Cửa sổ tri thức

Truyền thanh IP thông qua di động 3G, 4G

12:08, 14/01/2018 (GMT+7)

* Lâu nay tôi có biết đến mạng điện thoại di động 3G, 4G. Vừa rồi nghe nói có công nghệ truyền thanh qua 3G, 4G nhưng không hiểu hoạt động của nó ra sao và có gì tiên tiến hơn so với công nghệ cũ? (Hà Ngọc Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Hiện nay, thế giới đang chuyển hầu hết các hệ thống đa phương tiện như truyền hình, truyền thanh sang hệ thống số. Ở Đà Nẵng, truyền hình số mặt đất tương tự đã bị loại bỏ và thay bằng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Kết quả cho thấy, chất lượng hình ảnh, âm thanh cung cấp đến người dùng cuối hơn hẳn so với công nghệ truyền hình mặt đất tương tự.

Cũng giống như truyền hình, truyền thanh cũng theo xu hướng công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Đà Nẵng cho biết, trong các phương án số hóa truyền thanh, hiện nay Sở đang tập trung xem xét phương án số hóa theo công nghệ truyền dẫn IP trên nền tảng di động 3G, 4G (có xem xét thêm cả qua sóng wifi và cả Internet hữu tuyến).

Theo đó, Công nghệ IP (còn gọi là Giao thức IP hay Giao thức Internet) là công nghệ truyền dẫn thông tin số thông qua chuyển mạch gói; trong đó các thiết bị đầu cuối được định địa chỉ hóa theo địa chỉ IP (giống như máy tính, điện thoại thông minh khi kết nối Internet đều phải có địa chỉ IP). Thiết bị phát gửi thông tin đến thiết bị thu nhờ vào địa chỉ IP của từng thiết bị.

Tất cả các tín hiệu âm thanh được số hóa thành tệp tin (ví dụ lưu ở file mp3); thông tin âm thanh số sẽ được chia thành nhiều gói IP và truyền đi đến điểm thu.

Truyền thanh IP thông qua di động 3G, 4G: Thông tin âm thanh sau khi được đóng gói thành các gói IP được chuyển đi đến các điểm thu thông qua môi trường vật lý là sóng di động 3G hoặc 4G. Như vậy, sóng di động 3G, 4G đóng vai trò môi trường truyền dẫn. Từng cụm loa truyền thanh phải sử dụng SIM điện thoại như điện thoại di động.

Truyền thanh IP thông qua wifi: Thông tin âm thanh sau khi được đóng gói thành các gói IP được chuyển đi đến các điểm thu thông qua môi trường vật lý là sóng wifi.

Truyền thanh IP thông qua mạng Internet hữu tuyến: Thông tin âm thanh sau khi được đóng gói thành các gói IP được chuyển đi đến các điểm thu thông qua môi trường vật lý là cáp mạng Internet.

Truyền thanh theo công nghệ FM là công nghệ đang được sử dụng hiện nay để truyền tin đến các cụm loa phường, xã, quận, huyện. Băng tần số hoạt động gồm 2 dải tần số: Băng tần số thấp, từ 54 MHz đến 68MHz (băng tần số radio này máy radio cá nhân không thể thu được); Băng tần số cao, từ 87MHz đến 108MHz (bằng tần số máy radio cá nhân hiện nay thu được).

Nhược điểm của công nghệ FM: tính bảo mật thông tin rất thấp (dễ xảy ra tình trạng nhiễu sóng nếu cố ý phá hoại); chất lượng âm thanh thấp (nhiễu, rồ âm do tự kích); hệ thống quản trị còn thủ công (cán bộ kỹ thuật truyền thanh phải đến trực tiếp các cụm loa để kiểm tra tình trạng hoạt động).

Công nghệ IP mang lại nhiều ưu điểm hơn. Ngoài việc cho chất lượng âm thanh tốt hơn và có thể điều khiển cụm loa từ xa, công nghệ truyền thanh IP cho phép xây dựng nhiều lớp dịch vụ trên cùng hạ tầng cụm loa; thông qua phần mềm tác nghiệp trên môi trường Internet. Ví dụ, sau này các ban an toàn giao thông có thể sử dụng chung cụm loa để phát đi các bản tin an toàn giao thông.

Đặc biệt, công nghệ truyền thanh IP bảo đảm vấn đề an toàn thông tin. Sở TT&TT Đà Nẵng sẽ nghiên cứu phương án đưa vào lưới nội bộ. Cụ thể, sẽ làm việc với các nhà mạng di động để cung cấp đường truyền tải dạng truyền kênh riêng (VPN - Virtual Private Network) để bảo mật tuyệt đối thông tin.

ĐNCT

.