Chuyên đề

Khi phải sắm vai "cặp đôi hoàn hảo"

07:25, 22/11/2014 (GMT+7)

Lần thứ hai, chị bật khóc, nói “tôi còn thương ảnh”... Anh, có lẽ đã chờ đợi điều này từ rất nhiều năm trước, nhưng muộn còn hơn không, chẳng phải đắn đo suy nghĩ gì thêm nữa, xin rút đơn ly hôn… Họ là những “cặp đôi” có thật ngoài đời hiện sống ở Đà Nẵng, vì lý do tế nhị, xin không nêu tên.

Con cái bao giờ cũng mong muốn cha mẹ mình luôn là “cặp đôi hoàn hảo”, dù cuộc sống riêng của họ có chông chênh thế nào. (Ảnh minh họa: Internet)
Con cái bao giờ cũng mong muốn cha mẹ mình luôn là “cặp đôi hoàn hảo”, dù cuộc sống riêng của họ có chông chênh thế nào. (Ảnh minh họa: Internet)

Quan hệ giữa “tập một” và “tập hai”

Vì nhiều lý do, anh chia tay với người trước để làm tiếp “tập hai” cho cuốn phim cuộc sống riêng của mình. Chuyện cũng nguôi ngoai nhiều năm rồi, đến khi con trai báo tin sẽ lấy vợ thì hòn than vùi sâu trong bếp tro tàn bỗng dưng ấm lại. Chuyện riêng của mình đã làm cho con bị thiệt thòi, ít nhiều nó cũng bị tổn thương rồi, giờ dứt khoát phải làm cho ngày vui của con được trọn vẹn, anh nghĩ thế.

Chuyện anh cùng “tập một” đi thăm nhà gái thì không phải lo, nhưng việc nhà gái đi thăm ngược lại đã khiến anh băn khoăn. Đón họ ở đâu, nhà “người cũ” thì không được rồi, mà nhà anh với “người mới” lại càng không được. Con anh không muốn để phía nhà gái biết hoàn cảnh của gia đình mình nên bàn với anh và “người cũ” là đón khách ở... nhà hàng. Dưới mắt mọi người, anh và “người cũ” là một “cặp đôi hoàn hảo”, ngồi trong bàn tiệc, người đó chăm sóc anh từ việc tiếp thức ăn, thức uống cho đến những câu góp chuyện bông đùa tế nhị như “chưa hề có cuộc chia ly”.

Mấy lần gặp nhà gái sau đó cũng vậy, con anh đều yêu cầu anh không cần phải nói ra, chỉ cần giữ thái độ bình thường là được, nó sẽ chọn thời điểm thích hợp để tự nói ra “điều bí mật” của mình. Vì tôn trọng con nên anh làm theo ý nó, xong đám cưới con, anh vẫn chưa nói gì với nhà gái, mãi một tuần sau đó anh mới gọi điện thoại giãi bày tâm sự cùng họ, nhưng hình như họ cũng đã biết chuyện của gia đình anh nên bảo là không vấn đề gì.

Một ông bạn vong niên làm công tác mặt trận, nghe anh nói con trai anh gọi “người mới” của anh bằng “cô”, vui vẻ góp lời: Gọi thế mà hay. Cô là em của bố mình, nó gần gũi hơn. Chứ gọi “dì” thì dễ liên tưởng đến tình trạng “dì ghẻ con chồng”.

Ông này kể, một chị làm ở phường, là “tập hai” của một người đã chia tay vợ nhưng không chia tay với đứa con gái tuổi còn nhỏ. Đến khi con có chồng, “tranh chấp” xảy ra: Ai sẽ đứng ra làm chủ hôn, mẹ ruột hay mẹ kế? “Tập một” bảo là tôi. “Tập hai” khoát tay: “Người đó phải là tôi chứ không ai khác. Chị có công sinh nhưng không có công dưỡng. Làm mẹ thì công nuôi dưỡng cực khổ ra sao chị cũng đã biết rồi”. Đưa ra bàn bạc trong họ tộc, cuối cùng mọi người “dồn phiếu” cho người vợ sau, nuôi con thì phải có quyền và trách nhiệm dựng vợ gả chồng cho con.

