Khai thác 13 chuyến bay đến Việt Nam mỗi tuần, nhưng rất nhiều công ty du lịch tại Đà Nẵng cho biết lượng khách Nga đến thành phố thời gian qua rất hạn chế, ít du khách có ý định quay trở lại nghỉ dưỡng lần hai. Đây thực sự là dấu hiệu đáng buồn cho ngành du lịch biển thành phố.
Đón những du khách đầu tiên đến Đà Nẵng bằng đường hàng không. Ảnh T.Y |
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, khách Nga là thị trường du lịch tiềm năng. Người Nga có xu hướng đi chơi dài ngày, chọn ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 4 sao trở lên, trong tham quan mua sắm sẵn sàng “chịu chi” để có được sản phẩm, dịch vụ ưng ý. Nhu cầu của họ chủ yếu là nghỉ dưỡng dài ngày tại một địa điểm chứ không đi theo chương trình tour qua các địa phương, vùng miền khác nhau. Với đặc trưng đó, người Nga thường chọn những thành phố biển, có dịch vụ tương đối phát triển như Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng và Mũi Né làm điểm đến.
Đón đầu lợi thế du lịch biển, từ cuối năm 2012, Công ty TNHH Ánh Dương ký hợp đồng với Công ty Pegas Touristik (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa khoảng 200 khách/ngày trên chuyến bay thuê bao từ Nga, quá cảnh sang nước thứ ba rồi đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên một thời gian sau, Công ty TNHH Ánh Dương phải ngừng khai thác chuyến bay này. Bà Trinh Lương, đại diện Công ty TNHH Ánh Dương chi nhánh Đà Nẵng lý giải, chuyến bay buộc phải hủy do lượng khách đăng ký ít, thu không đủ bù chi.
Không chỉ Ánh Dương gặp khó trong việc đưa khách Nga đến Đà Nẵng mà một số công ty khai thác du lịch lớn khác như Vietravel, Hoàng Trà, Sài Gòn Tourist… cũng đành đứng ngoài cuộc. Bà Cẩm Vân, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch thương mại Hoàng Trà dẫn chứng, trước đây đơn vị này từng liên kết với một công ty du lịch tại Sài Gòn để đưa khách Nga về Đà Nẵng nhưng khai thác không hiệu quả. “Một tour từ 10 đến 15 ngày, chi tiêu trung bình của du khách Nga là 1.400 USD/người, trong đó hơn 30% chi ngoài tour. Chúng tôi đánh giá Nga là một trong những thị trường mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới nhưng không dễ khai thác. Lý do là họ rất thích đến biển nghỉ dưỡng nhưng dịch vụ biển ở Đà Nẵng hiện không bằng Nha Trang, Mũi Né. Chưa kể giá khách sạn hạng 4-5 sao ở Đà Nẵng đắt đỏ hơn nhiều so với hai địa chỉ trên”, bà Vân cho biết.
Rào cản ngôn ngữ
Tại Đà Nẵng, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) được đánh giá là một trong số ít đơn vị khai thác được thị trường khách Nga với trung bình mỗi tháng đón từ 5 đến 7 đoàn (chủ yếu khách gia đình). Chị Nguyễn Hà Ninh, chuyên viên thị trường Nga Vitours cho biết, dòng khách này chủ yếu đến từ thành phố Saint-Petersburg và các tỉnh nằm phía đông bắc nước Nga. Đây là thị trường mới, ít đơn vị khai thác. Cũng theo chị Hà Ninh, một trong những nguyên nhân chính khiến du khách Nga ngại đến Đà Nẵng là ngôn ngữ. Hết các khách sạn lớn, nhỏ tại Đà Nẵng hiện không có nhân viên nói được tiếng Nga nên vấn đề giao tiếp diễn ra rất khó khăn. Chị Ninh bộc bạch: “Có không ít hướng dẫn viên (HDV) tiếng Nga tự do tại Đà Nẵng phàn nàn rằng dù họ đã trả khách về lại khách sạn, nhưng trong một số tình huống khách không nói được tiếng Anh, đành phải gọi điện nhờ HDV chuyển tải giúp thông tin, yêu cầu của mình đến khách sạn. Điều này rất bất tiện”.
