Cho dù mọi vật có đổi thay cồn dâu hóa bể, nhưng chợ vẫn tồn tại và "cuộc đời” của chợ như một cuốn phim tư liệu có thể kể cho ta nghe về một phần văn hóa - lịch sử của một vùng đất.
Chợ Hàn năm 1950. (Ảnh tư liệu) |
1. Ở Đà Nẵng, chợ Cồn hiện có trên 2 nghìn hộ kinh doanh, chợ Hàn chỉ trên dưới 750 hộ. Một số người đã dựa vào cái vẻ “hoành tráng” này mà phỏng đoán rằng chợ Cồn là “tiền hiền” của hệ thống chợ Đà Nẵng. Sự thực thì ngược lại. Chợ Hàn nằm bên bờ sông cùng tên, sự thuận lợi trong thông thương đường thủy, “nhất cận thị, nhị cận giang”, cùng với sự trù phú của khu trung tâm Tourane ngày trước đã nhanh chóng đưa tên chợ trở thành địa danh nổi tiếng khắp vùng: “Đi Phố - Hội An, đi Hàn - Đà Nẵng”.
Chợ Hàn ra đời vào cuối thế kỷ XIX, được người Pháp cho xây dựng tại đây một ga xe lửa phụ gọi là Gare de Tourane-Marché để chuyển vận hàng hóa và hành khách đến ga chính Gare de Tourane-Central (Ga Đà Nẵng ngày nay). Mặc cho người Pháp gọi thế nào, thị dân ngày đó cứ Ga Chợ Hàn và Ga Lớn mà gọi.
Về chợ Hàn, tác giả Võ Văn Dật đã viết trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, trang 343-344: “Nếu Chợ Lớn là trái tim thương mãi của Sài Gòn, Hội An là nhịp sống của Quảng Nam, thì Quai Courbet (đường Bạch Đằng ngày nay - NV) ở Đà Nẵng, từ chỗ ngã ba Courbet - Đồng Khánh (nay là đường Hùng Vương) trở về nam, bao quanh khu chợ Hàn, là nơi mà ngành buôn sỉ cũng như bán lẻ hoạt động nhộn nhịp nhất; nơi không những người Việt thường lui tới giao dịch mà ngay cả người Pháp cũng cần tiếp xúc”.
Chợ Cồn ra đời muộn hơn, khoảng vào những năm 40 thế kỷ trước. Bà Phan Thị Huệ, 68 tuổi, hiện bán gia vị trong chợ, nhà ở bên bến xe chợ Cồn cũ, sau lưng siêu thị Big C hiện nay. Bà kể, ban đầu mẹ bà cùng vài người hàng xóm che tạm mấy tấm tranh lụp xụp trên cồn đất trước nhà bán các loại rau, củ, quả… làm thành một chợ nhỏ. Bấy giờ, khu đất sau này là chợ Cồn hãy còn là một cồn đất hoang với nhiều mồ mả, lau sậy. Khi thị dân đông đúc, người Pháp đã cho san bằng cồn đất này, xây đình chợ đàng hoàng và chuyển cái chợ xếp bên kia đường vào đấy buôn bán. Từ đó, thêm một ngôi chợ lớn nữa ra đời ở Đà Nẵng với tên gọi đậm chất dân gian: Chợ Cồn.
Ngày trước thị dân Đà Nẵng gọi chợ Hàn là “chợ nhà giàu” vì hầu hết khách đi chợ thuộc giới thượng lưu. Giờ, nói về “tuổi tác”, so với chợ Cồn thì chợ Hàn là bậc “tiền bối”; nhưng nói về quy mô kinh doanh và lượng hàng hóa lưu thông thì chợ Hàn phải gọi chợ Cồn là “anh cả”.
