.

Kỷ vật Trường Sa

.

Đầu năm 1984, vừa bước qua tuổi 19, anh Trần Văn Xuất đăng ký làm bộ đội hải quân ra đảo Trường Sa Đông. Hơn 2 năm trấn giữ vùng lãnh hải của Tổ quốc, khi quay trở về đất liền, anh mang theo nhiều kỷ vật gợi nhớ một thời trai trẻ ăn sóng nói gió.

Bộ đội Hải quân tham quan trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Bộ đội Hải quân tham quan trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Vốn là dân đi biển, anh nhỉnh hơn đồng đội ở cái sức khỏe và tính nhanh nhẹn, được đơn vị trực thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân phân công làm khẩu đội trưởng các khẩu đội 12 ly 7, DKZ, cối 82. Trường Sa Đông khi đó là đảo quá cằn cỗi nên chỉ có hai nhà lợp phi-brô xi-măng với 25 người lính. Xa nhà, bốn bề biển với biển, tất cả mọi người xem nhau như anh em ruột thịt.

Những lúc rảnh rỗi, anh hay lặn xuống biển bắt ốc. Có một loại ốc vân rất đẹp, anh thường đổi lấy thực phẩm từ các tàu trong đất liền ra để họ về cẩn xà cừ, không biết đó là ốc gì, thấy nó như cái nón nên gọi là ốc nón. Một lần, anh phát hiện hai chiếc tàu cổ đắm, có lẽ do va vào vách đá, một chiếc xa đảo, một chiếc gần hơn. Mỗi tàu dài gần 30m, cách mặt biển khoảng 5-6m, thủy triều xuống là phơi bộ sườn gỗ chắc nịch như bộ xương cá. Anh tháo lấy mấy con vít làm bằng loại sắt không gỉ còn dính trên tàu, đem về dùng búa đập mỗi ngày một ít để cán mỏng ra, mài thành dao, rồi tỉ mẩn khắc mấy cảnh vật Trường Sa lên đó.

Một lần lặn xuống chỗ chiếc tàu nằm xa đảo, anh phát hiện một chiếc đèn bị chôn dưới lớp san hô, cao khoảng 50cm, đường kính khoảng 30cm, đã bị ô-xy hóa mấy chỗ. Bên trong đèn có một cái đĩa, một miếng mê-ca nhỏ, đèn có lẽ được thắp bằng một loại dầu gì đó. Anh đoán có lẽ đây là đèn hành trình, tức là đèn treo trên tàu để cảnh báo các tàu khác không tông vào tàu mình.

Anh Trần Văn Xuất với những kỷ vật mang về từ Trường Sa.Ảnh: V.T.L
Anh Trần Văn Xuất với những kỷ vật mang về từ Trường Sa.Ảnh: V.T.L

Hơn một nửa số lính trên đảo biết đan giỏ. Các loại lưới đánh cá dạt vào đảo, anh em trên đảo nhặt hết, về đan giỏ. Đan là cả một kỳ công, mỗi giỏ có khi đan đến 4-5 tháng mới xong. Lúc đầu anh ngồi xem anh em ra đảo những năm trước anh đan giỏ, học theo. Có lẽ vốn dân biển, rất mê những đồ đan liên quan đến lưới nên “tay nghề” của anh có vẻ nổi trội hơn anh em. Anh gửi nỗi nhớ nhà vào mỗi chiếc giỏ, một bên có chữ Trường Sa, bên kia chữ Lưu niệm, chữ đỏ trên nền xanh. Gặp bộ đội công binh đồng hương QN-ĐN nào đi ngang qua đảo là anh tặng giỏ làm kỷ niệm.

Tháng 5-1987, anh xuất ngũ, về quê, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, học nghề điêu khắc đá. Cái tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ… khi mài dao, đan giỏ ngoài đảo xa đã giúp anh học được cái nghề rất cần kiên nhẫn và sáng tạo này. Dần dà, anh ăn nên làm ra, trở thành một trong những “đại gia” của làng nghề đá mỹ nghệ dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Đầu năm 1999, anh mở cơ sở đá mỹ nghệ rộng hơn 5.000m2, lấy tên là Xuất Ánh (ghép tên anh và tên vợ) trên đường Huyền Trân Công Chúa. Vừa rồi, anh mở thêm một cơ sở mới trên đường Trường Sa, con đường mang tên quần đảo nơi anh đã để lại những kỷ niệm thời làm lính đảo.

Một lần đến dự lễ khai mạc triển lãm hiện vật, tranh ảnh về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng, anh bồi hồi xúc động nhớ về quãng thời gian đáng nhớ trong đời mình khi ra đảo. Anh chọn chiếc đèn tàu hiến tặng Bảo tàng, gửi chút tình người lính đảo vào đó. Kỷ vật Trường Sa đem về, ngoài chiếc đèn tàu, anh còn giữ tại nhà riêng của mình 3 chiếc giỏ xách, 4 con dao và nhiều loại vỏ ốc. Chiều chiều, sau khi xong công việc hằng ngày, anh leo lên tầng 3, nơi có một ngăn tủ nhỏ trưng bày những kỷ vật của biển đảo, lặng ngắm chúng và mường tượng những tháng ngày xưa cũ. Đoạn, anh lững thững đi ra phía sân thượng nhìn ra biển, đăm nhìn ra khơi xa với nỗi nhớ đong đầy.

Chưa nguôi nỗi nhớ, vừa rồi anh viết thư cho Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam, tỏ ý xin được ra thăm lại Trường Sa. Tin vui bất ngờ đến: Tháng 4 năm 2014, anh sẽ được ra thăm Trường Sa, nơi 30 năm trước anh lần đầu tiên bước chân lên đảo. Ở Trường Sa Đông ngày đó có hai tấm bia bằng đá san hô mà anh và đồng đội dùng để tập bắn, tấm lớn tập bắn tàu, tấm nhỏ bắn xe tăng. Anh không thể mang chúng về đất liền được, chỉ thỉnh thoảng thấy chúng dập dềnh sóng biển trong giấc mơ chập chờn. Đó mới chính là kỷ vật Trường Sa anh ước ao được thấy lại khi ra thăm đảo…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.