.

Một thời và mãi mãi

.

Đã có thời chúng tôi yêu những vần thơ này đến thế. Ấp ủ, nâng niu, vụng về với suy tư còn rất ngây thơ và trong sáng, để rồi ngày qua ngày, những vần thơ ấy cùng chúng tôi bước vào đời. Sổ thơ của tôi với những bài thơ bằng tiếng Nga như một báu vật. Mất gì thì mất, sổ thơ không bao giờ có thể mất!

Cứ đến mùa thi, cùng với cuốn giáo trình dày cộp, đen thui, rám rịt bởi chất liệu thô in roneo thời bấy giờ là cuốn sổ thơ bìa nâu, giấy trắng ca-rô mịn màng của Liên Xô (cũ). Chép thơ Nga cũng phải chọn giấy Nga để viết. Vậy đấy, cái gì cũng Nga, bút chép thơ cũng của Nga, dán trang trí cũng trên mỗi tít của bài thơ cũng phải là của Nga… Tất cả những thứ đó cứ đi vào cuộc sống sinh viên của tôi lúc nào không rõ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi chỉ nhớ, mỗi dòng thơ tôi chép, mỗi trang văn tôi đọc đều in đậm từng ký ức, kỷ niệm của tuổi học trò gắn chặt với hình ảnh của những người như cô Thái Hòa, cô Diên Chi, cô Hải Thanh... Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải chia tay nhau, mỗi người một ngả. Những tưởng sẽ không còn cần đến những câu thơ tình lãng mạn của một thời…

“Em có thể đọc cho tôi nghe một bài thơ nào đó” câu hỏi bật ra với tôi trong buổi phỏng vấn trực tiếp vào nghề. Cảm xúc rất thật, tôi đã nhập hồn vào bài thơ “Đợi anh về” (Mikhailovich Simonov) như một lẽ tự nhiên. Không gian như chùng xuống, vài giây trôi qua, tôi thấy mình khóc. Khóc không phải vì mình đã hoàn thành bài phỏng vấn, mà vì hình bóng thầy, cô giáo đứng trên giảng đường với cuốn giáo trình trên tay, giọng đọc nhấn nhả với từng ý thơ lại hiện lên thật rõ. Tôi nghĩ đến những trang thơ Nga tôi đã chép, đã đọc trong những đêm thức trắng, mất điện của ký túc xá cho các bạn cùng phòng nghe. Mới hôm qua thôi, tôi đã cất nó vào sâu trong trái tim của mình, vậy mà lúc ấy bài thơ Nga tôi đã chép, đã học gắn cuộc đời tôi với cái nghiệp “đọc”… để rồi mỗi lần nghe lại, tôi vẫn còn nguyên tâm trạng run rẩy của buổi phỏng vấn trong khoảnh khắc lắng đọng đủ để nghe tiếng đọc thơ của mình.

Tôi say sưa với từng ý thơ trong bài thơ và cảm nhận nó, phân tích nó truớc hội đồng giám khảo như đang đứng trước bài thi vấn đáp của thầy, cô giáo mình.  Mưa có rơi dầm dề/Ngày có buồn lê thê/Em ơi em cứ đợi… tất cả câu chữ của bài thơ tôi cảm nhận được không phải từ âm thanh của tiếng Việt mà từ câu chữ của tiếng Nga. Cô giáo tôi đã nói: “Cô chỉ muốn nói với các em, phải cảm nhận được nó bằng tiếng Nga, chỉ có thể bằng tiếng Nga, các em mới hiểu được sâu sắc nhất những gì nhà thơ Ximonop muốn lột tả”. Cô đã khóc. Chúng tôi cũng khóc. Những giọt nước mắt năm nào chưa đủ để hiểu hết những gì cô nói trên giảng đường, nhưng trong buổi phỏng vấn ấy, tôi đã nhập hồn mình vào hồn của bài thơ. Cô nói đúng, chỉ có thể đọc bằng tiếng Nga, tôi mới có cảm xúc tận đáy lòng. ”…Только мы с тобой,-Просто ты умела ждать,Как никто другой./…” (Dẫu dòng lệ cạn khô,/Em của Anh biết chờ/Không như ai, chẳng đợi).

Năm tháng trôi đi. Người ta vẫn nói, yêu cái gì quá rồi một lúc nào đó những thứ đó cũng trở nên bình thường. Song, tôi tin, và hẳn các bạn tôi yêu thơ Nga cũng tin, sẽ không bao giờ chúng trở nên bình thường. Chúng là vật báu được cất giữ một góc sâu của tâm hồn, của trái tim, để rồi sẽ có dịp trỗi dậy.

Mỗi vần thơ, trang thơ tiếng Nga trong số thơ tôi, là một bài giảng của thầy cô giáo tiếng Nga về tình yêu đầu đời, về cảm xúc thăng hoa khi được yêu và yêu, về tình cảm trong sáng giữa con người với con người, về thiên nhiên tươi đẹp, về tình yêu với đất nước, với Tổ quốc, với dân tộc.

Đã hơn 20 năm. Cái quá khứ yêu đến khát khao, cháy bỏng và say mê thứ ngôn ngữ không phải mẹ đẻ của mình không phải từ sự thiên vị thứ ngôn ngữ tôi đã học, không phải sự mơ tưởng đến những đêm trắng thành Lêningrat, của vàng rực mùa thu xứ bạch dương xa thẳm, của những chùm thông già cỗi… mà cảm giác ấy được truyền từ tình yêu sâu sắc của thầy, cô giáo dạy tiếng Nga của chúng tôi ở Trường ĐHSP Ngoại ngữ Đà Nẵng những năm cuối 80 của thế kỷ trước. Tiếng Nga, thơ Nga, mãi mãi cùng tôi đi hết cuộc đời.

HỒ THU HỒNG

;
.
.
.
.
.