Chuyên đề

An cư và lạc nghiệp

13:53, 28/11/2014 (GMT+7)

Sinh viên xa nhà muốn “lạc nghiệp” thì trước hết cũng phải cần “an cư”: tìm một chỗ ở vừa ý, kiếm một việc làm để có thể đỡ gánh nặng của cha mẹ và, trong nhiều trường hợp, nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình.

Nhiều khu nhà cho thuê trọ ở phường Hòa Khánh Bắc soạn hẳn nội quy để “văn minh hóa” đời sống sinh viên.
Nhiều khu nhà cho thuê trọ ở phường Hòa Khánh Bắc soạn hẳn nội quy để “văn minh hóa” đời sống sinh viên.

An toàn, gần trường và hợp túi tiền

Anh Nguyễn Hạnh, một nghệ nhân làng đá Non Nước, đưa tôi đến thăm một xóm nhà cho thuê trọ ở tổ 95 (35 cũ) khu vực Hải An, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Dích dắc một hồi, một khu đất rộng rãi hiện ra, nhà cửa bốn bề bao quanh một sân rộng như thường thấy trong phim Hàn Quốc. Qua giới thiệu của Hạnh, anh chủ nhà Phạm Viết Liêu vui vẻ cho biết, cũng nhờ có không gian thoáng như vậy mà hơn 10 phòng trọ trong khuôn viên vườn nhà anh lúc nào cũng có sinh viên (SV) thuê trọ.

Ở nơi giáp ranh với xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, sau khi thông xe đường Võ Chí Công, rồi đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng, các cơ sở đào tạo như Trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng, Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt Hàn, Khoa Y Dược – ĐH Đà Nẵng… bỗng chốc không còn “heo hút” như trước. Theo anh Liêu, so với năm 2006 là năm anh lần đầu tiên mở phòng cho thuê trọ, yêu cầu của SV nay đã cao hơn nhiều, phòng không có nhà vệ sinh là sẽ bị “chê” ngay. Nhiều SV rất khá giả, như P. nhà ở Lao Bảo, học đồ họa kiến trúc, ngoài các máy móc cần thiết cho ngành học, cô gái người Quảng Trị này còn “tậu” luôn một tủ lạnh về phòng trọ trước sự ngưỡng mộ của các SV khác.

Ở phường Hòa Khánh Bắc, nơi có lượng SV nhiều nhất quận Liên Chiểu, theo chị Phạm Thị Ngọc Diễm tổ 5B Quang Thành 2, nhiều bậc cha mẹ SV tuy không phải khá giả gì nhưng cũng gắng tìm cho con mình một chỗ trọ tương đối để yên tâm học tập. Chị Diễm có trên 30 phòng cho thuê trọ, lắp đặt 8 camera theo dõi toàn bộ các hành lang, hiên nhà, nơi để xe, thậm chí cả nơi phơi đồ ở tầng trên cùng để tránh tình trạng SV rút “nhầm” áo quần.

Chị họp toàn bộ SV ở trọ lại, cùng nhau đưa ra một “quy ước” để bảo vệ an ninh trật tự. SV nào có các hành vi như rút quần áo nhầm, để xe dưới hiên nhà mà không khóa, về khuya quá giờ quy định, gây tiếng ồn, mất vệ sinh,… đều bị phạt từ 20-50 nghìn đồng. Cao nhất là leo tường rào bị phạt đến 100 nghìn đồng. Số tiền phạt này nộp cho một SV làm thủ quỹ, dùng để thăm viếng SV bị đau ốm hay tai nạn, liên hoan…

Thiếu tá Lê Văn Tín, Trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc, cho biết cả phường hiện có 1.249 nhà cho thuê trọ với 6.545 phòng, trong số người thuê trọ có 60% là công nhân, 40% là SV. Những khu nhà trọ cho thuê “lý tưởng” ở Hòa Khánh Bắc dành cho SV, ngoài Quang Thành 2, Quang Thành 3A có thể kể đến khu tập thể Đại học Bách khoa do các thầy, cô giáo nghỉ hưu về mở, lúc nào cũng kín phòng. Các khu nhà trọ có chủ là người ở trung tâm thành phố có kém cạnh hơn. Theo Thiếu tá Tín, mỗi tháng đến kỳ họ lên thu tiền, mọi việc quản lý về nhân thân, đời sống sinh viên gần như “bán cái” cho lực lượng công an, biện pháp chế tài đã được đưa ra: Nếu kinh doanh nhà trọ mà để xảy ra mất an ninh trật tự sẽ bị thu hồi giấy phép.

Phường Mỹ An là nơi tập trung nhiều SV nhất ở quận Ngũ Hành Sơn với 700 nhà cho công nhân và SV thuê trọ, trong đó có khoảng 5 nghìn SV. Tuy nhiên, theo thiếu tá Lê Nga, Phó trưởng Công an phường, chỉ có khoảng 30% nhà trọ đảm bảo kiên cố, an toàn đối với việc phòng chống tội phạm. Với các hộ có từ 10 phòng trọ trở lên, Công an phường đề nghị lắp camera theo dõi nhưng hiện chỉ mới có một vài hộ tự lắp đặt.

