1. Đà Nẵng gắn bó với biển từ bao đời nay. Có người nhận xét rất đúng rằng trong ba đầu mối giao thông lớn nhất đất nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thì chỉ Đà Nẵng là có biển - thậm chí biển đẹp, năm 2005 từng được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Đà Nẵng có bán đảo Sơn Trà, có đảo gần bờ là hòn Chảo - còn gọi là hòn Sơn Trà và từng được vua Minh Mạng đặt tên là Ngự Hải Đài, lại có đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tài liệu ghi Đà Nẵng có bờ biển dài gần một trăm cây số. Thật ra đấy chỉ là chiều dài bờ biển của Đà-Nẵng-đất-liền, chưa tính chiều dài bờ biển của Đà-Nẵng-hải-đảo, trong đó có các đảo lớn nhỏ ở Hoàng Sa. Có thể còn rất lâu nhưng chắc chắn sẽ có ngày người Đà Nẵng chiều chiều dạo chơi dọc những con đường ven biển trên quần đảo cát vàng để theo hướng hoàng hôn mà nhìn về Đà-Nẵng-đất-liền chỉ cách có một trăm hai mươi hải lý...
2. Còn nhớ vua Lê Thánh Tông từng dành riêng cho Đà Nẵng hai câu thơ chữ Hán để đời: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt - Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạt thuyền”, qua đó nhà vua mô tả Đồng Long - vịnh Đà Nẵng - như là nơi vào ra hoặc neo đỗ của tàu thuyền nước ngoài. Hẳn hoạt động ngoại thương và cảng vụ sầm uất ở vịnh Đà Nẵng đầu thập niên 70 của thế kỷ XV cũng góp phần gợi thêm cảm hứng cho Lê Thánh Tông khi nhà vua đặt tên vùng đất vừa mới thuộc về quyền lực Nhà nước Đại Việt là Quảng Nam - mở rộng về phương Nam. Dường như trong tư duy mở nước của vị hoàng đế anh minh này, Quảng Nam không chỉ là mở tới về phía phương-Nam-đất-liền mà còn mở ra về phía phương-Đông-biển-cả. Nhắc lại chuyện mấy trăm năm xưa nhằm nhấn mạnh rằng với những tiên dân Đà Nẵng, biển dẫu chưa quen thuộc song không quá xa lạ và với không ít người trong số họ thì lộ trình chủ yếu để đến được vùng đất mới này cũng chính là đường biển - tất nhiên chỉ dọc theo duyên hải.
3. Trải qua mấy thế kỷ cộng cư và tiếp biến văn hóa Chămpa bản địa, so với đồng bào người Việt cùng thời ở Đàng Ngoài, những tiên dân Đà Nẵng ngày càng có tư duy hướng biển. Khi tảng đá sa thạch trên Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng cho khắc vào ba chữ Vọng Hải Đài thì đó không còn là một tảng đá nữa mà đã trở thành một loại tư duy - tư duy đại dương của người Đà Nẵng. Và không chỉ nhìn ra biển bằng tư duy đại dương đăng cao vọng viễn, người Đà Nẵng còn từng bước hình thành nền văn hóa biển. Ở cái thuở ban đầu... xa xứ ấy chắc hẳn người Đà Nẵng chưa có văn hóa biển, bởi với họ biển vẫn chưa thành nỗi nhớ, vẫn chưa thành nỗi đau và có lẽ vẫn chưa thành nỗi sợ. Rồi từ chỗ chưa nhớ, chưa đau, chưa sợ đến chỗ biển đã đàng hoàng bước vào ca dao - thành nỗi nhớ: “Năm canh chẳng biết canh nào - Nằm nghe sóng biển lao xao trong lòng - Kể từ ngày thiếp Bắc chàng Đông - Thuyền kia chẳng lại hết mong lại chờ”, thành nỗi đau: “Ta thương mình mình chẳng thương ta - Muối kia bỏ biển mặn mà có nơi”, và thành nỗi sợ: “Có chồng nghề ruộng em theo - Có chồng nghề biển hồn treo cột buồm” - là bước tiến dài trong tư duy văn hóa biển của người Đà Nẵng.
4. Giao lưu văn hóa ẩm thực giữa người Việt với người Chăm mang đến cho người Đà Nẵng nhiều món ăn/thức uống mà nổi bật hơn cả là món nước mắm/mắm cái đặc sắc và chính là qua thứ gia vị/nước chấm có xuất xứ từ nền văn minh ngư nghiệp này mà người Đà Nẵng từ lâu đã hình thành thói quen ăn mặn. Nhân chuyến công du sang Tokyo hồi tháng 8-2013, người viết bài này có lần được ăn tối với cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Yushita.
