Người xưa từng nói “muốn qua sông phải lụy đò”, nay “bao nhiêu là cầu, đi không hết” như cách nói của người dân phía bờ đông sông Hàn. Hơn 10 năm với khởi nguồn là cầu Sông Hàn, những nhịp cầu tiếp tục hình thành nối đôi bờ dòng sông, mở ra biết bao sự đổi thay. Không còn nhà chồ, không còn những lối đi in hằn bàn chân trên cát nóng, không còn những cảnh đời lam lũ chỉ biết đến bến sông và con cá, con tôm, tụi trẻ con tóc cháy nắng lê la trên cát, khi có cơn bão “ghé thăm” là cả làng dắt díu nhau chạy nạn…
Đường Trần Hưng Đạo hình thành mở ra cơ hội giao thương, phát triển cho vùng đất nơi ngày xưa là khu vực nhà chồ của quận 3. |
Sự đổi thay của vùng đất bên kia sông chỉ mới thực sự bắt đầu khi cây cầu Sông Hàn nối liền đôi bờ, khơi thông thế bế tắc về giao thông cho một nửa trái tim của thành phố. Bởi trước đó cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi chỉ giúp cho một phần người dân khu vực gần đó qua trung tâm thành phố, những vùng như Thọ Quang, Mân Thái hay Nại Hiên Đông muốn đi đâu phải “lụy đò”.
Đổi thay Cồn Nhạn xứ
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, tổ 132 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà bảo “anh và bà con xóm nhà chồ có nằm mơ cũng không hình dung được cuộc đời mình thay đổi đến thế này”. Hàng xóm của anh ngày xưa giờ nhiều người là chủ sở hữu hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo và rất nhiều người hàng xóm nữa giờ an cư trong những căn hộ chung cư, không còn lo ngày mưa nắng.
Năm 2005, anh Hoàng là một trong gần 360 hộ dân khu nhà chồ cuối cùng của thành phố di dời đến khu nhà liền kề, phường Nại Hiên Đông. Trước đó bà con không có nước sạch, không nhà vệ sinh, điện lúc có lúc không, phải bơi ghe đi xin từng can nước của những nhà ở trong đất liền. “Lúc trước xóm 70 hộ chỉ có 2 nhà có xe máy, nhưng cũng phải gửi người quen ở phía trong đất liền, trẻ con đi học chỉ có lội bộ. Khi chuyển lên khu nhà liền kề, nhiều nhà mới mua xe máy, ti-vi”.
Anh Hoàng nhớ lại, năm 1978 và 1982, hai chị gái của anh vượt biên nhưng một người đã bỏ mạng giữa biển. Lúc đó nhiều người bỏ xứ đi. Năm 2002, ba má và 6 người anh, em của anh Hoàng cũng theo chị gái anh sang định cư ở Canada, được mấy năm thì ba anh mất, chưa kịp nhìn thấy quê hương đổi thay, chưa kịp chứng kiến đời sống những đứa con ở quê đã hết sống cảnh lênh đênh trên mặt nước. Giờ, vài năm, má anh Hoàng lại về quê thăm bà con họ hàng. Anh bảo, bà thích đi bộ chứ không chịu ngồi xe. Bà đến từng nhà hàng xóm của xóm nhà chồ ngày xưa giờ toàn ở chung cư cao tầng, bà đến khu vực nhà anh cắm cọc bám trụ mấy chục năm trước giờ nằm trong khu quy hoạch bến du thuyền của thành phố…
Nhiều người già như má anh Hoàng mỗi lần về quê lại rờ rẫm đến nơi ngày xưa là xóm nhà chồ, bồi hồi nhắc lại từng kỷ niệm cũ và không ngờ con đường rợp bóng cây mình đang đứng đây ngày xưa có thể là một lối đi toàn cát.
Phần đất Vũng Thùng này ngày trước có tên là Cồn Nhạn xứ, tên chữ là Nhạn Trạch. Còn Nại Hiên Đông - theo nhà nghiên cứu Lê Văn Hỏa (tạp chí Xưa và Nay, số 120, tháng 7 năm 2002) thì Nại Hiên Đông là tên đình hướng đông chịu đựng mưa bão và di tích tổ đình Nại Hiên Đông vẫn được con cháu làm lễ cúng vào ngày 25 tháng Chạp. Anh Hoàng bảo từ Cồn Nhạn xứ chỉ còn mấy người già biết, lớp trẻ khi được hỏi đều lắc đầu. Có lẽ quá khứ đã đi xa theo ngày tháng.
