Khi bạn đọc không biết chọn đọc tập thơ nào giữa “rừng” thơ thì những tập thơ hay, được biên tập cẩn thận, bìa sách ấn tượng, được quảng bá rộng rãi… vẫn có thể tạo nên “cơn sốt” xuất bản khi các bản in lần 2, 3 ra đời.
Nhà thơ Nguyệt Phượng và buổi giới thiệu ra mắt 2 tập thơ Lặng và Lục bát tình tôi. |
Nhiều, nhưng hiếm thơ hay
Năm qua, Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng đã in gần 20 tập thơ của các tác giả ở Đà Nẵng, Quảng Nam; văn phòng đại diện NXB Văn học tại miền Trung-Tây Nguyên 3 năm đứng chân trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã in cả trăm tập thơ, tùy bút, tuyển tập. Ngoài ra, chi nhánh nhiều NXB khác cũng tham gia biên tập, in thơ, nên có thể hàng trăm tập thơ ra đời mỗi năm nếu chỉ tính riêng địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Số tập thơ ra đời nhiều, nhưng tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người yêu thơ thì… ít. Đó là nhận xét rất khách quan, trung thực của những người làm công tác biên tập cũng như người yêu thơ.
Lý giải vấn đề này, đại diện các NXB cho rằng sự có mặt của nhiều NXB giúp các cá nhân muốn xuất bản tác phẩm cũng như việc xin giấy phép xuất bản dễ dàng hơn; bên cạnh đó là một đội ngũ đông đảo những người làm thơ không chuyên đều đặn in thơ hằng năm. Nhưng đa số sách thơ đã xuất bản là thơ tầm câu lạc bộ, là “văn nói có vần”; còn số thơ hay, tạo được tiếng vang mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay số lượng xuất bản.
Thời của thị trường, đôi khi có tiền là có thể in được thơ, nên các NXB đã đề ra “tủ sách người yêu thơ” để những tác giả chuyên nghiệp không có cảm giác “né mình” trước những danh xưng “nhà thơ” nhan nhản khắp nơi. Nói như nhà thơ Lê Anh Dũng là nhiều tác giả là các cụ về hưu, tuổi xế chiều bỗng xuất hiện ý muốn làm thơ, in thơ để có sách tặng bạn hữu, cháu con, lưu bút trong gia đình. Không ai lại ham thành “nhà thơ trẻ” ở tuổi thất thập cả. Họ viết như lục bát vần điệu hoặc theo thể thơ đường luật, có thể xem là “diễn ca”. Những tác giả này khi đưa bản thảo đến NXB đều có thái độ cầu thị, mong biên tập viên sửa từng câu, từng ý, từng tứ để ý thơ sáng hơn, tập thơ sâu sắc hơn. Và số lượng bản in của những tập thơ này vẫn không vượt quá 500 cuốn. Tác giả in thơ để tặng bạn bè thân hữu, có thể cũng không mong người được tặng đưa thơ ra đọc. Bài thơ làm xong, các cụ “đọc cho nhau nghe” là chính, tuyệt nhiên không thể xuất hiện trên giá các nhà sách, bởi bây giờ mấy ai quan tâm đến thơ. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy tiết lộ, có một số sách thơ ký gửi ở các nhà sách, số bán nhiều nhất là 50 cuốn/500 bản in.
Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm thơ được chăm chút cẩn thận ra đời thời gian gần đây, từ những tác giả không chuyên, như tập Thủy tinh mù của tác giả Bùi Mỹ Hồng, tập Lục bát tình tôi và Lặng của cô giáo dạy sinh vật Nguyệt Phượng, tập thơ thiếu nhi Hương nắng của Trần Thanh Phương… do NXB Văn học chi nhánh miền Trung-Tây Nguyên tổ chức bản thảo và ấn hành. Hay các tập Khi thương nhớ chia miền của Phạm Gia Khánh, Đếm sao của Xuân Tịnh, Khoảng trầm tư của Trọng Nghĩa, Phía tàn tro của Nguyễn Phương Dung… do NXB Đà Nẵng in năm 2012.
Để thơ hay đến với bạn đọc
“Có NXB kỹ tính và khó tính đầu tư công tác biên tập, nâng tầm tập thơ lên thì mới mong có nhiều thơ hay đến với bạn đọc. Hay có những tác giả, tác phẩm gây ấn tượng với NXB bằng những bài thơ nổi bật thì chúng tôi đứng ra tổ chức giới thiệu tác phẩm với công chúng yêu thơ. Những cách làm đó mới mong thơ ở lại trong lòng người yêu thơ và có thể phát hành được, chứ không phải in thơ để biếu tặng”, nhà thơ Lê Anh Dũng chia sẻ về cách làm thế nào thơ đến với người đọc. Theo ông, thơ phải được đọc cho công chúng nghe; thơ phải đến với trường học chứ không chỉ để anh em nhà thơ ngâm vịnh với nhau. “Có bài thơ cần đọc, nhưng có bài phải ngâm, hay có người phổ nhạc, trình diễn thì thơ mới thực sự đi vào lòng người”, ông Dũng đau đáu với cách làm thế nào để những bài thơ hay thực sự đến với bạn đọc.
Thơ không còn là thứ bổ dưỡng tinh thần, có một lớp bạn đọc đông đảo như những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Những nhà thơ chuyên nghiệp cũng ít xuất bản thơ. Số tác phẩm mới chỉ có tác giả trẻ chưa gây được tiếng vang lớn và các câu lạc bộ thơ, do đó việc thơ hay nếu có cũng ít được phát hành rộng rãi. Theo nhà thơ Nguyễn Kim Huy thì muốn thơ đến tay bạn đọc, thơ có thực sự hay không đã; bởi thơ hay cần thể hiện một sự dồn nén về cảm xúc, cuộc sống, lúc đó hãy in thơ, để có nhiều bài thơ “để đời” trong lòng bạn đọc. Khi việc xuất bản dễ dàng, thơ được in nhiều nhưng chất lượng nổi trội ít, khiến bạn đọc càng ít thiện cảm với thơ. Muốn thơ bán được thì cần có tác phẩm hay, cần một công tác tiếp thị, quảng bá, tọa đàm nghiêm túc và ông Huy nhấn mạnh đến vấn đề cần có những nhà phê bình có tay nghề, yêu thơ thì những tác phẩm thơ hay mới thực sự ở lại trong lòng người yêu thơ.
HOÀNG NHUNG