Sau 27 năm đổi thành “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng”, chợ Cồn đã được lấy lại tên cũ. (Ảnh do Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cung cấp). |
2. Một trong những người nối nghiệp nhà, hiện bán các loại gia vị trong chợ Hàn là bà Nguyễn Thị Diệp, 74 tuổi. Nhà trong kiệt 236 Phan Châu Trinh, bà bảo, khi đường còn mang tên “Mạc Puộc” thì đó là kiệt 194. Nghe thế, về tra thì đó đúng cách đọc bình dân kiểu Việt tên của một viên phi công Pháp là Marc Pourpe - người từng biểu diễn máy bay khắp Bắc Kỳ rồi Trung Kỳ để tuyên truyền cho sức mạnh của Đại Pháp hơn thế kỷ trước. Từ việc nhớ vanh vách trước năm 1955 đường Phan Châu Trinh từng có tên là Marc Pourpe, bà đưa chúng tôi quay về thời bán buôn của bà mấy chục năm trước.
Xong lớp Đệ Thất, bà đi học và tốt nghiệp nghề may nhưng lại phải thay mẹ quán xuyến cái quầy bán đồ gia vị ở chợ Hàn vì mẹ bị bệnh. Hàng họ đâu có nhiều nhặn gì: mắm, muối, ớt, tỏi, tiêu, chanh,… Bán chạy nhất lúc bấy giờ là nước mắm đựng trong tĩn, một loại hũ có bụng phình to, lính hải quân thường cập tàu ở bến Bạch Đằng, kéo nhau lên mua rồi giới thiệu cho nhiều tàu khác.
Gọi là “quầy hàng” nhưng thực ra các hàng gia vị chỉ là sạp tre che mấy tấm tôn. Sau, các quầy hàng bán gạo, vải... trong đình chợ chính dời lên các ki-ốt trên chợ Vườn Hoa gần đó để nhường chỗ cho các quầy bán đường, đậu thế vào. Các quầy hàng còn lại cũng làm một cuộc “lên đời”: Hàng giày dép, gia vị vô thế chỗ hàng đường, đậu và nhường vị trí của mình lại cho hàng bán rau, hành. Cứ thế, cuộc sống người dân ngoài đời và trong chợ phát triển dần theo nhịp thời gian.
Năm 1989, chợ Hàn được xây mới gồm hai tầng khang trang, kiến trúc đẹp với diện tích 2.800m2. Các gian hàng trong chợ đã được bố trí hợp lý, gọn gàng theo từng ngành hàng, khách tham quan, mua sắm có cảm giác như đi vào một khu triển lãm hàng hóa. Điện thoại được kéo dây tới ngay mỗi quầy, điều mà trước đó dù muốn cũng không được vì dây nhợ lùng nhùng rất dễ gây cháy nổ. Bà Diệp đã “bàn giao” quầy hàng cho con gái, lấy biển hiệu Tú Toàn ngay bên trái cầu thang. Nếu ngày trước bà chỉ xoay quanh các loại gia vị thường ngày thì bây giờ con bà còn giới thiệu thêm với khách các loại hàng khô cao cấp hơn như tôm, cá, mực, bò...
Bốn năm trước đó, chợ Cồn được xây mới với một dãy nhà 3 tầng, hai dãy nhà 2 tầng và các nhà cấp 4 với tổng diện tích sử dụng gần 14.000m2. Nằm ngay trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu kinh doanh mua sắm ngày càng cao của người dân, chợ Cồn đã được đổi tên thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Tuy tên “khai sinh” là thế, nhưng theo bà Phan Thị Huệ, lâu nay ai cũng quen gọi là “Chợ Cồn”. Đến ngày 4-7-2012, trong nghị quyết về việc đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn Đà Nẵng, HĐND thành phố đã “cải danh” Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành “Chợ Cồn” - một tên gọi đã đi vào lòng người dân Đà Nẵng.
3. Chợ là nơi đô hội, quy tụ thượng vàng hạ cám các loại hàng. Ngoài các loại hàng phục vụ cho đời sống vật chất, người ta còn mở những hiệu sách để cung cấp món ăn tinh thần cho xã hội.
