Được xem là con đường đẹp nhất Đà Nẵng, đường Bạch Đằng như chiếc ban-công của ngôi nhà thành phố, hướng ra sông, cho bạn nhận gió từ sông, từ biển.
Và còn thú vị hơn khi bạn đang ở giữa trăm nghìn sắc màu của đèn, của cảnh quan ban đêm thơ mộng, thì thấy ánh trăng vằng vặc trước mặt những ngày trăng đầu tháng. Dạo bước trên đường Bạch Đằng ban đêm, bạn nhận ra thành phố biển này hiền hòa, thân thiện biết chừng nào, bạn có thể tự tìm cho mình một chỗ đứng để ngắm mặt nước sông lóng lánh, có tiếng máy nổ giòn tan của chiếc ghe cá rời bến, nhìn bao người đang tìm niềm vui giống bạn…
Đường Bạch Đằng đêm phía chân cầu Rồng. Ảnh:PHAN NGUYỆT |
Chạy vòng cung theo bờ Tây của sông Hàn ra đến cửa sông, đường Bạch Đằng thời Pháp thuộc có tên là Quai Courbet, từ năm 1955 được đổi tên thành Bạch Đằng cho đến ngày nay. Trải qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, đường Bạch Đằng ngày nay mang một diện mạo khang trang, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét thơ mộng, hoài cổ.
Con đường hiện hữu bao trầm tích thời gian, hiện hữu cả quá khứ, hiện tại và tương lai qua những công trình kiến trúc, cảnh quan. Lịch sử của thành phố gần như nằm trọn vẹn trên con đường này, với Cổ Viện Chàm, nơi lưu giữ và trưng bày hàng trăm tác phẩm điêu khắc, các tượng thần của nhiều giai đoạn lịch sử nền văn hóa Chăm đầy bí ẩn; với trụ sở UBND thành phố mang dấu ấn kiến trúc thời thuộc Pháp. Phía giữa con đường là chuỗi nhà phố và chợ Hàn, nơi trước đây là ga cũ thời thuộc Pháp (từ Đà Nẵng đi Hội An). Toàn tuyến đường được mở rộng từ 9m ra gần 15m và một công viên - bờ sông rộng 12m dài gần 2,5km, những cầu cảng của một thời gọi “đò ơi” được giữ lại làm chỗ dừng chân ngắm cảnh của du khách và các bến tàu du lịch nhỏ vẫn còn đây. Tưởng xa lắm mà thực ra mới cách đây chưa đầy 14 năm, khi cây cầu Sông Hàn, cây cầu của vạn tấm lòng góp thành nối hai bờ đông-tây hình thành.
Đường Bạch Đằng mở rộng, diện mạo đẹp hơn, lượng khách đến bar Bamboo tăng gấp đôi mỗi đêm. Ảnh:H.N |
Không chỉ du khách từ khắp mọi nơi đến thăm thành phố đều ngỡ ngàng nhận ra một Đà Nẵng thay da đổi thịt, mà chính người Đà Nẵng cũng thấy quê hương thay đổi quá nhanh, để trở thành một thành phố biển đẹp như mơ, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Tương lai của Đà Nẵng không còn là một cây cầu Sông Hàn sừng sững bắc qua sông, biến một giấc mơ bên bờ đông nghèo nàn, lạc hậu thành sự thật là một quận Sơn Trà đẹp trong từng chi tiết. Tuyến đường Bạch Đằng trở thành chứng nhân lịch sử. Từ một cây cầu, rồi 6 cây cầu bắc qua sông. Nhớ lại những ngày nắng, ngày mưa chờ đò mà lòng rưng rưng. Giờ qua sông chỉ cần vài phút.
Đường Bạch Đằng đã thành nơi dừng chân của bao người dân thành phố, những người làm nhiệm vụ “giám sát công trình” của những cây cầu. Ngày mới từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tôi đã rất ngạc nhiên vì người dân thành phố này đứng ở dưới đường Bạch Đằng xem các công nhân dựng cầu Sông Hàn, giữa ngày nắng, giữa tất bật mưu sinh. Ai cũng mong có cây cầu, ai cũng mong được qua sông, ra biển. Đến mới đây khi dựng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, lượng người đứng “giám sát” cầu vẫn không hề ít so với ngày xưa. Và người Đà Nẵng, thay vì chỉ qua sông, đã ra sông, xem bờ sông như ban-công nhà mình, chia sẻ với sông bao vui-buồn, thăng-trầm.
