.

Những tháng năm khói lửa

.

Chiến đấu với hàng vạn tấn bom, đạn và chất độc màu cam mà kẻ thù trút xuống, đi qua những năm tháng khói lửa rực trời, các cô gái TNXP trên tuyến lửa Trường Sơn, những cô gái “Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói/ Cả một thời trẻ trung sôi nổi/ Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa” chỉ mãi đau đáu một nỗi niềm: Làm sao để hôm nay và ngày mai đừng lãng quên lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Nhớ (áo trắng, bìa trái) cùng các đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn tháng 8-1973. Ảnh: NGÔ VĂN HƯNG
Cô Nguyễn Thị Nhớ (áo trắng, bìa trái) cùng các đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn tháng 8-1973. Ảnh: NGÔ VĂN HƯNG

Khi điểm danh mới biết mình còn sống  

Năm 1966, gia nhập lực lượng TNXP thuộc đơn vị Cù Chính Lan khi mới 18 tuổi, chị Trịnh Thị Bích Tuyết làm nhiệm vụ vừa bảo đảm giao thông từ vĩ tuyến 20 cầu đường, vừa vận chuyển hàng hóa ở khe Nước Lạnh, cầu Hoàng Mai, cầu Giát, cầu Bùng, cầu Cấm, phà Bến Thủy, Truông Bồn. Thời gian đó, Truông Bồn là khu vực Mỹ điên cuồng bắn phá, gần như không lúc nào ngơi nghỉ. Cô cùng đồng đội đêm lấp hố bom, ngày chuyển đạn vào trận địa pháo để bộ đội kịp thời chiến đấu. Trên vai cô gái 18 tuổi, nặng 40kg ngày ấy thường xuyên là những kiện hàng nặng 70kg. Tuy nhiên, với cô Tuyết, cái nặng của hàng hóa không sánh được với “cái nặng tâm lý” khi cõng bộ đội và nhân dân bị thương đi cấp cứu. Không biết bao lần, cô cảm nhận hơi thở yếu ớt và cái lạnh dần dần lan tỏa từ cơ thể máu me ngay trên lưng. Thậm chí đôi khi biết chắc đồng đội mình đã ra đi nhưng cô vẫn nghiến răng băng rừng đến trạm xá, với hy vọng mong manh, bạn mình chưa “đi mất”. Ôm đồng đội trên tay, nỗi đau tưởng chừng có thể khiến tim vỡ ra đã hun đúc thêm cho cô lòng căm thù giặc, muốn cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp cứu nước. Vì lý do này mà nhiều lần được Ban chỉ huy đơn vị tạo điều kiện để đi học kế toán thống kê, cô Tuyết nhất định nhường suất đi học cho đồng đội để được ở lại đường Trường Sơn làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm.

Công việc phá bom nổ chậm đòi hỏi một điều kiện duy nhất là dũng cảm. Cô Tuyết đã không biết bao lần ngất xỉu khi bay lên cùng các mảnh bom và đất đá, không biết bao lần bị bom vùi, những mảnh bom cứa vào da thịt, trống hoác, máu chảy thành dòng. Thế nhưng, khi tỉnh dậy giữa mù mịt bụi cát, cô lại nhai một nắm rau má, rịt vào vết thương để cầm máu và tiếp tục đi phá bom.

Cuối năm 1968 là thời điểm Mỹ ném bom ác liệt hơn cả, bom đạn trút xuống như mưa, các cô gái TNXP ngày ấy đã mặc áo trắng làm cọc tiêu sống để xe được qua an toàn (xe không thể bật đèn vì máy bay địch sẽ phát hiện). Trong những đêm lấp hố bom dưới làn mưa bom lửa, chị em TNXP vẫn cất cao tiếng hát để quên mệt nhọc với quyết tâm không để xe chờ đường. Chỗ nào ác liệt nhất là cô Tuyết và đồng đội có mặt. Tiểu đội của cô Tuyết được gọi là tiểu đội cảm tử, sáng bước chân đi, tối quay về căn cứ, điểm danh mới biết mình sống qua một ngày. Thế nhưng, cô và mọi người luôn xác định: “Dù chiến trường có ác liệt, dù có phải hy sinh cũng phải bám đường, kiên quyết không để xe chờ đường”.

Năm 1968, cô Tuyết đã vinh dự được ông Phan Trọng Tuệ - Thiếu tướng và tư lệnh đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa - cầm tay và nói: “Con gái xứ Nghệ giỏi lắm…”. Năm 1974, một nhà báo nước ngoài khi chứng kiến tội ác của Mỹ ở miền Nam, thấu hiểu được những gian nan vất vả của “tiểu đội cảm tử” đã thốt lên: “Con gái Việt Nam dũng cảm ngoài sức tưởng tượng”.