Nhiều sinh viên làm thêm là để trau dồi kỹ năng của mình. TRONG ẢNH: Sinh viên Trần Xuân Nam (phải) nhận viết phần mềm lập trình cho một số đơn vị. Ảnh: V.T.L
Nhiều sinh viên làm thêm là để trau dồi kỹ năng của mình. TRONG ẢNH: Sinh viên Trần Xuân Nam (phải) nhận viết phần mềm lập trình cho một số đơn vị. Ảnh: V.T.L

Mưu sinh ngoài giảng đường

Đang trò chuyện với anh Liêu thì một SV đi học về, tôi ngờ ngợ đã gặp cô gái này đâu đó. Thì ra, cô tên là Võ Thị Thanh Giàu, từng gặp cô một lần ở quán S.C. trên địa bàn Ngũ Hành Sơn. Giàu quê Quy Nhơn, học năm hai khoa Y dược – ĐH Đà Nẵng, ở trọ nhà anh Liêu, tối tối ra phụ bán hũ tiếu ở ngã tư trên đường vành đai phía Nam. Hai tháng trước, Giàu đi ngang quán S.C. thấy treo bảng tuyển nhân viên nên vô đăng ký. Ngại gì, công việc đàng hoàng mà, làm thêm vừa có tiền trang trải chi phí vừa “giết” thời gian khỏi phải la cà – Giàu cười khi nghe tôi hỏi có lo ngại gì không.

Nếu đến năm cuối thì SV nào cũng tất bật lo chuyện học, như cô gái Lê Thị Hoài Thu, “hàng xóm” của Giàu, người Hội An, đã nghỉ làm nhân viên phục vụ quán cà-phê khi bước vào đầu năm ba CĐ nghề du lịch.

Cũng học năm cuối, rất bận rộn trong việc lo đề án tốt nghiệp khoa Điện tử viễn thông – ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhưng Trần Quốc Huy, người Quảng Trị, vẫn chưa chịu “chia tay” với “nghề” dạy kèm môn Toán cho học sinh THCS vào buổi tối. SV Bách khoa phải đóng học phí, rồi in các loại tài liệu, đề án... không đi làm thêm thì lấy chi đắp đổi. Ở phòng trọ “đạt chuẩn” giá có cao chút ít nhưng được cái là yên tâm, SV khá giả không nói gì, hầu hết SV nhà khó khăn phải bươn chải thêm để bù vào chi phí - Huy chia sẻ.

Ngoài gia sư, SV còn làm một số “nghề” khác có tính thời vụ như hợp đồng với các rạp bán vé xem phim, làm MC cho các gian hàng mỗi khi có hội chợ, phục vụ bàn cho các quán cà-phê, bán hoa tươi các ngày lễ... Một số nữ SV có ngoại hình dễ coi được mời làm người mẫu chào quan khách trong các hoạt động tổ chức sự kiện. Nhiều nam SV làm thêm không hẳn vì gia đình khó khăn, nhưng chính là để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” và trau dồi kỹ năng của mình.

Trần Xuân Nam, quê Hà Tĩnh, học lớp chất lượng cao năm thứ tư khoa Công nghệ thông tin – ĐH Bách khoa. Khi các đơn vị có nhu cầu “mua lúa non” đến liên hệ, ban giám hiệu giới thiệu xuống lớp và Nam là một trong những SV được chọn. Dân Bách khoa học gần như liên tục, rất khó làm thêm, nhưng với công việc lập trình thì Nam có thể đem về phòng trọ và âm thầm làm việc. Đến nay Nam đã hoàn thành được nhiều sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng do bên đặt hàng đưa ra. Công việc này, với Nam, không hẳn vì thu nhập mà là cơ hội để Nam thực hành chuyên sâu vào môn học ở trường.

Chuyện “an cư” và “lạc nghiệp” đối với SV trên địa bàn Đà Nẵng hiện không phải là điều bức xúc như ở hai đầu đất nước. Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho hay một trong 5 nội dung triển khai tại buổi họp các chủ nhà cho thuê trọ đầu năm là không được nâng giá, bắt chẹt SV thuê nhà trọ. Phòng trọ “đẹp” trên địa bàn Mỹ An có giá mỗi tháng 700 nghìn đồng, còn lại thì khoảng 300-500 nghìn đồng, nếu SV ở ghép 2 người thì chi phí ở trọ không cao.

Tiền thuê trọ không cao, sinh hoạt phí hằng ngày thấp, đó là hai trong những lý do để SV ở Đà Nẵng chỉ nặng lòng trong chừng mực nào đó với cuộc mưu sinh ngoài giảng đường.

VĂN THÀNH LÊ

.