Nhìn vào đĩa nước mắm dằm ớt xanh mang từ Đà Nẵng qua đặt giữa bàn tiệc, cựu Đại sứ có phần tò mò và tôi đã giải thích về sự khác nhau giữa văn hóa nước mắm của người Việt có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á và là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa Đại Việt - Chămpa, với văn hóa nước tương có nguồn gốc Trung Quốc. Không chỉ có thói quen ăn mặn, người Đà Nẵng còn thích ăn thật mặn, chẳng hạn thích ăn nước mắm không pha thêm bất cứ thứ gì có thể làm nước mắm nhạt đi/bớt mặn hơn như chanh, như đường… Chưa kể người Đà Nẵng còn rất thích ăn một loại mắm cực mặn - tiếng Quảng gọi “mặn quắn” - là mắm cái và đây cũng chính là điểm phân biệt giữa khẩu vị ăn mắm của người Quảng với khẩu vị ăn mắm của người Huế vốn cách xa nhau chỉ một con đèo.
5. Văn hóa biển của người Đà Nẵng còn được thể hiện qua tín ngưỡng nghi lễ ở các làng chài. Có thể thấy hoạt động tín ngưỡng của ngư dân Đà Nẵng trong các lễ hội dân gian như lễ hội cầu ngư/lễ tế cá Ông vẫn mang tính cộng đồng cao, vẫn là chuyện cả làng cùng lo cùng hưởng. Ngay như việc mai táng cá Ông thì tuy tập tục có quy định ngư dân đầu tiên phát hiện ra cá lụy - chết trên biển hay trôi dạt vào bờ - sẽ được cử làm “trưởng nam” để chủ trì tổ chức tang lễ, nhưng về cơ bản vẫn là công việc được cả làng chài chung tay góp sức.
Riêng cách ứng xử với Phật trôi - là tử thi chết đuối trôi dạt từ nơi khác đến - của ngư dân Đà Nẵng trong lúc đang tác nghiệp ngoài biển khơi thì có phần tương đồng với ngư dân Nhật Bản, nghĩa là đều mang đậm tính cá thể: khi phát hiện ra tử thi chết đuối trôi dạt từ nơi khác đến gần thuyền mình, ngư dân - thường là chủ thuyền - vớt tử thi lên thuyền đưa vào đất liền chôn cất, và nếu là tử thi không rõ tông tích, người chủ thuyền sẽ lấy họ của mình ghép với tên Lượm (nhặt/vớt) hoặc tên Được để dựng bia mộ và khấn vái người xấu số khi cúng giỗ.
6. Lễ hội cầu ngư ở các làng ven biển mang đậm chất văn hóa biển hoàn toàn có khả năng trở thành điểm nhấn trong đời sống tinh thần của người Đà Nẵng. Đương nhiên lễ hội dân gian nói ở đây phải là lễ hội thật chứ không phải kiểu lễ hội sân khấu hóa chỉ cốt phục vụ du khách tham quan. Bên cạnh đó cũng có thể tận dụng các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của cư dân ven biển, chẳng hạn lễ hội cầu ngư với hát bội hay múa bá trạo hoặc hiện đại hơn là thi bơi thuyền thúng..., xem đấy cũng là những loại hình giải trí biển hấp dẫn đối với du khách.
Điều cần chú ý là nếu không nhận thức đúng đắn thì ngay sự tận dụng này cũng rất có khả năng trở thành một thách thức về văn hóa. Không nên đặt nặng thậm chí không nên đặt mục đích trình diễn hát bội hay múa bá trạo hoặc thi bơi thuyền thúng chỉ cho du khách xem, bởi sức hút thẩm mỹ đối với du khách không đơn thuần là bản thân các hoạt động văn nghệ, thể thao ấy mà còn là và chủ yếu là sự tham gia hồn nhiên của đông đảo ngư dân trong lễ hội hết sức thiêng liêng đối với nghề biển hồn treo cột buồm. Và đương nhiên người Đà Nẵng ngày nay cũng cần tạo thêm những giá trị mới về văn hóa biển mang dấu ấn của thời đại mình.
7. Muốn tạo ra được những giá trị mới về văn hóa biển, người Đà Nẵng cần chủ động tạo ra một số hoạt động văn hóa mới gắn liền với biển chẳng hạn như có thể tổ chức những liên hoan nghệ thuật sắp đặt (performance art) với không gian là bãi biển như kiểu workshop mang tên “Dòng chảy” tổ chức cuối năm 2001 tại bờ biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) do Trung tâm đương đại Không gian Xanh tài trợ, hay như kiểu Triển lãm Liên hoan Nghệ thuật Biển với chủ đề “Văn hóa gặp Văn hóa” được tổ chức năm 2002 kéo dài 28 ngày tại bờ biển Haeundae ở Busan - một bờ biển tiêu biểu cho Hàn Quốc...; hoặc có thể tổ chức thi nặn tượng nghệ thuật bằng cát và trên cát. Cuộc thi nặn tượng cát lần đầu tiên ở Việt Nam đã được tổ chức tại bãi biển Mỹ Khê hồi tháng 5-2012 và hồi tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công sự kiện “Xây tượng cát 2013”…
BÙI VĂN TIẾNG