các loại nồi đồng không giống nhau, như chia sẻ của tác giả Nguyên Hạ trong bài viết Cái nồi đồng đăng trên báo Thanh Niên ngày 25-8-2013 dưới đây:
“Nồi đồng nhỏ nhất thoạt nhìn giống như cái hồ lô. Dì bảo nồi đồng không có niêm số như nồi niêu xoong chảo bây giờ. Ngày xưa người ta đặt tên theo ước lượng nên dì thường bị ngoại “la” khi sai dì lấy nồi nấu cơm lúc nhà có khách.
Có lần nhà chuẩn bị ăn cơm xong mà có khách đột xuất, ngoại bảo lấy cái om bắc thêm lon gạo là biết lấy nồi nhỏ nhất. Ngày Tết, ngày giỗ có đông họ hàng, con cháu ngoại bảo lấy nồi ba, tức là nồi nấu cho mười người ăn trở lên. Nhà ngoại có nguyên bộ nồi từ nồi om, nồi lỡ (4-5 người ăn, nấu khoảng 3 lon gạo), nồi rưỡi (6 -7 người ăn). Từ 10 người trở lên thì dùng nồi hai, nồi ba…”.
ĐNCT