Gần chợ Hàn ngày trước có hai hiệu sách Sông Đà ở phía bắc, Lam Sơn ở phía nam nằm trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú). Bà Diệp dù đã thay mẹ đứng bán hàng gia vị nhưng vẫn không bỏ cái “tật” mê sách. Những sách quý bà mới bỏ tiền ra mua, còn lại đều thuê ở quầy sách các bà Minh Tâm, Thanh Thúy ở góc chợ đường Độc Lập - Trần Hưng Đạo (nay là Trần Phú - Nguyễn Thái Học), nơi bây giờ bán các loại hoa.
Đối diện chợ Cồn trên đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm) có Nhà sách Văn Hóa nổi tiếng một thời. Tôi một lần ghé vào, đang say sưa đọc tập Ca khúc da vàng thì bất ngờ mấy viên cảnh sát chế độ Sài Gòn ập vào làm biên bản tịch thu các tập nhạc được xem là đỉnh cao phản chiến trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn này. Tôi ngớ người, mấy ông lớn tuổi đang lướt qua các đầu sách để “đốt thời gian” trong lúc chờ vợ đi chợ cũng vội lãng ra xa.
Ngày đó, các ông chồng chờ vợ ở chợ Cồn hoặc vô hiệu sách, hoặc ghé quán cà-phê. Chị Lê Thị Tức hiện bán áo quần ở đình 15B, đình chính được xây từ hồi lập chợ, thường vào chợ phía góc Hùng Vương - Khải Định, nơi có quán cà-phê Xướng, bên một cái giếng nhỏ. Năm 1985, giếng bị lấp khi xây dựng lại chợ. Nhiều người khách cũ gặp chị đều hỏi về cái quán nổi tiếng này. Giờ cà-phê Xướng đã trở thành hoài niệm đối với rất nhiều người bên cạnh những “thương hiệu” khác gần đó như hiệu bánh Hoa Mai (nổi tiếng không thua tiệm bánh Thế Giới trên đường Trưng Nữ Vương, gần chợ Mới) hay phở bò viên Thái Ngư. Không rõ có phải thương hiệu xưa đã quá lừng lẫy hay chính gia đình của tiệm phở từng nằm bên ngã tư chợ Cồn này tiếp tục kinh doanh mà hiện có một số nơi ở Đà Nẵng vẫn lấy tên Thái Ngư như quán bò tái trên đường Nguyễn Văn Linh, quán ăn trên đường Nguyễn Tất Thành, nhà hàng trên đường 2-9…
4. Bà Diệp gần 40 năm nay là thành viên ban chấp hành Chi hội phụ nữ chợ Hàn. Chị Tức hiện là Chủ tịch Hội LHPN Chợ Cồn. Cả hai đi làm từ thiện khắp cả miền Trung, ai cũng biết tiếng chợ Hàn, chợ Cồn của Đà Nẵng. Bà Huệ đang chuyển giao quầy hàng mà bà tiếp nhận từ mẹ mình ở chợ Cồn sang thế hệ thứ ba. Những sạp tre rương ván, tối gánh ra chiều gánh về, hè nóng đông lạnh… đã trở thành hoài niệm đối với những người buôn bán ở hai ngôi chợ nhất nhì Đà Nẵng này. Nhà thơ Luân Hoán một thời ở gần chợ Hàn, nhớ lại chuyện xưa qua bài “Một thời đột kích chợ Hàn”: Cái rương cái sạp tần ngần/ Nằm nghe lớp bụi phong trần thở ra…
Cái rương cái sạp của chợ xưa đã phủ lớp bụi thời gian. Chợ Đà Nẵng giờ đã hiện đại, văn minh, đâu đó vẫn còn lưu lại những giá trị văn hóa - lịch sử của một vùng đất, nếu ta biết lắng lòng và tìm kiếm.
VĂN THÀNH LÊ