Cô Trịnh Thị Bích Tuyết xúc động khi nhớ về những đồng đội còn nằm lại trên đường Trường Sơn. Ảnh: M.T
Cô Trịnh Thị Bích Tuyết xúc động khi nhớ về những đồng đội còn nằm lại trên đường Trường Sơn. Ảnh: M.T

Chia nhau từng hạt muối

Phải đối mặt với sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, đối mặt với những dốc núi cheo leo, với gánh hàng, có thể là thực phẩm, đạn dược… nhiều khi có trọng lượng gấp đôi trọng lượng cơ thể trên lưng... Nhưng với cô gái 14 tuổi Bùi Thị Minh Trí – người đã trốn gia đình để tham gia lực lượng TNXP vào năm 1966 thuộc tiểu đoàn Nam Sơn (Cục Hậu cần Quân khu 5) – thì tất cả những khó khăn trên không đáng sợ bằng nỗi khổ thiếu ăn và thèm muối. Đến tận hôm nay, cô vẫn nhớ mãi ngày được anh bộ đội chủ lực miền Bắc tặng 2 hạt muối bằng đốt ngón tay út. Sau khi chia sẻ một hạt cho người bạn chung đường, cô Trí chỉ dám liếm một lượt cái hạt muối bé xíu trong tay rồi lau khô và… cất vào túi áo để khi về căn cứ thì chia lại cho đồng đội.

Vì quá thèm mắm, muối, cô Nguyễn Thị Nhớ - anh nuôi trong tiểu đoàn Nam Sơn ngày đó - đã sáng tạo ra việc giã ớt và củ sả để giả làm muối ăn hay lấy rễ tranh đốt thành tro rồi hòa với nước để tạo thành thứ nước chấm mằn mặn. Hôm nào may mắn bắn được con khỉ, con nai, sau khi đã ăn thịt, xương của những động vật này được cô giữ lại, phơi khô, giã nát và hòa với nước để làm thành một dung dịch vàng vàng mà mọi người tự động viên nhau là nước mắm. Các TNXP ngày ấy còn hái lá sắn vò nát và ủ cho đến khi lên men rồi trộn với loại xương khô được giã nát, hòa nước để làm thành xì dầu… Tên gọi là vậy, nhưng tất cả những nước chấm này, thực tế vẫn chỉ là nước mằn mặn để “cải thiện”, giúp cho món sắn khô của các chị thêm đậm đà. Ngày ấy, chỉ có bộ đội và người ốm nặng mới được ăn sắn tươi.

Năm 1968, Mỹ tăng cường rải chất độc màu cam trên đường 559. Ngày ấy, cô Trí và đồng đội không biết rõ loại chất độc ấy di hại như thế nào, nhưng ai cũng hiểu, cái thứ bột màu trắng như sữa đậm ấy một khi được máy bay Mỹ rải xuống thì chắc chắn là không tốt. Cô Trí và đồng đội chấp nhận “tắm” mình dưới “làn mưa màu sữa”, nhanh chóng chặt hết ngọn của những cây sắn để ngăn không cho chất độc ngấm qua lá, vào thân cây và xuống củ. Mặc dù vậy, vỏ của những củ sắn khi nhổ lên có lớp dày lạ thường, lớp ngoài củ sắn thì cứng, bên trong lại mềm nhão và vàng khè. Biết là củ sắn bị ảnh hưởng bởi chất độc mà quân thù rải xuống nhưng không thể không ăn bởi “chết vì đói nhanh hơn chết vì chất độc”, cô Trí nhớ lại.

Chiến tranh đã đi qua nhưng nó vẫn để lại di chứng nặng nề lên người các TNXP ngày ấy. Hàm răng của cô Bùi Thị Minh Trí từ lâu đã rụng hết mà có lẽ là do uống thứ nước nhờ nhờ từ các hố bom và ăn sắn “tẩm” chất độc màu cam. Hai người con của cô do ảnh hưởng từ mẹ mà cũng rụng hết răng khi tuổi đời còn rất trẻ. Cô Nguyễn Thị Nhớ đã từng rụng toàn bộ tóc sau trận sốt rét rừng chết đi sống lại. Trên khuôn ngực của cô Trịnh Thị Bích Tuyết thì dọc ngang những vết sẹo – kết quả của không biết bao lần bị các mảnh bom mìn cứa. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương đã thành hình lẫn không thành hình trên cơ thể các chị TNXP ngày đó lại đồng loạt lên tiếng. Đau đớn và nhức buốt. Nhưng với họ, hầu như gặp nhau ở một điểm chung, nghèo khó và bệnh tật hôm nay không thể sánh được với điều kỳ diệu: Đi qua được những năm tháng khói lửa rực trời, được sống đến hôm nay, được chứng kiến sự thống nhất, trọn vẹn hai miền đất nước. Và ở họ, những cô gái “Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói/ Cả một thời trẻ trung sôi nổi/ Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa” (Phạm Tiến Duật) còn chung một niềm đau đáu: Làm sao để hôm nay và ngày mai đừng lãng quên lịch sử.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.