.

Nghĩ về sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng hiện nay

.

1. Nghĩ đến sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng hiện nay, người ta thường quan tâm trước nhất và nhiều nhất đến khía cạnh sáng tác ca khúc mới. Quan tâm như vậy là đúng, bởi vì sức sống của một nền âm nhạc chưa thật “thâm niên” và “thâm hậu” như Đà Nẵng chủ yếu được thể hiện qua những ca khúc mới, nhất là những ca khúc phản ánh diện mạo tâm hồn của thành phố bên bờ sông Hàn đang từng ngày thay đổi.

Ca sĩ Quang Hào thể hiện một ca khúc viết về Đà Nẵng trong liveshow
Ca sĩ Quang Hào thể hiện một ca khúc viết về Đà Nẵng trong liveshow " Về lại mái nhà" tại Nhà hát Trưng Vương.Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Nhìn từ góc độ này, có thể nói thời gian qua Đà Nẵng đã đạt một số thành tựu đáng ghi nhận, với những địa phương ca thân quen không chỉ với người nghe hát Đà Nẵng như Đà Nẵng tình người, Chiều Đà Nẵng, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi, Nhịp điệu thành phố, Sông Hàn tình yêu của tôi... Tuy nhiên đây chính là chỗ ám ảnh nhất của người Đà Nẵng khi cảm thấy dường như mọi nỗ lực đầu tư cho sáng tác ca khúc mới thời gian qua vẫn chưa đủ để vượt lên mặc cảm thua chị kém em so với những Huế thương hay Quảng Nam yêu thương của hai tỉnh láng giềng, hoặc so với Thành phố hoa phượng đỏ của Hải Phòng kết nghĩa…

Tôi nghĩ trong âm nhạc nói riêng, trong nghệ thuật nói chung, vấn đề không cốt ở sự hơn thua mà cốt ở sự khác biệt. Có điều đối với địa phương ca, khác biệt không nằm ở chỗ ca khúc có địa phương hóa được các địa danh hay không, chẳng hạn người ta sông Hương hay sông Thu Bồn thì mình phải sông Hàn hay sông Trường Định… mà nằm ở chỗ ca khúc có giúp khán giả nghe hát hình dung được hồn-đất-hồn-người đặc trưng của từng địa phương hay không. Đấy mới chính là đòi hỏi quan trọng nhất trên hành trình sốt ruột đi tìm một Đà Nẵng ca đạt yêu cầu như mong đợi.         

2. Nghĩ đến sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng hiện nay, cần nghĩ sâu thêm về khía cạnh biểu diễn. Cũng có người cho rằng sở dĩ chưa có được một Đà Nẵng ca đạt yêu cầu như mong đợi không phải do chưa có ca khúc hay - tức không phải do khâu sáng tác - mà chủ yếu do chưa có người hát truyền cảm đến mức lay động lòng người - tức chủ yếu do khâu biểu diễn. Ai cũng biết sáng tác gắn với nhạc sĩ còn biểu diễn gắn với ca sĩ, nhưng mối quan hệ tương tác giữa nhạc sĩ và ca sĩ kiểu Trịnh Công Sơn - Khánh Ly ngày xưa thì dường như vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Trong đời sống âm nhạc, có một số ca sĩ sáng tác thành công nhiều ca khúc và cũng có một số nhạc sĩ tự thể hiện rất hay các ca khúc của mình và của người khác. Tuy nhiên có thể nói một nhạc sĩ hát hay đến mấy cũng không thể nào thể hiện cho hết cái thần thái ca khúc của chính mình, bởi muốn truyền cảm đến mức lay động lòng người thì rất cần năng lực đồng sáng tạo của ca sĩ. Ca sĩ có năng lực đồng sáng tạo trước hết phải có giọng hát trời cho và quan trọng hơn là phải được học hát/được luyện giọng một cách bài bản.

Tuy nhiên chỉ vậy thôi vẫn chưa đủ, bởi muốn có năng lực đồng sáng tạo - tức không chỉ thể hiện trọn vẹn cái thần thái vốn có của ca khúc đang hát mà còn phải thể hiện cho hết cái thần thái có thể có của ca khúc ấy, ca sĩ cần có khả năng thâm nhập vào mỗi ca từ/mỗi nốt nhạc/mỗi giai điệu, phải hóa thân vào bài hát, phải “cháy hết mình” trong từng câu hát - cả ở chỗ lắng đọng nhất. Ca sĩ nào đáp ứng được đòi hỏi mỹ học cao như thế chắc sẽ không cần chinh phục khán giả bằng những yếu tố ngoài-âm-nhạc như là sự hấp dẫn của trang phục hoặc như là sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh…   

