Hướng dẫn điều trị và phác đồ điều trị

.

* Ngày 1-3-2019, khi Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định 786/2019/QĐ-BYT về việc Ban hành Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) thì nhiều người cho đây là phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, có sự khác nhau giữa “hướng dẫn can thiệp” và “phác đồ điều trị”. Ý kiến của quý báo về vấn đề này như thế nào? (Họa My, Hải Châu, Đà Nẵng)

Điện châm điều trị nghiện ma túy tổng hợp tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: V.T.L
Điện châm điều trị nghiện ma túy tổng hợp tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: V.T.L

- Trang www.qpsolutions.vn (CLB Quản lý chất lượng – An toàn người bệnh) có ghi lại thảo luận của các thành viên trên diễn đàn về chủ đề “Phân biệt Hướng dẫn điều trị (HDĐT) và Phác đồ điều trị (PĐĐT)”. Trong đó, ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đưa ra ý kiến như sau:

“HDĐT do Bộ Y tế ban hành đưa ra hướng dẫn chung cho tất cả các cơ sở y tế áp dụng. HDĐT của Bộ Y tế do các chuyên gia đầu ngành biên soạn dựa trên các hướng dẫn quốc tế, cùng với các bằng chứng nghiên cứu lâm sàng trong nước, được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế nghiệm thu và trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

PĐĐT do các bệnh viện biên soạn dựa trên HDĐT của Bộ Y tế, nhưng phải căn cứ vào danh mục thuốc, vật tư, cận lâm sàng của bệnh viện hiện có. Phác đồ có tính chất cụ thể hơn, do các cán bộ chuyên môn của bệnh viện biên soạn, được Hội đồng Khoa học của bệnh viện thông qua và được giám đốc bệnh viện phê duyệt và cho phép áp dụng tại bệnh viện.

Thực tế Bộ Y tế không thể ban hành được tất cả các HDĐT, vì vậy, trong khi Bộ chưa có hướng dẫn thì các bệnh viện phải xây dựng phác đồ dựa trên các hướng dẫn quốc tế và các bằng chứng khoa học khác, nghiên cứu của bệnh viện và kinh nghiệm của thầy thuốc, dựa trên danh mục thuốc của bệnh viện”.

Theo chúng tôi, Hướng dẫn Can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (Ban hành kèm theo Quyết định số 786 /QĐ-BYT ngày 1-3-2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế) không phải là PĐĐT mà chỉ là HDĐT. Trong 42.038 chữ (không kể phần phụ lục) của nội dung hướng dẫn này chỉ duy nhất một lần xuất hiện cụm từ “phác đồ điều trị” nhưng nó không liên quan gì đến vấn đề điều trị nghiện ma túy tổng hợp mà là một nội dung hoàn toàn khác: “Một số loại thuốc trong phác đồ điều trị (ĐNCT nhấn mạnh) HIV khi sử dụng chung với ATS có thể gây ngộ độc” (mục 2.6.1. thuốc kê đơn trong chương 5 - Can thiệp trên một số bệnh nhân đặc thù).

Theo lương y Phan Công Tuấn, công tác ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, việc Bộ Y tế ra Quyết định số 786/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn nói trên được nhiều báo chí đưa tin rằng đã có PĐĐT cho người dùng ma túy tổng hợp hay bệnh nhân “ngáo đá” là một sự ngộ nhận đáng tiếc của giới truyền thông. Việc nhầm lẫn tài liệu hướng dẫn can thiệp là PĐĐT khiến không ít người tưởng rằng... đã tìm ra thuốc chữa nghiện ma túy tổng hợp.

Thực vậy, ngay trong lời giới thiệu của tài liệu hướng dẫn này cũng đã nói rõ: “Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS mà cần một giải pháp tổng thể bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng. Trong bối cảnh số người sử dụng ATS trong cộng đồng đang gia tăng thì rất cần thiết phải có thông tin và hướng dẫn can thiệp về lạm dụng ATS”.

ĐNCT
 

;
;
.
.
.
.
.