Trong khi tại Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết), nhiều khách sạn sẵn sàng bỏ tiền mời giáo viên về giảng dạy tiếng Nga cho nhân viên, lễ tân thì ở Đà Nẵng, điều này chưa được chú ý. Được biết hiện toàn thành phố có 30 HDV tiếng Nga được Sở VH-TT&DL cấp thẻ hành nghề, trong đó có 20 HDV là giảng viên đang làm công tác giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ. Việc lấy nguồn giảng viên làm HDV du lịch giúp cho đơn vị lữ hành tiết kiệm thời gian, kinh phí đào tạo vì các giảng viên tiếng Nga về cơ bản có thể đưa khách đi tour sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn do Sở VH-TT&DL tổ chức. Tuy nhiên, nguồn HDV này phần lớn đều ở tuổi trên dưới 50 nên còn tâm lý e ngại khi được đề nghị theo tour dài ngày. Dù tiếng Nga không được xếp vào tiếng hiếm, nhưng ở Đà Nẵng, hầu hết HDV tiếng này làm việc tự do, không thuộc biên chế của đơn vị lữ hành nên việc điều động HDV gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào mùa cao điểm.
Đà Nẵng có khoa tiếng Nga (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) mỗi năm ra trường hàng chục cử nhân tiếng Nga nhưng khách sạn, công ty du lịch tại Đà Nẵng vẫn khát nguồn nhân lực. Trả lời thắc mắc này, một giảng viên (xin giấu tên) đang công tác tại khoa tiếng Nga cho hay: “Hiện nay không ít SV đang học khoa tiếng Nga vào trường bằng nguyện vọng 2, 3 nên không mấy mặn mà với việc học. Không chỉ chữ viết, mà ngữ pháp, cách phát âm cũng làm khó SV trong việc tiếp cận ngôn ngữ mới. Dạy tiếng Nga là dạy cả văn hóa của một đất nước, một dân tộc, điều đó rất khó chuyển tải trong thời gian ngắn cho SV nhưng lại rất cần thiết với người làm du lịch. Chỉ khi SV thật sự đầu tư, học hành nghiêm túc thì mới mong nói được, giao tiếp được bằng tiếng Nga khi ra trường”.
Muốn khai thác khách Nga, phải biết họ muốn gì
Hơn 10 năm tiếp xúc với khách du lịch Nga, bà Trinh Lương chỉ ra những điểm yếu tại Đà Nẵng khiến khách Nga ít thiết tha như thời tiết nóng bức; dịch vụ kém phong phú; khách sạn 5 sao khá xa trung tâm thành phố, giá đắt đỏ; không có nhiều cửa hàng bán đồ hiệu; hàng may mặc chưa tinh xảo; lễ tân, người bán hàng không nói được tiếng Nga; các điểm tham quan ở Đà Nẵng chưa lồng ghép chương trình vui chơi giải trí, không có mặt hàng lưu niệm; bán đảo Sơn Trà chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch như tour ngắm voọc, lặn ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân mà khách Nga rất thích.
Bên cạnh đó, bà Lương cũng đưa ra so sánh, nếu mỗi tháng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 2 lần biểu diễn múa Chăm (10 giờ các ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng) thì tại Hòn Chồng (Nha Trang), các nghệ sĩ biểu diễn nhạc Nga bằng đàn đá bất kỳ thời gian nào mỗi khi có khách yêu cầu. Các khu chợ du lịch ở Nha Trang còn có hệ thống loa phát thanh nói tiếng Nga hướng dẫn du khách đi lại, mua sắm. Đặc biệt người dân tộc Rắc Lay tại vùng núi Yang Bay (xã Phú Khánh, huyện Khánh Vĩnh) Khánh Hòa còn nói được tiếng Nga khi giới thiệu những nhạc cụ đặc thù cho du khách… Với những phân tích này, bà Trinh Lương cho rằng, du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm để lôi kéo thị trường khách du lịch Nga. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ nhằm hướng đến nhóm khách giàu có.
TIỂU YẾN