“Ban-công” Bạch Đằng hoành tráng vào ban ngày, lộng lẫy về ban đêm. Bờ sông rực rỡ ánh đèn, đêm vẫn không thiếu người thả bộ tập thể dục, nhiều người trẻ đưa nhau đến đây chụp ảnh kỷ niệm. Khi Đà Nẵng tưng bừng lễ hội, con đường là nơi để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, là “sân khấu” diễn ra các hoạt động cộng đồng của thành phố… Đường Bạch Đằng trở thành nơi chốn tinh thần của thành phố, mang lại cho thành phố một bản sắc riêng.
Nếu bạn đi dọc đường Bạch Đằng, bạn có thể ngắm mây núi Sơn Trà trước mặt. Giữa phố, bên núi, bên sông, có nơi nào đẹp như ở đây, hữu tình như ở đây. Bởi thế Bạch Đằng trở thành một con đường đẹp và đáp ứng nhu cầu dạo mát, nghỉ ngơi, vui chơi của người dân, góp phần thu hút khách đến du lịch Đà Nẵng. Ban đêm, từ đường Bạch Đằng, bạn thỏa sức ngắm cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý lung linh trong ánh đèn. Bạn ở Hà Nội vào, nhất quyết chọn các quán nước dọc đường Bạch Đằng để có thể ngắm cầu, ngắm phố, hít hà hơi nước phả lên từ mặt sông và tấm tắc khen cái nọ, cái kia, làm người chọn Đà Nẵng sống thấy mình hạnh phúc tràn trề trong tiếng khen của bạn.
Nằm ở một trong những vị trí đẹp nhất của Đà Nẵng, đường Bạch Đằng hầu như không bao giờ vắng bóng người qua lại. Nhờ đó, những hàng quán dọc con đường này luôn đông khách, đặc biệt khi đêm về. Chị Nguyễn Thị Diễm, chủ quán bar Bamboo 2 ở số 230 Bạch Đằng cho biết, quán bar này được mở từ năm 1996, đã nằm trên nhiều tuyến đường như Đống Đa, Xuân Diệu và trụ lại lâu nhất, “ăn nên làm ra” nhất cũng trên con đường này. Từ khi đường Bạch Đằng được mở rộng, nâng cấp, khách đến quán nườm nượp, mỗi buổi tối Bamboo 2 đón gần 300 khách, đông gấp đôi so với cách đây 3-4 năm. Ngoài những món ăn Âu, mì Ý, pizza, quán còn giới thiệu hàng chục món ăn Việt Nam.
Theo chị Diễm, các món ăn đặc sản Việt Nam được khách nước ngoài yêu thích, đó cũng là cơ hội để chị và các đầu bếp giới thiệu sản vật đất nước mình qua món ăn. Cũng trên con đường này, từ đoạn Bạch Đằng - Thái Phiên đến gần chân cầu Sông Hàn, 2 năm trở lại đây hàng chục quán giải khát nước dừa xuất hiện với giá rất bình dân, thu hút hàng trăm người mỗi tối. Chủ quán dừa Bến Tre cho biết, mỗi ngày quán bán ra 500-600 trái dừa tươi, những ngày sau Tết, nguồn dừa về thiếu khiến các quán chỉ bán cầm chừng để giữ khách.
Một con đường vừa đẹp để dạo chơi, nhìn ngắm, vừa là nơi để người dân kinh doanh thành công, điều đó cho thấy các nhà quy hoạch đã chọn đúng nơi để “đầu tư”. Đường Bạch Đằng đẹp lung linh, thân thiện như hôm nay đang rất cần một đề án để trở thành một con đường du lịch hoàn toàn, có thể chỉ dành cho đi bộ vào ban đêm với các hoạt động như tạo thành phố ẩm thực, bán hàng lưu niệm… Và cái “ban-công” nhìn ra bờ sông được tận dụng, để du khách cũng như người dân đến đây thấy cần phải chi tiêu, phải “sống cho đáng sống” vì chỉ duy nhất ở Đà Nẵng, trên con đường Bạch Đằng này mới có cái ban-công đáng giá như thế.
HOÀNG NHUNG