3. Nghĩ đến sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng hiện nay, cần nghĩ sâu hơn về khía cạnh thưởng thức của một công chúng yêu nhạc đông đảo và đa dạng về thị hiếu nghệ thuật. Đa dạng về thị hiếu nghệ thuật là bởi “chín người mười ý”, người mê tân nhạc kẻ thích cổ nhạc, người ưa nhạc đỏ kẻ chuộng nhạc vàng…; thậm chí trong cùng một người mà lúc trẻ lúc già lúc buồn lúc vui, cung bậc tình cảm theo đó mà chuyển hóa, dẫn đến thị hiếu nghệ thuật cũng không thể nhất thành bất biến. Quan tâm đến khía cạnh thưởng thức của một công chúng yêu nhạc đông đảo và đa dạng về thị hiếu nghệ thuật, cần chú ý đa dạng hóa cả khía cạnh sáng tác lẫn khía cạnh biểu diễn và tổ chức biểu diễn.

Đa dạng hóa sáng tác cho nên nhạc sĩ Đà Nẵng có thể và cần phải sáng tạo nghệ thuật theo cảm hứng của chính mình, không nên khuôn nhu cầu sáng tác tự thân vào mỗi một “đơn đặt hàng” về Đà Nẵng ca - và thật ra cũng không thể chỉ khuôn phạm vi sáng tác vào tân nhạc, bởi nhạc sĩ Đà Nẵng ở đây còn được hiểu là những nhà soạn tuồng cho sân khấu hát bội. Đa dạng hóa biểu diễn cho nên ca sĩ Đà Nẵng không thể chỉ tập trung hát Đà Nẵng ca, dẫu đó là những Đà Nẵng ca đạt yêu cầu như mong đợi.

Và đa dạng hóa tổ chức biểu diễn cho nên cần hạn chế dàn dựng các chương trình ca nhạc chỉ toàn ca khúc về Đà Nẵng dễ gây cảm giác về nỗi đơn độc trong phát triển. Quan tâm đến khía cạnh thưởng thức của một công chúng yêu nhạc đông đảo và đa dạng về thị hiếu nghệ thuật, còn phải nỗ lực đầu tư nâng cấp nền âm nhạc Đà Nẵng theo hướng sáng tác, biểu diễn và tổ chức biểu diễn nhạc thính phòng và thậm chí là nhạc giao hưởng vốn đương còn xa lạ với số đông công chúng yêu nhạc ở thành phố này.          

4. Nghĩ đến sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng hiện nay, cũng cần nghĩ sâu hơn về nguồn nhân lực chuyên lao động nghệ thuật trên lĩnh vực này. Trong thế giới phẳng, nguồn nhân lực trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng không thể tự mình khép kín theo kiểu “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, huống chi là trên một lĩnh vực tinh tế và sang trọng như âm nhạc.

 Chỉ xét riêng hành trình đi tìm Đà Nẵng ca, đã có thể thấy rõ sự đóng góp đáng kể của nhiều nhạc sĩ rất Đà Nẵng nhưng vẫn đang sống xa Đà Nẵng. Trên lĩnh vực biểu diễn, các sân khấu âm nhạc Đà Nẵng cũng thường xuyên có mặt những ca sĩ đến từ nhiều chiếc nôi âm nhạc trong nước và nước ngoài, kể cả sự hiện diện của một số dàn nhạc giao hưởng/thính phòng nổi tiếng thế giới được mời đến Đà Nẵng để giao lưu. Tuy nhiên, sức sống của một nền âm nhạc chưa thật “thâm niên” và “thâm hậu” như Đà Nẵng chủ yếu phải dựa vào đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công… tại chỗ được hình thành từ cả hai phương thức tự đào tạo và thu hút.

Thu hút một nghệ sĩ thật sự tài năng trở thành người Đà Nẵng nhằm trực tiếp cống hiến cho sự phát triển của âm nhạc không dễ, nhưng giữ chân được họ và quan trọng hơn là làm cho họ luôn tỏa sáng trong lao động nghệ thuật còn khó hơn nhiều. Chính vì thế căn cơ nhất vẫn là tự đào tạo nguồn nhân lực chuyên lao động nghệ thuật trên lĩnh vực này trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông và không chỉ trong trường phổ thông - chẳng hạn trong các nhà văn hóa thiếu nhi hay trên sóng phát thanh và sóng truyền hình. Muốn thế, nền âm nhạc Đà Nẵng đang rất cần những người truyền lửa - ngọn lửa của niềm đam mê tận hiến có khi suốt đời cho nghệ thuật của âm thanh…       

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.