Ông Mai Văn Tung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà kể, năm 1980 cả phường mới có duy nhất một con đường là Nguyễn Trung Trực nối với đường Ngô Quyền là đường đất, rộng 5,5m, đoạn cuối đường gần khu vực nhà chồ chỉ còn chừng 3m. Từ khi khánh thành cầu Sông Hàn, giao thông mới thực sự mở ra trên toàn phường và kéo theo những sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội khác. Sau năm 2000, mỗi năm chỉ có 2 - 3 trường hợp trúng tuyển đại học, giờ con số này đã gấp 3 - 4 lần. Cụm từ “dân trí thấp” ở đây không còn nữa. Năm 1998, thành phố có chủ trương lấn biển, bơm cát từ biển vào để Vũng Thùng tăng gấp đôi diện tích lên 4,2km2 như hiện nay. Dân số cũng tăng từ 1.000 người năm 2000 lên 5.000 người.
Bao nhiêu là cầu, đi không hết
Anh Nguyễn Hữu Hoàng làm tổ trưởng tổ dân phố từ năm 1994, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Anh bảo “bà con còn nghèo nhưng ai cũng đồng thuận. Nhiều người nhờ anh chuyển thư lên lãnh đạo quận, thành phố, lời lẽ rất mộc mạc nhưng ai cũng mong thành phố phát triển và họ rất cảm ơn vì thành phố làm cầu qua sông Hàn đời sống của họ mới thay đổi như hôm nay”.
Gần 20 năm lấy chồng, làm nghề buôn bán ở khu vực giờ là phía đông cầu Rồng, chị Trần Thị Kim Mai ở tổ 38 phường An Hải Tây, quận Sơn Trà không ngờ nhà mình lại thành mặt đường dẫn lên cầu. Nhờ cầu Rồng, công việc buôn bán của chị từ một tủ hàng nhỏ, bán cho bà con quanh xóm đã được mở rộng ra nhiều lần, chị bán đủ thứ, từ cái card điện thoại đến bia, nước ngọt cho anh em công nhân làm cầu. Chị bảo: “trước đây muốn qua sông có khi mất cả buổi chờ phà, nhất là những hôm mưa bão, giờ thì có bao nhiêu là cầu, đi không hết”. Có thêm cầu Rồng qua trước nhà, chị Mai hy vọng sau này mình sẽ có thêm nhiều cơ hội buôn bán, làm ăn.
Một vệt dài từ chân cầu Sông Hàn, qua cầu Rồng đến cầu Nguyễn Văn Trỗi đang đổi thay từng ngày, những bãi bồi ven sông mọc đầy lau lách đã được thay bằng những ngả đường đẹp như tranh.
Ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ hưu trí ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thường xuyên có mặt với các bạn già ở đường Bạch Đằng cười vui: “Tui tham gia “giám sát” cầu Sông Hàn suốt thời gian nó xây dựng, giờ thêm phần cầu Rồng. Người vui nhất khi có cầu qua sông Hàn là người dân bên kia sông, nhưng bên ni bọn tui vui không kém, vì nhờ có cầu người bên ni mới được tắm biển trong lành, người bên ni mới biết cảnh đẹp Sơn Trà. Vậy là thỏa ước nguyện…”. Ông bỏ lửng câu nói, nhưng tôi biết ước nguyện của ông cũng là ước nguyện của người dân toàn thành phố, khi bờ đông và bờ tây sông Hàn ngày càng phát triển tương xứng với một đô thị đang thay da đổi thịt từng ngày.
Từ năm 1997 đến 2011, quận Sơn Trà thu hút đầu tư và triển khai thực hiện 149 dự án, trong đó có 91 dự án đã hoàn thành và 28 dự án đang triển khai. Trong 15 năm thành lập quận, Sơn Trà đã giải tỏa gần 120 dự án trên địa bàn, trong đó có 55 dự án phục vụ tái định cư, 15 dự án khu chung cư, 9 dự án đường giao thông. Thực hiện kiểm định, giải tỏa đền bù gần 10.000 hộ. Năm học 1996-1997 toàn quận có 28 trường đến nay tăng lên 40 trường. Năm 1997, GDP bình quân 5,31 triệu đồng/người/năm thì năm 2011 là 28,45 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 1997 là 9,89%, đến cuối năm 2011 ước giảm còn 3,75%. |
HOÀNG NHUNG