Anh và “người cũ” bất đắc dĩ phải chia tay sau gần 30 năm sống chung, con cái đã lớn nên không đến nỗi căng thẳng, các mối quan hệ được xử sự rất tự nhiên. Bản thân “người mới” của anh, xuất phát từ lòng thương yêu chồng cũng đã lo lắng, sẻ chia cùng anh và “người cũ” nhiều công việc trong ngày vui của con anh. “Chia tay vợ rồi mà gia đình vợ cũ vẫn quý trọng tôi như hồi còn là rể của họ vậy. Thực ra, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, điều quan trọng nhất là mình phải biết vị tha, biết hy sinh và điều chỉnh hành vi để không chướng, nhất là dịp lễ trọng đại của gia đình”.

“Bí mật” giấu sau bức tranh

Anh là trưởng nam, chị là trưởng nữ. Theo quan niệm truyền thống Á Đông thì đó là những vị trí quan trọng trong gia đình, phải gương mẫu về mọi mặt, từ lời ăn tiếng nói đến cách xử sự hằng ngày. Thế mà, cũng 7-8 năm nay, giữa hai người đã xảy ra cảnh cơm không lành canh không ngọt, nguyên do chỉ vì anh chồng - nói như dân gian, “tình cũ không rủ cũng tới” - có “duyên” gặp lại người yêu cũ từ thời trung học.

Biết tin, chị bàng hoàng tưởng như đất trời sụp đổ. Lẽ ra, nếu có kinh nghiệm và “cao tay ấn”, chị đã biết níu giữ chồng mình bằng những phương cách mà dân gian gọi là “lạt mềm buộc chặt”. Đằng này, chị đã xốc nổi đầy bản năng trong cơn ghen cuồng dại với những lời cay nghiệt, chua ngoa rất đỗi đàn bà. Chị trong thâm tâm muốn kéo chồng lại với mình nhưng, qua cách xử sự thiếu bản lĩnh của mình, lại vô hình trung đẩy anh xa mãi, xa mãi... tới mức ly thân, xem nhau như người xa lạ.

Một người ra đi, một người ở lại. Ngôi nhà hôm nào đầm ấm, yên vui, ngập tràn tình yêu, đã sớm trở thành nơi chốn hoang vu, hiu quạnh. Thi thoảng, rất lâu, mới có lại chút gì gọi là mái ấm, khi đứa con gái du học ở xa về và anh cũng về theo. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, con gái rời xa thì tất cả lại rơi vào thinh lặng.

Mới đây, hai người hòa giải lần thứ nhất, chồng chỉ ưng vợ nói một lời xin lỗi. Vợ nhất quyết không... Lần thứ hai, chị bật khóc, nói “tôi còn thương ảnh”... Anh, có lẽ đã chờ đợi điều này từ rất nhiều năm trước, nhưng muộn còn hơn không, chẳng phải đắn đo suy nghĩ gì thêm nữa, xin rút đơn ly hôn.

Chị lặng lẽ đến bên chiếc tủ lấy ra một bức tranh, đưa cho mọi người xem thay lời muốn nói. Chị đã bỏ ra 3 tháng trời, gửi tâm tình vào trong từng đường kim mũi chỉ để thêu hình hai con ngựa, một lớn một bé tượng trưng cho tuổi chồng và con gái. Chị mong hai con ngựa luôn ở bên chị trong thương yêu nồng ấm như thuở nào…

Lúc này, mọi người mới biết rằng, lâu nay chị vẫn rất mực yêu thương chồng nhưng đã che đậy với vẻ ngoài cứng cỏi, bất cần. Cả anh em hai bên nội ngoại nghe tin, mừng ứa nước mắt. Trong chuyện này không biết ai là người hạnh phúc nhất, anh, chị hay người con gái? Mà có lẽ là người con gái. Bức tranh “bí mật” đã cho cô hay rằng, ngoài tấm lòng mẹ hiền dành cho cô, mẹ vẫn mãi mãi một tình yêu sâu nặng với bố và trước sau hai người vẫn là “cặp đôi hoàn hảo” thực sự chứ sẽ không phải gượng gạo “sắm vai” trong thế chẳng đặng đừng trong ngày cô lên xe hoa...

VĂN THÀNH LÊ

.